Tòa án công nhận kết quả đối thoại thành thì có thu lệ phí hay không?
Tapchitoaan.vn tiếp tục giới thiệu Công văn số 59/TANDTC-PC ngày 29 /3 / 2019 của TANDTC hướng dẫn bổ sung về nghiệp vụ triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân.
Trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án thì đối với thỏa thuận liên quan đến tài sản có giá trị lớn có tính án phí có giá ngạch hay không? Trường hợp Tòa án công nhận kết quả đối thoại thành thì có thu lệ phí hay không?
Điểm b mục 3 Công văn số 310/TANDTC-PC hướng dẫn: “b.Trường hợp qua hòa giải, các bên thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết thì tại Biên bản hòa giải thành ghi rõ những nội dung các bên thống nhất. Nếu các bên hoặc một bên tranh chấp có yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành thì Hòa giải viên hướng dẫn người đó làm đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành và chuyển hồ sơ đơn yêu cầu và biên bản hòa giải cho Tòa án. Tòa án xem xét thụ lý giải quyết việc dân sự về yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định tại chương XXXIII BLTTDS…”.
Theo hướng dẫn nêu trên thì khi hòa giải thành các bên hoặc một trong các bên tranh chấp có yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành thì đây là yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là việc dân sự. Lệ phí giải quyết việc dân sự về yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thực hiện theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/ 12/ 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Mức thu lệ phí này là 300.000 đ (không phân biệt thỏa thuận liên quan đến tài sản có giá trị lớn hay nhỏ).
Điểm b mục 3 Công văn số 310/TANDTC-PC hướng dẫn: “… Trường hợp nhận được quyết định hành chính mới thì Trung tâm phải thông báo cho bên còn lại biết. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm, nếu bên còn lại không có ý kiến phản đối thì Đối thoại viên thông báo cho Giám đốc Trung tâm, chuyển hồ sơ vụ việc, biên bản đối thoại, quyết định hành chính mới cho Tòa án. Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành.” Hiện nay, chưa có quy định về công nhận kết quả đối thoại thành ngoài Tòa án, do vậy Tòa án không thu lệ phí khi ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành.
Thời gian giải quyết một vụ việc tại Trung tâm hòa giải đối thoại tại Tòa án bị rút ngắn xuống còn 20 ngày làm việc so với quy định trước đây là 2 tháng, dẫn đến Hòa giải viên, Đối thoại viên không có nhiều thời gian nghiên cứu đối với những vụ việc phức tạp. Hơn nữa, đối với những vụ việc phải tiến hành hòa giải nhiều lần thì thời gian 20 ngày không bảo đảm để tiến hành hòa giải.
Tại mục 2.3 phần 2 Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/ 10/ 2018 hướng dẫn về về thời hạn hòa giải đối thoại:
“Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được phân công, Hòa giải viên, Đối thoại viên phải tiến hành hòa giải, đối thoại. Trường hợp vụ việc phức tạp mà các bên tham gia hòa giải, đối thoại cần bổ sung thêm tài liệu chứng cứ hoặc theo yêu cầu chính đáng của họ thì thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 10 ngày.
Thời hạn hòa giải, đối thoại là 30 ngày; trường hợp cần thiết thì có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng”.
Căn cứ theo hướng dẫn nêu trên thì đối với vụ việc phức tạp cần hòa giải nhiều lần thì thời hạn hòa giải, đối thoại có thể được gia hạn đến 2 tháng
Theo Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/ 10/2018 thì sau khi nhận được đơn khởi kiện, Giám đốc Trung tâm hòa giải phân đơn để hòa giải viên tiến hành hòa giải. Như vậy, Thẩm phán không được tiếp cận đơn khởi kiện đến thời điểm hòa giải thành (chứng kiến việc hòa giải thành) hoặc đến thời điểm Trung tâm Hòa giải chuyển đơn khởi kiện về Tòa án (Hòa giải không thành) trong khi, Thẩm phán là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về các quyết định ban hành liên quan đến nội dung Hòa giải viên đã tiến hành hòa giải, do đó cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của Hòa giải viên đối với nội dung biên bản hòa giải.
Theo hướng dẫn tại điểm c mục 2.2 phần 2 Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/ 10/ 2018 hướng dẫn về việc lập biên bản hòa giải, biên bản đối thoại:
“… Các bên tham gia hòa giải, đối thoại chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận, thống nhất. Kết quả hòa giải thành có giá trị pháp lý đối với các bên tham gia hòa giải theo quy định của pháp luật dân sự, kết quả đối thoại thành có giá trị pháp lý đối với các bên tham gia đối thoại theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính”.
Căn cứ theo hướng dẫn nêu trên thì Hòa giải viên, Đối thoại viên chỉ là người chứng kiến những vấn đề các bên thỏa thuận thống nhất mà không phải chịu trách nhiệm về nội dung các đơn thỏa thuận thống nhất. Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ điều kiện công nhận quy định tại Điều 417 BLTTDS.
Đối với vụ án ly hôn sau khi hòa giải tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án các bên đương sự không đoàn tụ nhưng thống nhất thuận tình ly hôn thì Tòa án thụ lý vụ việc dân sự. Tuy nhiên, Nghị quyết số 04 /2018/NQ-HĐTP ngày 9/ 8/ 2018 ban hành các biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự trong đó mẫu số 09 – Thông báo thụ lý việc dân sự, ở phần cuối của Thông báo có ghi: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo này, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình”… Quy định này mâu thuẫn với Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/ 2018 vì theo Công văn này, Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn sau 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành. Do đó, đề nghị hướng dẫn thống nhất để mẫu Thông báo thụ lý việc dân sự và quyết định công nhận thỏa thuận ly hôn trong trường hợp này để áp dụng thống nhất chung cho toàn ngành.
Theo hướng dẫn tại điểm b mục 3 Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/ 10/ 2018 thì:
“ Trường hợp ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải vợ chồng không đồng ý đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và yêu cầu Tòa án công nhận thì hòa giải viên giải thích cho họ sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hòa giải thành đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và thuận nuôi con chia tài sản sau khi ly hôn. Đồng thời, hòa giải viên báo cáo Giám đốc Trung tâm phân công Thẩm phán tham gia chứng kiến việc lập biên bản và ký tên vào Biên bản hòa giải đoàn tụ không thành. Biên bản thuận tình ly hôn, thỏa thuận việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn do hòa giải viên lập. Biên bản này được gửi ngay cho các bên tham gia hòa giải.
Hòa giải viên thông báo cho Giám đốc Trung tâm chuyển hồ sơ vụ việc và các biên bản cho Tòa án. Tòa án xem xét nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định tại Chương XXVIII của BLTTDS thì Thẩm phán (đã được phân công tham gia chứng kiến và ký tên vào các biên bản) thụ lý ngay việc dân sự. Sau khi xử lý Thẩm phán kiểm tra hồ sơ nếu xét thấy việc thuận tình ly hôn thỏa thuận nuôi con chia tài sản khi ly hôn hoàn toàn tự nguyện không vi phạm điều cấm của luật không trái đạo đức xã hội và hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập các biên bản mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con chia tài sản khi ly hôn theo quy định tại Điều 212 BLTTDS (Thẩm phán không tiến hành hòa giải”.
Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/ 10/2018 hướng dẫn thời hạn để Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là 7 ngày, nhằm mục đích giải quyết nhanh chóng vụ việc trong trường hợp đã được hòa giải viên hòa giải. Mặt khác việc hòa giải cũng bảo đảm được quyền lợi của các bên vì khi hòa giải đã có sự chứng kiến của Thẩm phán.Do đó đối với trường hợp ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải vợ chồng không đồng ý đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn khi hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày hòa giải viên lập biên bản hòa giải đoàn tụ không thành, biên bản thuận tình ly hôn, thỏa thuận việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà các bên không có ý kiến gì.
Đây là thí điểm hòa giải đối thoại tại Tòa án, cho nên việc thực hiện không phải hoàn toàn như quy định của BLTTDS mà có sự vận dụng và đổi mới trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự định đoạt, tự do thỏa thuận của các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, trừ sự thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật trái đạo đức xã hội hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ.
Theo Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/ 10/2018 về hướng dẫn nghiệp vụ tại đoạn 1 điểm b Điều 3 quy định sau khi hòa giải thành, đương sự làm đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành và chuyển hồ sơ lên yêu cầu và biên bản hòa giải cho Tòa án. Tòa án xem xét xử lý giải quyết việc dân sự theo quy định tại Chương XXXIII của BLTTDS. Theo quy định của BLTTDS thì Tòa án phải mở phiên họp giải quyết việc dân sự, có kiểm sát viên tham gia phiên họp. Tuy nhiên Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có mẫu biên bản hòa giải đối thoại thành để trên cơ sở đó Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định của Tòa án sẽ được thi hành theo quy định của pháp luật. Qua đó dẫn đến có hai quan điểm giải quyết khác nhau về việc ban hành văn bản: Quan điểm thứ nhất: Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự mà không phải mở phiên họp có đại diện Viện kiểm sát tham gia; Quan điểm thứ hai: Tòa án phải mở phiên họp có đại diện Viện kiểm sát tham gia và ra quyết định công nhận kết quả Hòa giải thành ngoài Tòa án theo mẫu số 32 – Nghị quyết số 04/ 2018/ NQ-HĐTP ngày 9 /8 /2018 ban hành một số biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự.
Tại đoạn 1 điểm b khoản 3 Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/ 10/ 2018 hướng dẫn như sau:
“b.Trường hợp qua hòa giải, các bên thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết thì tại biên bản hòa giải thành ghi rõ những nội dung các bên thống nhất. Nếu các bên hoặc một bên tranh chấp có yêu cầu Tòa án công nhận kết quả Hòa giải thành thì hòa giải viên hướng dẫn gửi đó làm đơn về yêu cầu Tòa án công nhận kết quả Hòa giải thành và chuyển hồ sơ, đơn yêu cầu và biên bản hòa giải cho Tòa án. Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết việc dân sự về yêu cầu công nhận kết quả Hòa giải thành ngoài tòa án theo quy định tại chương XXXIII Bộ luật tố tụng dân sự”.
Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên thì khi có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành và biên bản hòa giải có xác nhận của Hòa giải viên thì Tòa án sẽ xem xét thụ lý, giải quyết việc dân sự về yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, theo quy định tại Chương XXXIII BLTTDS do đó trình tự thủ tục giải quyết sẽ căn cứ theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự, tức là Tòa án phải mở phiên họp có đại diện Viện kiểm sát tham gia và ra quyết định công nhận kết quả Hòa giải thành ngoài tòa án theo mẫu số 32 Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 9 /8 /2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong việc giải quyết việc dân sự.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận