Trả hồ sơ điều tra bổ sung khi Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Toà án trả hồ sơ
Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
Trong bài viết, tác giả trao đổi, nêu ra những bất cập khi Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ theo khoản 2 Điều 280 của BLTTHS năm 2015.
Trong quá trình Toà án thụ lý giải quyết vụ án hình sự sơ thẩm, để giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, nhanh chóng, với mục đích không bỏ lọt tội phạm, không bỏ lọt người phạm tội, không bỏ lọt hành vi phạm tội và không làm oan người vô tội, BLTTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) đã quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung tại Điều 280. Đồng thời để tránh việc trả đi, trả lại nhiều lần, kéo dài thời gian tố tụng BLTTHS cũng giới hạn số lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 174.
Theo đó, Tòa án ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 280 BLTTHS năm 2015. Khoản 2 quy định: “Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ.”
Trên thực tiễn, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và xét xử tại phiên toà, Toà án cấp sơ thẩm nhận được văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ của Viện kiểm sát cùng cấp nên căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 280 của BLTTHS năm 2015 trả hồ sơ cho Viện kiểm sát. Về giới hạn của việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 174 của BLTTHS năm 2015 hiện nay đang áp dụng thì “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần”.
Tuy nhiên, ở giai đoạn chẩn bị xét xử và tại phiên toà, trên thực tiễn áp dụng quy định này Toà án có những quan điểm vướng mắc được đưa ra trong các trường hợp sau:
1. Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử
Trường hợp 1: Khi hồ sơ Viện kiểm sát vừa chuyển qua Toà án, Chánh án chưa phân công cho Thẩm phán chủ toạ phiên toà giải quyết vụ án, vẫn còn trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, thì Viện kiểm sát cùng cấp văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ.
Trường hợp này ai là người ký quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì chưa có quy định. Việc trả hồ sơ điều tra bổ sung trong trường hợp này trả bằng quyết định hay bằng công văn hay bằng cách nào? Hiện nay, có Toà án ra Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung do Chánh án hoặc Phó Chánh án phụ trách ký quyết định; có Toà án sau khi thụ lý nếu có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ của Viện kiểm sát thì bộ phận Hành chính tư pháp xoá sổ thụ lý chuyển hồ sơ lại cho Viện Kiểm sát; có Toà án thì thụ lý phân công cho Thẩm phán nhận hồ sơ, sáu đó Thẩm phán ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo văn bản đề nghị của Viện kiểm sát.
Trường hợp 2: Sau khi Viện kiểm sát điều tra bổ sung chuyển lại cho Toà án, vụ án được thụ lý lại cho chính Thẩm phán ban đầu ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 280 của BLTTHS năm 2015 cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung ở giai đoạn chuẩn bị xét xử thì xử lý thế nào?
Có quan điểm là Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà được quyền ký Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; có quan điểm cho rằng Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên toà không được ra Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vì giới hạn trả hồ sơ điều tra bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 174 của BLTTHS năm 2015 “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần…” thì Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên toà đã trả một lần (Trường hợp 1).
Quan điểm của tác giả, mặc dầu BLTTHS quy định và Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định chưa rõ ràng khi Viện kiểm sát cùng cấp có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán chủ toạ phiên toà trả trong thời điểm nào (sau khi nhận được văn bản yêu cầu hay kết hợp với quá trình nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án).
Trên kinh nghiệm xét xử của tác giả thì sau khi được Chánh án phân công chủ toạ phiên toà, Viện kiểm sát cùng cấp có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ và sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án, nếu vụ án có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 280 của BLTTHS năm 2015 cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung thì kết hợp tất cả các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 280, Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ một lần. Làm như vậy vừa đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án và đảm bảo giới hạn và thẩm quyền của Thẩm phán chủ toạ phiên toà khi trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung.
2. Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ trong giai đoạn khi xét xử tại phiên toà
Trường hợp 1: Tại phiên toà, sau khi kết thúc phần thủ tục, Kiểm sát viên cung cấp văn bản của Viện kiểm sát và đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, trường hợp này có HĐXX sau khi thảo luận thì ban hành Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát theo quy định tại khoản 2 Điều 280 của BLTTHS năm 2015. Việc HĐXX trả hồ sơ trong trường hợp này, sau khi hồ sơ được Viện Kiểm sát điều tra bổ sung chuyển lại cho Toà án, thì HĐXX qua tranh tụng tại phiên toà nếu phát hiện một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 280 của BLTTHS năm 2015 cần phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát thì không được trả hồ sơ vì giới hạn của việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 174 hiện nay đang áp dụng thì “…Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần”.
Trường hợp 2: Tại phiên toà, sau khi kết thúc phần thủ tục, Kiểm sát viên cung cấp văn bản của Viện kiểm sát và đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, trường hợp này có toà án tiếp tục tranh tụng tại phiên toà, nếu kiểm tra chứng cứ vụ án có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 280 thì kết hợp với yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của Kiểm sát viên, HĐXX ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Quan điểm của tác giả đồng tình với việc xử lý tình huống của HĐXX trong trường hợp này. Để tránh mất quyền của HĐXX khi phát hiện những nội dung cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung thì cần tiếp tục tranh tụng để làm sáng tỏ toàn diện nội dung vụ án, nếu phát hiện vụ án nếu vụ án có một trong các căn cứ cứ quy định tại khoản 1 Điều 280 của BLTTHS năm 2015 cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung thì kết hợp tất cả các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 280, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung tại phiên toà. Như vậy, vừa đảm bảo giới hạn của việc trả hồ sơ của HĐXX cũng như yêu cầu trả hồ sơ của Viện kiểm sát tại phiên toà được đảm bảo.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật đối với quy định này
Thứ nhất: Hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định chưa rõ ràng về từng thời điểm và thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung khi có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung của Viện kiểm sát trong quá trình thụ lý, chuẩn bị xét xử và giai đoạn xét xử tại phiên tòa.
Tuy nhiên, về giới hạn của việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 174 hiện nay đang áp dụng thì “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần” nên việc Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa, cũng như HĐXX sau khi nhận được văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung của Viện kiểm sát, nếu chưa nghiên cứu toàn diện trong thời hạn tố tụng quy định thì việc trả hồ sơ khi Viện kiểm sát có văn bản đề nghị không tính cho Thẩm phán hoặc HĐXX theo quy định tại khoản 2 Điều 174 của BLTTHS năm 2015. Do vậy, cần sửa đổi khoản 2 Điều 174 của BLTTHS năm 2015 như sau: “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần trừ trường hợp khi Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ”.
Thứ hai: Về thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung khi có văn bản đề nghị trả hồ sơ của Viện kiểm sát. Hiện nay quy định tại khoản 1 Điều 280 của BLTTHS năm 2015 quy định “1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:a, b, c, d…” Quy định như vậy chỉ có Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa mới được trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nhưng khi Tòa án mới thụ lý, trong thời hạn luật định Chánh án chưa phân công cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng có văn bản đề nghị trả hồ sơ của Viện kiểm sát thì thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung do ai ký quyết định.
Trong giai đoạn sau khi thụ lý nhưng Chánh án chưa phân công cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung là “Tòa án” chứ không phải là “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa”. Do đó, khoản 1 Điều 280 của BLTTHS cần được bổ sung: “Tòa án ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi có văn bản đề nghị trả hồ sơ”.
Kiến nghị hoàn thiện khoản 2 Điều 174 của BLTTHS năm 2015 như sau: …“2. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần trừ trường hợp khi Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ”.
Kiến nghị hoàn thiện Điều 280 của BLTTHS năm 2015 như sau:
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
b) Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;
c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
2. Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
a. Sau khi thụ lý chưa phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì Tòa án trả hồ sơ”,
b. Sau khi thụ lý Chánh án phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trả hồ sơ”.
c. Tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử trả hồ sơ”.
Tòa án nhân dân huyện Đắk R’Lấp, Đăk Nông tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến- Ảnh: Chính Nguyễn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận