Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đẩy mạnh xét xử trực tuyến
Trong thời gian qua, dù điều kiện phương tiện, kỹ thuật chưa đồng bộ, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đã chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện xét xử được 75 phiên tòa trực tuyến.
Ngày 22/8, TANDCC tại Đà Nẵng đã tổ chức hai phiên xét xử phúc thẩm theo hình thức trực tuyến. Thẩm phán Nguyễn Văn Bường, Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng làm Chủ tọa hai phiên tòa.
Điểm cầu chính tại trụ sở TANDCC tại Đà Nẵng, TAND tỉnh Quảng Bình và tỉnh Gia Lai. Hai phiên tòa được kết nối tới tất cả 12 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhằm đẩy mạnh triển khai, rút kinh nghiệm trong công tác xét xử trực tuyến các loại vụ án.
Chia sẻ với báo chí sau phiên xét xử, Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường cho rằng, chủ trương của Quốc hội về việc xây dựng Tòa án điện tử, đẩy mạnh xét xử trực tuyến trong tương lai là đúng đắn, được nhân dân, cơ quan chính quyền rất ủng hộ và đồng tình.
Trong thời gian qua, dù điều kiện phương tiện, kỹ thuật chưa đồng bộ, TANDCC tại Đà Nẵng đã chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện xét xử được 75 phiên tòa trực tuyến. Trong đó, nhiều vụ án hành chính, cầu truyền hình, cầu trực tuyến được nối đến tận văn phòng TAND cấp tỉnh, các cấp chính quyền địa phương. Hiệu quả của phiên tòa trực tuyến rất rõ, tiết kiệm được chi phí và thời gian, công sức cho các đương sự, chính quyền và hệ thống Tòa án.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh xét xử theo hình thức trực tuyến, coi đây là trọng tâm, thường xuyên và tiếp tục đầu tư nguồn lực để đồng bộ hệ thống trực tuyến trên toàn quốc. Từ nay đến cuối tháng 9, TANDCC tại Đà Nẵng đặt mục tiêu sẽ xét xử trên 100 vụ theo hình thức trực tuyến.
Quang cảnh thông qua hình ảnh kết nối trực tuyến
Tham gia hai phiên tòa trực tuyến sáng 22/8, ông Phạm Văn Cần, Kiểm sát viên cao cấp, Viện trưởng VKSNDCC tại Đà Nẵng đã đánh giá cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Trong hoạt động tố tụng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm theo hình thức trực tuyến, quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng đều được đảm bảo. Chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt, các bên đều nghe rõ, đối đáp được đầy đủ, đúng theo quy định tố tụng.
Phiên xét xử phúc thẩm trực tuyến đầu tiên là vụ án hình sự, bị cáo Nguyễn Chí Thanh (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị TAND tỉnh Quảng Bình xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 12 năm tù vì tội danh Giết người. Tại phiên phúc thẩm, do thành khẩn khai báo và đã bồi thường đầy đủ cho bị hại, nên bị cáo Nguyễn Chí Thanh được Hội đồng xét xử giảm án từ 12 năm tù xuống còn 11 năm tù.
Phiên xét xử phúc thẩm trực tuyến thứ hai về “Khiếu kiện các quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất”, do ông Kpă Tơl (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) kiện UBND huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Hội đồng xét xử đã tuyên y án sơ thẩm.
Quang cảnh tại điểm cầu tại trụ sở TANDCC tại Đà Nẵng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận