Trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hệ thống pháp luật Civil Law

Phần 2 của bài viết "Lịch sử hình thành và phát triển trách nhiệm hình sự của pháp nhân" trình bày về quá trình hình thành và phát triển trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hệ thống pháp luật Civil Law.

III. Lịch sử phát triển trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hệ thống pháp luật Civil Law

Dựa trên sự phân tích về quá trình phát triển trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hệ thống pháp luật Common Law thì có thể lý giải tại sao trách nhiệm hình sự của pháp nhân không phát triển ở các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law. Thứ nhất, hệ thống pháp luật Civil Law không có sự so sánh trực tiếp với các tội ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Đây là điểm xuất phát của trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở các nước theo hệ thống pháp luật Common Law.[1] Thứ hai, ở hai quốc gia Anh và Mỹ, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ quan chính quyền địa phương do không bảo trì đường bộ và đường thuỷ là cách thức quản lý thực tế trong bộ máy chính quyền phi tập trung. Nhưng ở Pháp – quốc gia điển hình cho hệ thống Civil Law, có cách thức quản lý chính quyền tập trung cao. Các quan chức cấp cao ở địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp với cơ quan trung ương.[2] Vì vậy, pháp luật không cần quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đơn vị hành chính địa phương về các tội phạm gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng bởi vì những đơn vị này nằm dưới sự điều hành trực tiếp của cơ quan trung ương. Thứ ba, các quốc gia theo hệ thống pháp luật Civil Law chưa bao giờ phát triển đầy đủ khái niệm về thực thể pháp lý (“juristic person”), mà thường cho rằng các pháp nhân chỉ là những tập hợp các cá nhân. Sự khác biệt này cũng tương tự với câu hỏi tại sao người Anh có thể phế truất và chém đầu vua của họ mà vẫn duy trì chế độ quân chủ; trong khi người Pháp cho rằng vua và chế độ quân chủ là như nhau và phải xoá bỏ cả hai cùng một thời điểm.[3] Cuối cùng, các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law không có truyền thống giải thích pháp luật như các nước Common Law.

Luật pháp ở các nước Civil Law là kết quả của quá trình lập pháp, phải được soạn thành văn bản và được pháp điển hoá. Thẩm phán chỉ có nhiệm vụ áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, ở các nước Common Law thì ngược lại. Luật pháp Common Law không được soạn thành văn bản và pháp điển hoá. Thẩm phán ở các quốc gia này sẽ đưa các giải thích pháp lý hợp lý, logic, ý nghĩa và tạo ra bước phát triển cho luật pháp Common Law. Đây chính là cách thức ở Anh và Mỹ đã tạo những bước phát triển dần dần từ một học thuyết nhỏ về trách nhiệm hình sự thay thế tới một học thuyết chính thống về việc pháp nhân phải chịu trách nhiệm đối với hầu hết tội phạm.

Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài, ngày càng nhiều các quốc gia thuộc hệ thống Civil Law đã dần thừa nhận tính cần thiết phải quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong luật hình sự trước yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Có thể kể đến các quốc gia đi tiên phong như Nhật Bản hay Cộng hoà Pháp, đây đều là những quốc gia điển hình của hệ thống Civil Law đã quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật.

Trước kia, thuật ngữ “trách nhiệm hình sự của pháp nhân” không tồn tại trong luật pháp Nhật Bản. Điều này xuất phát từ nguồn gốc lịch sử của hệ thống pháp luật Nhật Bản hiện đại. Hệ thống này ban đầu dựa trên hệ thống pháp luật dân sự của Cộng hoà Pháp và Đức với quan niệm rằng chỉ có con người mới có thể thực hiện tội phạm. Do đó, Bộ luật hình sự Nhật Bản năm 1907 không có quy định nào về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Tuy nhiên, vào năm 1932, Đạo luật chống thoát vốn ra nước ngoài đã được thông qua, trong đó có quy định về “Ryobatsu-Kitei” được hiểu là “hình phạt kép”.[4] Cụ thể, “Ryobatsu-Kitei” được hiểu là trong trường hợp một cá nhân phạm tội thì pháp nhân cũng phải chịu hình phạt. Ngoài ra, “Ryobatsu-Kitei” cũng được quy định trong nhiều luật khác như: Điều 207 Luật Chứng khoán (Luật các công cụ tài chính và hối đoái) năm 2006; Điều 164(1) Luật Thuế doanh nghiệp; Điều 22(1) Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh năm 2005. Theo Ryobatsu-Kitei, nếu pháp nhân có sơ suất khi thuê hoặc giám sát người lao động, thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm hình sự khi có vi phạm xảy ra. Mặc dù, tại thời điểm đó, Nhật Bản là quốc gia phi Common Law duy nhất quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân[5], nhưng Nhật Bản vẫn không có một nền tảng lý luận để giải thích tại sao pháp nhân phải chịu trách nhiệm theo Ryobatsu-Kitei. Các quy định pháp luật của Nhật Bản không áp dụng bất kỳ học thuyết cụ thể nào.[6] Quy định của pháp luật Nhật Bản xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đơn giản dựa trên việc các pháp nhân không ngăn chặn được tội phạm thì chính nó cũng phải chịu trách nhiệm và pháp nhân cũng được xác định là một tội phạm. Như vậy, có thể thấy là trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở Nhật Bản được quy định trong luật chuyên ngành và trực tiếp cho từng tội cụ thể được quy định trong các luật này.

Bộ luật Hình sự Hà Lan (1976) ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân như là một nguyên tắc chung trên cơ sở kế thừa quy định về trách nhiệm hình sự của chủ thể này đã được quy định trong Luật về các tội phạm kinh tế (EOA) có hiệu lực ngày 22/6/1950. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật hình sự Hà Lan về trách nhiệm hình sự của pháp nhân còn mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể. Bộ luật hình sự Hà Lan chỉ có một điều luật duy nhất quy định về nhiệm hình sự của pháp nhân – Điều 51[7]. Các phán quyết của Tòa án tối cao là sự khẳng định, cụ thể hóa quy định của Bộ luật hình sự. Tòa án tối cao đã đưa ra một số tiêu chuẩn xác định trường hợp pháp nhân theo luật công là chủ thể của trách nhiệm hình sự. Do đó, để xác định pháp nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh cụ thể thì cần phải dựa vào phán quyết của Tòa án tối cao Hà Lan. Tòa án tối cao Hà Lan đã khẳng định, một hành vi phạm tội của cá nhân có thể “quy kết” cho một pháp nhân tùy thuộc vào các tình tiết của vụ án. Hành động hoặc không hành động phạm tội của cá nhân chỉ có thể bị quy kết cho pháp nhân nếu việc “quy kết” này là hợp lý. Như vậy, có thể thấy là tuy Hà Lan là quốc gia theo hệ thống pháp luật Civil Law, nhưng để xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì ngoài việc dựa vào Bộ luật hình sự, các Tòa án vẫn phải dựa vào phán quyết của Tòa án tối cao để xác định.

Cộng hoà Pháp ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân lần đầu tiên tại Bộ luật Hình sự ban hành ngày 01 tháng 3 năm 1994.[8] Trước khi Bộ luật này được ban hành, nguyên tắc chủ đạo trong Bộ luật Hình sự cũ của Pháp (1810) là pháp nhân được loại trừ trách nhiệm hình sự, Bộ luật này chỉ quy định về trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Do đó, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự và trong một số trường hợp nhất định phải chịu trách nhiệm hành chính. Ở thời điểm đó, các học giả ở Pháp đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về tính khả thi và giá trị của việc thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Tuy nhiên, khi các tội phạm về tài chính, ngân hàng, tội phạm gây ô nhiễm môi trường xảy ra ngày càng nhiều hơn đều có liên quan đến pháp nhân nên cuối cùng, hầu hết các học giả ở Pháp đều thừa nhận việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân là cần thiết và đưa ra các lập luận thuyết phục để quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự Pháp năm 1994. Các lập luận này chủ yếu xuất phát từ thực tiễn.[9] Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ hỗ trợ cho việc cải thiện thực thi pháp luật và đặc biệt là nhằm vào một dạng tội phạm hiện thực có liên quan đến pháp nhân.

Bên cạnh đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân cũng thể hiện đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các chủ thể. Chính vì vậy, với cuộc cải cách năm 1994, Cộng hoà Pháp đã lần đầu tiên ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự. Bộ luật Hình sự của Cộng hòa Pháp quy định trách nhiệm hình sự đối với tất cả các pháp nhân trong khu vực công và khu vực tư (trừ nhà nước) về một hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật Pháp, nếu các cơ quan hoặc những người đại diện đã nhân danh pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội đó.

Ngoài Nhật Bản và Cộng hoà Pháp, một số quốc gia Civil Law còn phân vân khi thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân do ảnh hưởng nặng nề của nguyên tắc trách nhiệm hình sự cá nhân, nguyên tắc có lỗi từ pháp luật Roman. Chỉ trong thời gian gần đây, do sự phát triển chóng mặt của tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh, tội phạm gây ô nhiễm môi trường, tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia cũng như do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với các hướng dẫn của OECD, các sáng kiến của Hội đồng châu Âu, pháp luật EU và việc ra đời một loạt văn kiện quốc tế khác, đặc biệt là các khuyến nghị về việc nội luật hoá trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã thúc đẩy sự phát triển các chế định pháp lý liên quan đến xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở các quốc gia. Có thể kể đến các văn kiện sau:

+ Khuyến nghị của Hội đồng Châu Âu số R (81) 12 năm 1981 (Về tội phạm kinh tế)

+ Khuyến nghị của Hội đồng Châu Âu số R (88) 18 năm 1988 (Về trách nhiệm hình sự pháp nhân).

+ Đạo luật Hội đồng ngày 19 tháng 6 năm 1997 soạn thảo Nghị định thư thứ hai của Công ước về bảo vệ lợi ích tài chính của Cộng đồng Châu Âu.

+ Công ước chống bóc lột tình dục con người và trẻ em.

Đáng chú ý là những quy định - nỗ lực chung đầu tiên của Cộng đồng Châu Âu - “Corpus Juris Europae” 1997-2000 (CJE). CJE chấp nhận như một nguyên tắc về khả năng xử lý tội phạm của từng cá nhân (“person”). Nhưng “trách nhiệm cá nhân” được hiểu là trách nhiệm hình sự của thể nhân và pháp nhân.

Chịu ảnh hưởng của những văn kiện quốc tế trên, một số quốc gia theo hệ thống Civil Law quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân ngày càng tăng lên đáng kể. Ngày nay, hầu hết các quốc gia theo hệ thống Civil Law đều có xu hướng chung là thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Sau Pháp, Phần Lan ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào năm 1995, Đan Mạch năm 1996, Trung Quốc 1997, Bỉ năm 1999, Italia năm 2001, Hunggari năm 2001, Thụy Sỹ năm 2003, Cộng hòa Serbia năm 2008, Cambodia năm 2009, Luxembourg và Tây Ban Nha năm 2010, Cộng hoà Séc năm 2012, Việt Nam năm 2015...

Nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hai hệ thống pháp luật Common Law và Civil Law là điều vô cùng cần thiết. Hoạt động này góp phần mở rộng bức tranh toàn cảnh về vấn đề quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trên thế giới. Việc tìm hiểu về nguồn gốc, bản chất và quá trình phát triển của vấn đề trách nhiệm hình sự pháp nhân từ hai hệ thống pháp luật điển hình nói trên cho thấy các chế định pháp lý hình sự liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân là kết quả hoạt động tích cực của các chuyên gia pháp lý qua nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử. Từ đó, có thể thấy rằng để Bộ luật hình sự Việt Nam có các quy định hoàn thiện về trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề không hề dễ dàng. Do vậy, rất cần có hoạt động đóng góp tích cực từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia làm công tác thực tiễn, nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, chỉ ra bất cập của Bộ luật hình sự, đề xuất những đóng góp nhằm hoàn thiện Bộ luật Hình sự./.

                                                                                                       

Cảnh sát môi trường xác minh một doanh nghiệp gây ô nhiễm - Ảnh: TL

 

 

[1] Buckland, W. W. (1952), Roman Law and Common Law, Cambridge: Cambridge Univ. Press, trang 167.

[2] Schwartz, B. (1956), The code Napolean and the Common Law World,  New York: New York Univ. Press, trang 248.

[3] Coleman, J. S. (1975-1976) “Is corporate criminal liability really necessary?” South Western Law. J. 29.

[4] N Kyoto, ‘Corporate Criminal Liability – Japan’ in de Doelder and Tiedemann (eds), La Criminalisation du Comportement Collectif (1996) 275, 275.

[5] OECD, Mid-term Study of Phase 2 Reports Application of the Convention on Combating Bribery of Foreign Public Officials in International Business Transactions and the 1997 Recommendations on Combating Bribery in International Business Transactions, (2006).

[6] N Kyoto, ‘Corporate Criminal Liability – Japan’ in de Doelder and Tiedemann (eds), La Criminalisation du Comportement Collectif (1996) 275, trang 282.

[7] Xem Điều 51 BLHS Hà Lan tại nguồn: https://sherloc.unodc.org/cld/document/nld/1881/penal_code_of_the_netherlands.html?

[8] Điều 121-2 Bộ luật hình sự Pháp năm 1994 quy định “pháp nhân, ngoại trừ Nhà nước, phải chịu trách nhiệm hình sự theo các điều từ 121-4 đến 121-7 và trong trường hợp pháp luật quy định các cơ quan hoặc những người đại diện đã nhân danh thực hiện hành vi phạm tội”.

[9] Desportes, F. (2002), ‘Responsabilité pénale des personnes morales’, JurisClasseur Sociétés Traité, Fasc. 28–70.

Ths.NCS. ĐỖ NHẬT ÁNH (Giảng viên Học viện Toà án)