Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai biến trong y khoa
Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp xảy ra tai biến trong khám chữa bệnh (KBCB) do có sai sót chuyên môn, kỹ thuật của người hành nghề, cơ sở KBCB.
Trong thời đại ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - kỹ thuật, việc chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng được chú trọng và nâng cao hơn. Điều này thể hiện qua việc ngành y tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ, mở rộng quy mô khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) và nâng cao chuyên môn, trình độ kỹ thuật của đội ngũ y bác sĩ.
Mặc dù vậy, khả năng tai biến trong hoạt động KBCB vẫn có thể xảy ra và là điều không tránh khỏi. Việc xảy ra tai biến có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
1. Khái niệm
Để tìm hiểu về vấn đề nêu trên, trước tiên, cần làm rõ một số khái niệm:
Khám bệnh[1] là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận.
Chữa bệnh[2] là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.
Tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh[3] là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật (CMKT) trong KBCB hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong KBCB mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định CMKT.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai biến trong KBCB
2.1. Trường hợp có sai sót CMKT thì phải bồi thường cho người bệnh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 (sau đây gọi tắt là Luật KBCB), người hành nghề có sai sót CMKT khi có một trong các hành vi sau đây: a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; c) Xâm phạm quyền của người bệnh. Người hành nghề được xác định là không có sai sót CMKT khi thuộc một trong hai trường hợp: Một là, người hành nghề đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh. Hai là, trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh[4].
Việc kết luận hoặc xác định người hành nghề có sai sót CMKT hay không phải do hội đồng chuyên môn (HĐCM) được quy định tại Điều 74 và Điều 75 Luật KBCB thực hiện. Trường hợp đã có kết luận của HĐCM theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 74 Luật KBCB[5] mà các bên tranh chấp không nhất trí với kết luận này, thì các bên có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập HĐCM. Kết luận của HĐCM do Bộ Y tế thành lập là kết luận cuối cùng về việc có hay không có sai sót CMKT.
Trong trường hợp kết luận của HĐCM xác định có sai sót CMKT gây ra tai biến cho người bệnh thì doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở KBCB đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở KBCB đó. Trường hợp cơ sở KBCB chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.
Vì là một loại hợp đồng dân sự cho nên hợp đồng dịch vụ KBCB cũng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, do đó, khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng cần căn cứ vào bốn yếu tố sau để xác định nghĩa vụ bồi thường: (1) Phải có thiệt hại xảy ra; (2) Phải có hành vi trái pháp luật; (3) Có lỗi; (4) Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra.
2.1.1. Phải có thiệt hại xảy ra
Căn cứ theo quy định tại Điều 361 BLDS năm 2015, thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm: Thiệt hại về vật chất; Thiệt hại về tinh thần. Trong đó, thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể. Khi xảy ra thiệt hại thực tế, dù là thiệt hại về vật chất hay là thiệt hại về tinh thần thì về nguyên tắc pháp luật bắt buộc cá nhân, pháp nhân gây thiệt hại phải bồi thường cho cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm quyền dân sự toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác[6]. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai biến trong y khoa cũng là một loại trách nhiệm dân sự nên bắt buộc phải có thiệt hại thực tế xảy ra và thiệt hại này phải được bồi thường toàn bộ.
2.1.2. Phải có hành vi trái pháp luật
Khi KBCB, người hành nghề và người bệnh đều có quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau là các điều khoản thường lệ (được pháp luật quy định sẵn, khi giao kết được coi là mặc nhiên thừa nhận) dưới hình thức hợp đồng. Cơ sở KBCB phải tuân thủ theo các nghĩa vụ pháp lý như tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời; thực hiện theo quy định về chuyên môn kỹ thuật; chuyển bệnh nhân đến cơ sở KBCB phù hợp[7] v.v. Người hành nghề cũng phải tuân thủ theo các nghĩa vụ được quy định tại mục 4 Chương 3 Luật KBCB năm 2009 quy định về chuyên môn kỹ thuật, đạo đức hành nghề, giữ bí mật thông tin v.v.
Vì là một loại hợp đồng dịch vụ nên việc vi phạm một trong những nghĩa vụ do Luật KBCB quy định cũng được xem là hành vi vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng trong trường hợp này là hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm nghĩa vụ của cơ sở KBCB, người KBCB dẫn đến việc sai sót trong CMKT để xảy ra tai biến trong y khoa. Hành vi sai sót trong CMKT được Luật KBCB năm 2009 quy định tại khoản 1 Điều 73 bao gồm các hành vi sau đây: Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; xâm phạm quyền của người bệnh. Điều 76 Luật KBCB năm 2009 quy định: Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc các trường hợp tại điểm b Điều 73 của Luật thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường.
2.1.3. Yếu tố lỗi
Lỗi trong trách nhiệm dân sự bao gồm lỗi cố ý, lỗi vô ý[8]. Ngoài việc bồi thường thiệt hại khi có lỗi như những trường hợp gây thiệt hại khác, Luật KBCB còn buộc người hành nghề, cơ sở KBCB bồi thường ngay cả khi không có lỗi trong một số trường hợp. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại này phát sinh ngay cả khi cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh[9]. Quy định này thể hiện tính nhân văn của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa nhằm chia sẻ, khắc phục toàn bộ, kịp thời hậu quả rất nặng nề mà người bệnh phải gánh chịu. Đồng thời, quy định này cũng làm tăng thêm trách nhiệm của của người hành nghề, cơ sở KBCB nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ KBCB.
2.1.4. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra
Trong trường hợp tai biến xảy ra do có lỗi của người hành nghề, cơ sở KBCB thì tai biến đó phải là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hành nghề, hay nói cách khác, hành vi vi phạm pháp luật của người hành nghề là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai biến của người bệnh.
Ngoài việc bồi thường theo quy định nêu trên, cơ sở KBCB và người hành nghề có sai sót CMKT gây ra tai biến cho người bệnh còn phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể, cơ sở KBCB và người hành nghề có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề. Theo quy định tại khoản 6 Điều 30 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì “phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh”.
Bên cạnh đó, trường hợp làm chết người hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS năm 2015 về các tội: tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129); tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 315).
Nhìn từ một vụ việc thực tế, người thân của bà Lê Thị T (tỉnh H) đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan để yêu cầu Trung tâm Y tế thị xã HT (viết tắt là bệnh viện - BV HT) bồi thường thiệt hại vì khiến tay bà T không thể cử động bình thường sau phẫu thuật u phần mềm ở cánh tay. Theo đơn khiếu nại, chiều ngày 25/10/2018, bà T nhập viện tại BV HT để điều trị u phần mềm ở cánh tay trái. Biên bản hội chẩn của Khoa Ngoại tổng hợp BV HT đưa ra hướng điều trị bằng cách bóc u, khâu vết thương. Người thân cho biết, đến ngày 26/10/2018, bà T được phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, bà T không có gì bất thường. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bàn tay trái của bà T ngày càng bị tê và không cử động bình thường được. Gia đình cảm thấy bất an nên yêu cầu chuyển bà T lên tuyến trên. Đến ngày 05/11/2018, BV HT cho chuyển bà T lên BV H.
Ngày 13/11/2018, bà T đã được tiến hành phẫu thuật ở vết mổ trên cánh tay trái để nối lại dây thần kinh, đồng thời phẫu thuật ở cẳng chân trái để lấy gân nối lại gân ở nơi vết mổ khối u. Cho rằng việc bác sĩ của BV HT gây tai biến đã khiến gia đình bà T hoang mang, kinh tế suy sụp, 4 đứa con nhỏ của bà T thiếu người chăm sóc. Trên cơ sở đó, người thân của bà T đã yêu cầu BV HT bồi thường viện phí trong quá trình điều trị tại BV H, bồi thường thiệt hại về kinh tế do vợ chồng bà T không đi làm được và bồi thường tổn thất về tinh thần, sức khỏe về sau cho bà T. Sau nhiều lần hòa giải và thương lượng, cuối cùng BV HT đã đồng ý hỗ trợ theo đơn khiếu nại của người thân bà T. Theo đó, BV HT hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị tại BV H cho bà T từ khi nhập viện đến khi ra viện. Bên cạnh đó, BV HT cũng sẽ hỗ trợ khoản tiền mà vợ chồng bà T bị thiệt hại do không lao động được trong thời gian điều trị bệnh. Trong đó, việc hỗ trợ cho chồng bà T được tính bằng tiền công 250.000 đồng/ngày x 30 ngày; đối với bà T được tính bằng tiền công 150.000 đồng/ngày, thời gian tính từ ngày nhập viện cho đến khi ra viện.
2.2. Trường hợp không có sai sót CMKT thì không phải bồi thường
Trường hợp có xảy ra tai biến trong y khoa, nhưng được hội đồng chuyên môn kết luận là không có sai sót chuyên môn, kỹ thuật vì đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại[10].
Từ những phân tích trên, có thể thấy, tai biến trong y khoa là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai biến còn phụ thuộc vào việc có hay không có sai sót CMKT của cơ sở KBCB và người hành nghề. Việc xác định sai sót này do HĐCM được thành lập theo quy định của pháp luật thực hiện. Dù vậy, thực tế hiện nay, việc hiểu và áp dụng quy định này để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai biến trong y khoa vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, bởi sự lúng túng của các cơ quan nhà nước. Điều này dẫn đến các vụ việc thường kéo dài, ảnh hưởng đến lợi ích của các bên. Vì vậy, thiết nghĩ, trong thời gian tới, pháp luật cần hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể về việc thành lập một tổ chức xã hội nghề nghiệp độc lập nhằm thực hiện việc kết luận sai sót CMKT trong KBCB một cách nhanh chóng, khách quan, chính xác và trách nhiệm hơn./.
Khám bệnh cho người dân tại một cơ sở y tế tại TPHCM - Ảnh: Tường Lâm/ SGGP
[1] Khoản 1 Điều 2 Luật KBCB năm 2009.
[2] Khoản 2 Điều 2 Luật KBCB năm 2009.
[3] Khoản 13 Điều 2 Luật KBCB năm 2009.
[4] Khoản 2 Điều 73 Luật KBCB năm 2009.
[5] Điểm a khoản 2 Điều 74 Luật KBCB năm 2009 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tự thành lập hội đồng chuyên môn hoặc nếu không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập hội đồng chuyên môn;
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp phải thành lập hội đồng chuyên môn”.
[6] Điều 13 BLDS năm 2015.
[7] Điều 53 Luật KBCB năm 2009.
[8] Điều 364 BLDS năm 2015.
[9] Khoản 1 Điều 76 Luật KBCB năm 2009
[10] Khoản 3 Điều 76 Luật KBCB năm 2009.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận