Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Những vướng mắc cần khắc phục
Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu và phân tích về cơ sở pháp lý, đánh giá thực tiễn giải quyết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua, nêu những hạn chế, bật cập trong áp dụng quy định của BLHS hiện hành, trên cơ sở đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản [1] trong thời gian tới.
1. Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Những năm gần đây tỷ lệ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhiều tài sản bị chiếm đoạt có giá trị lớn, có những vụ án đã chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, một số tổ chức kinh tế, doanh nghiệp vì chạy theo lợi ích cục bộ đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu…, tuy nhiên nhờ nắm vững các quy định của pháp luật và vận dụng có hiệu quả kinh nghiệm trong công tác xét xử đối với loại tội phạm này nên trong thời gian vừa qua Tòa án các cấp đã xét xử, giải quyết các vụ án đảm bảo đúng người, đúng tội đúng quy định của pháp luật, góp phần giữ gìn ổn định trật tự xã hội như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều ngân hàng và nhiều cá nhân với tổng số tiền lên tới hơn 4.900 tỷ đồng; vụ Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 700 tỷ đồng của các ngân hàng và khách hàng; vụ Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo lừa đảo chiếm đoạt 178 tỷ đồng…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự vào việc giải quyết vụ án vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Các dấu hiệu định tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định trong BLHS còn thiếu tính minh bạch, gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật; hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật mới hướng dẫn áp dụng quy định đối với nhóm các tội xâm phạm sở hữu theo BLHS năm 2015 nên việc áp dụng quy định của pháp luật đối với tội phạm này chưa thống nhất; BLHS hiện hành chưa quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Các quy định của BLHS về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra… Do vậy để nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của pháp luật hình sự vào việc giải quyết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Xuất phát từ thực tiễn giải quyết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp mong được trao đổi để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm này.
Thứ nhất: Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm làm rõ hơn dấu hiệu định tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tránh nhầm lẫn với các tranh chấp giao dịch dân sự hoặc nhầm lẫn giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các các tội phạm khác cùng sử dụng thủ đoạn gian dối để phạm tội trong BLHS năm 2015.
Theo quy định thì dấu hiệu cơ bản cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên trong BLHS vẫn còn một số tội danh khác cũng dùng thủ đoạn gian dối, cùng có hành vi chiếm đoạt tài sản tuy nhiên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng quy định trong BLHS như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng … vì vậy, cần phải có sự giải thích trong các văn bản pháp luật để thuận tiện trong quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo cho việc định tội danh được chính xác, tránh nhầm lẫn với các tội phạm khác.
– Để khắc phục tình trạng nhầm lẫn giữa tranh chấp dân sự với trường hợp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giữa trường hợp phạm tội lừa dối chiếm đoạt tài sản với trường hợp lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về mục đích của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hướng:
+ Xác định mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đó khi định tội cần xem xét người phạm tội có mục đích chiếm đoạt hay không và thời điểm người phạm tội nảy sinh mục đích chiếm đoạt tài sản trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
+ Trường hợp một người có hành vi gian dối trong việc xác lập các giao dịch dân sự nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà coi là vụ án tranh chấp về dân sự, nếu người phạm tội có thiện chí thực hiện các nghĩa vụ dân sự của mình; trường hợp người phạm tội có mục đích chiếm đoạt tài sản trước hoặc trong khi thực hiện hành vi lừa dối chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
– Đối với tình trạng nhầm lẫn giữa trường hợp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với một số trường hợp phạm tội khác cùng sử dụng thủ đoạn gian dối để phạm tội do đánh giá không đúng về mối liên hệ giữa hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để khắc phục tình trạng này cần hướng dẫn về hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hướng: Hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Giữa hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt phải là kết quả của hành vi lừa dối.
Hành vi lừa dối nếu chỉ nhằm tiếp cận tài sản không có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện hành vi chiếm đoạt (hành vi chiếm đoạt không phải là kết quả của hành vi lừa dối trực tiếp mang lại) thì không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội xâm phạm sở hữu khác nếu hành vi chiếm đoạt thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội đó.
– Về vướng mắc khi định tội danh trong trường hợp người phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (Điều 341 BLHS) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cần hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định của BLHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Trong trường hợp người phạm tội có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức để chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS); coi hành vi làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức là một dạng hành vi lừa dối của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không truy cứu thêm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (Điều 341 BLHS).
Thứ hai: Cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự một cách toàn diện, thống nhất phù hợp với quy định của BLHS hiện hành. Bên cạnh đó đòi hỏi các văn bản hướng dẫn cần giải thích cụ thể các dấu hiệu định tội, định khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hình sự nói chung và đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng được thống nhất. Đồng thời khi ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật cũng đòi hỏi các chủ thể ban hành phải dự tính được hết những khả năng có thể xảy ra trên thực tế khi giải quyết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba: Cần nghiên cứu, bổ sung pháp nhân thương mại là chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong BLHS 2015, pháp nhân thương mại đã được bổ sung là chủ thể của tội phạm, đây là một sự thay đổi tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế và tình hình kinh tế, xã hội ở nước ta. Tuy nhiên pháp nhân thương mại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội được liệt kê tại Điều 76 BLHS nhưng đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài không được liệt kê trong số các tội đó. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế bên cạnh những mặt tích cực thì chúng ta phải đối mặt với mặt trái của nền kinh tế thị trường, ngày càng có nhiều thành phần kinh tế du nhập vào nước ta khiến cho việc kiểm soát trở nên khó khăn, ngoài ra còn có rất nhiều pháp nhân thương mại thành lập không nhằm mục đích kinh doanh mà thành lập nhằm mục đích lợi dụng danh nghĩa kinh doanh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng các pháp nhân thương mại này lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, do các quy định của pháp luật không quy định chế tài đối với pháp nhân thương mại. Vì vậy cần phải bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật đối với mọi chủ thể, đồng thời thể hiện tính thống nhất của pháp luật hình sự nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung.
Thứ tư: Cần hoàn thiện quy định của pháp luật để khắc phục tình trạng không thể thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dù có mức hình phạt khá nghiêm khắc, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân, tuy nhiên trong thời gian qua trên phạm vi cả nước nói chung vẫn còn nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nghiêm trọng xảy ra. Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra hết sức khó khăn vì chế định thu hồi tài sản bị chiếm đoạt có nhiều kẽ hở, do đó pháp luật hình sự cần có những sửa đổi, bổ sung để việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt có hiệu quả hơn. Cụ thể cần bổ sung các quy định: Nếu có dấu hiệu tẩu tán tài sản của người phạm tội thì người phạm tội và người thân của họ có trách nhiệm chứng minh nguồn gốc. Nếu không thể chứng minh được nguồn gốc thì các cơ quan tiến hành tố tụng được phép thu hồi toàn bộ hoặc một phần tài sản, khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt.
1.Điều 174 BLHS năm 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: “(1). Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; (2) Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. (4). Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. (5). Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận