Tống đạt theo hình thức niêm yết công khai
Sau khi nghiên cứu bài viết: “Vướng mắc trong việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án[1]” của tác giả Nguyễn Thị Chi, đăng ngày 14/06/2024, tôi xin trao đổi về việc cấp tống đạt bằng hình thức niêm yết công khai.
Khoản 3 Điều 70 BLTTDS năm 2015 quy định quyền, nghĩa vụ của đương sự: "Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.”
Theo quy định trên có thể thấy nghĩa vụ đương sự phải cung cấp địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình, nếu có sự thay đổi thì phải thông báo cho đương sự khác và Tòa án. Quy định này đặt ra nhằm thuận tiện cho việc đương sự nhận được tài liệu tố tụng cũng như giúp cho vụ việc được giải quyết một cách tốt nhất.
Ngoài ra, để cho đương sự tham gia biết được thông tin, tiến độ của một vụ việc, cá nhân/tổ chức tham gia vụ việc hoặc Tòa án sẽ thực hiện việc gửi tài liệu, văn bản… tới địa chỉ của họ, mục đích để bảo đảm quyền lợi của các đương sự khi tham gia vụ. Điều này được minh chứng khi trong BLTTDS đã quy định riêng một Chương về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng (Chương X) để cho thấy sự quan trọng của vấn đề này. Tại Chương X, tùy vào thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng mà sẽ có những quy định khác nhau trong có thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng. Về thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng thì Điều 179 BLTTDS quy định như sau:
"1. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này.
2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện theo thủ tục sau đây:
a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.
3. Thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.”
Theo quy định về thủ tục niêm yết công khai sẽ được áp dụng nếu thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cá nhân và cơ quan, tổ chức không thực hiện được, thủ tục niêm yết công khai thông thường sẽ áp dụng khi đương sự bỏ đi khỏi nơi cư trú và không biết được địa chỉ cụ thể của đương sự ở đâu.
Hành vi bỏ đi khỏi nơi cư trú hoặc thay đổi trụ sở nhưng không thông báo cho đương sự khác và Tòa án thụ lý cho thấy sự thiếu thiện chí của đương sự trong vụ việc. Điều này đã vi phạm nguyên tắc về nghĩa vụ thông báo theo khoản 3 Điều 70 BLTTDS đã được đề cập ở trên.
Ngoài ra, nếu đương sự là pháp nhân khi thay đổi trụ sở làm việc theo quy định pháp luật thì việc tìm kiếm địa chỉ không gặp quá nhiều khó khăn vì đương sự khác và Tòa án có thể tìm kiếm trên hệ thống đăng ký kinh doanh của Chính phủ để xác minh nơi đặt trụ sở mới nhưng nếu là cá nhân thì là một sự “thách thức lớn” đối với đương sự khác và Tòa án. Sở dĩ, tác giả cho rằng là “thách thức lớn” vì đương sự cá nhân có thể tự do chuyển chỗ ở mà làm cho việc xác minh gặp nhiều khó khăn.
Do đó, để quá trình giải quyết vụ việc diễn ra một cách thuận lợi, tác giả cho rằng Tòa án chỉ nên xác minh một lần duy nhất bởi vì:
Một, việc đương sự trốn tránh, thay đổi địa chỉ mà không thông báo sẽ gây phiền hà, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc vì vụ việc sẽ bị kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự khác và làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc (án tồn) của Thẩm phán theo quy định;
Hai, việc niêm yết công khai sẽ được diễn ra tại nơi cư trú hoặc cư trú cuối cùng đối với cá nhân và nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức. Đồng thời, bản chất của việc niêm yết công khai là khi không thể tống đạt trực tiếp cho đương sự nên niêm yết công khai nhằm thông báo cho những người thân quen của đương sự biết được việc tiến trình giải quyết vụ việc mà từ đó liên hệ đương sự thay cơ quan chức năng.
Vì thế, để thuận tiện cho việc giải quyết vụ việc và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự khác trong vụ việc, Tòa án chỉ cần xác minh một lần duy nhất đối với trường hợp không thể cấp tống đạt văn bản tố tụng tới người được cấp, tống đạt, thông báo trong cùng một vụ việc. Sau đó, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Bởi vì, đương sự chuyển đi nhưng không thông báo cho đương sự khác trong vụ việc và Tòa án được biết địa chỉ mới của mình thì đã vi phạm nghĩa vụ về việc thông báo theo quy định của BLTTDS. Hậu quả của việc không thông báo làm cho đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự khác trong trong vụ việc và cả Thẩm phán phụ trách cũng bị ảnh hưởng .
Trên đây là quan điểm của tác giả về “Việc cấp tống đạt bằng hình thức niêm yết công khai”, rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả và các đồng nghiệp.
[1] https://tapchitoaan.vn/vuong-mac-trong-viec-cap-tong-dat-van-ban-to-tung-cua-toa-an11165.html
Tống đạt văn bản trực tiếp cho đương sự- Ảnh: MH
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận