Tòa án nào có thẩm quyền xét xử vụ án?
Vụ án tai nạn giao thông làm một người ( không phải quân nhân) tử vong và một quân nhân bị thương tích 31%. Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân hay Tòa án quân sự?
Xác định thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là một quy định rất quan trọng nhằm xác định thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn có những quan điểm khác nhau trong xác định thẩm quyền xét xử vụ án hình sự, vấn đề này xảy ra đối với vụ án sau:
Nguyễn Quốc K, sinh năm 1981, trú thôn C, xã L, huyện Đ, TP. H điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 79D-1105, lưu thông trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc-Nam. Khoảng 14 giờ 50 ngày 21-9-2019, khi đến Km 1396+230 Quốc lộ 1A thuộc thôn LS, xã T, huyện C, tỉnh K, thì điều khiển xe chuyển hướng rẽ phải đi vào đường nhánh. Lúc này, phía bên trong, trên làn đường giành cho xe mô tô lưu thông, anh Hoàng Văn Q, sinh năm 1995, là quân nhân thuộc đơn vị T20, B11, C55, quân khu H điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 27D1-115.26 chở phía sau anh Đỗ Hữu M (không phải quân nhân), sinh năm 1993, trú TDP B, thị trấn T, huyện C, tỉnh K, đang lưu thông cùng chiều. Do thiếu quan sát, không phát hiện, K đã không nhường đường cho xe mô tô biển kiểm soát 27D1-115.26 nên xảy ra va chạm, gây tai nạn. Hậu quả Hoàng Văn Q bị gãy xương bàn chân trái, tỷ lệ thương tích 31%; Đỗ Hữu M bị chấn thương sọ não nặng được đưa đi cấp cứu và tử vong ngày 28-9-2019 tại Bệnh viện.
Với hậu quả đã gây ra, hành vi của K đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 SĐBS năm 2017. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định thẩm quyền xét xử vụ án này vẫn còn có hai nhóm ý kiến khác nhau, cụ thể như sau:
Ý kiến thứ nhất xác định, vụ án đã gây thiệt hại cho tính mạng của anh Đỗ Hứu M mới là thiệt hại chính, thỏa mãn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 SĐBS năm 2017 “Làm chết một người”, còn thiệt hại gây ra cho quân nhân Hoàng Văn Q chỉ có 31%, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một thiệt hại độc lập. Vì vậy, vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh K.
Ý kiến thứ hai cho rằng, với việc Nguyễn Quốc K điều khiển xe ô tô BKS 79D-1105 chuyển hướng rẽ phải thiếu quan sát, không phát hiện, không nhường đường, dẫn đến va chạm với xe mô tô BKS 27D1-115.26 gây tai nạn, hậu quả làm anh Đỗ Hữu M chết, quân nhân Hoàng Văn Q bị thương (tỷ lệ thương tật là 31%) thì hành vi của K đã cấu thành tội phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 SĐBS năm 2017. Trong vụ án này, đã gây thiệt hại đến sức khỏe của quân nhân Hoàng Văn Q, vì vậy, đã thỏa mãn quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 272 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 “…gây thiệt hại đến sức khỏe của quân nhân…”. Vì vậy, vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự khu vực, quân khu H (quan điểm này có nhiều ý kiến đồng tình và là ý kiến tác giả).
Trên đây là một số vướng mắc trong áp dụng quy định của pháp luật tố tụng hình sự, rất mong được nhiều ý kiến trao đổi từ bạn đọc và đồng nghiệp.
Một vụ tai nạn giao thông – Ảnh minh họa của ANTĐ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận