Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh P có thẩm quyền giải quyết
Sau khi nghiên cứu bài viết “Khởi kiện đòi tiền lương, nơi khởi kiện và điều kiện thụ lý” của tác giả Đinh Bá Thi, đăng ngày 15/6/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ ba cho rằng TAND huyện H, tỉnh P có thẩm quyền giải quyết và phải thông qua thủ tục hòa giải trước khi khởi kiện.
Về vấn đề xác định thẩm quyền của Tòa án trong các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, BLTTDS 2015 đã quy định khá cụ thể, có tính khoa học tại Chương III. Để xác định chính xác được một vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nào thì ta phải dựa vào ba tiêu chí: Thẩm quyền theo vụ việc (xác định vụ việc này thuộc lĩnh vực dân sự, hành chính hay hình sự); Thẩm quyền theo cấp (phân định vụ việc nào thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện, vụ việc nào thuộc thẩm quyền của tòa án cấp tỉnh); Thẩm quyền theo lãnh thổ (xác định được Tòa án huyện, tỉnh nào có thẩm quyền giải quyết). Khi xác định được chính xác 03 tiêu chí trên thì ta mới xác định được chính xác thẩm quyền thuộc về Tòa án nào.
- Thẩm quyền theo vụ việc: Được quy định từ Điều 26 đến Điều 34 của BLTTDS 2015. Trong đó, tại Điều 32 BLTTDS quy định về những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, theo đó những tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và những tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Trong vụ việc mà tác giả đưa ra là tranh chấp lao động cá nhân giữa anh Nguyễn Văn A và công ty X.
- Thẩm quyền theo cấp: Được quy định từ Điều 35 đến Điều 38 BLTTDS. Theo đó, tại Điều 35 quy định TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
“c, Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này”
Như vậy, vụ việc mà tác giả đưa ra thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện.
- Thẩm quyền theo lãnh thổ: Được quy định tại Điều 39 BLTTDS. Theo đó, thẩm quyền theo lãnh thổ được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc có trụ sở, các bên đương sự cũng có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc hoặc có trụ sở của nguyên đơn giải quyết, đối với đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản giải quyết.
Tuy nhiên, tại Điều 40 BLTTDS có quy định về các trường hợp nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết, trong đó tại điểm đ khoản 1 có quy định:
“Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;…”
Như vậy đối với trường hợp có tranh chấp về “tiền lương” thì nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp đó. Trong vụ án trên, anh A đã khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện H, tỉnh P nên tòa án này có thẩm quyền giải quyết.
*Đối với vấn đề về điều kiện thụ lý đối với các tranh chấp về lao động, Điều 32 BLTTDS đã quy định đối với tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, trừ một số tranh chấp:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với vụ việc mà tác giả đưa ra không thuộc các trường hợp không phải hòa giải nên buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước.
Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý đồng nghiệp và bạn đọc.
Tòa án nhân dân Quận 12, TPHCM xét xử công khai vụ án lao động “Tranh chấp tiền lương”- Ảnh: Huyền Trang
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận