Trần Ngọc K phạm tội gì?
Trần Ngọc K là Thủ kho vũ khí, khi kiểm kê kho phát hiện mất 8 khẩu súng K54. K không biết mất súng từ khi nào. Vấn đề đặt ra là K phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay Làm mất vũ khí quân dụng ?
Trần Ngọc K là Thượng úy, quân nhân chuyên thuộc Sư đoàn H, Quân khu K, được bổ nhiệm giữ chức vụ Thủ kho vũ khí của Sư đoàn H từ năm 2009. Trong thời gian đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ thủ kho, Trần Ngọc K đã thực hiện không đầy đủ các quy định về quản lý vũ khí, đạn dược như: không tiến hành kiểm tra, nắm chắc số lượng vũ khí trang bị trong kho; không ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi người ra vào kho; chìa khóa kho và chìa khóa tủ súng để không đúng nơi quy định, cuối giờ làm việc không gửi chìa khóa vào bảo mật của đơn vị.
Theo quy định của chỉ huy đơn vị thì khi Trần Ngọc K đi công tác hay nghỉ phép chỉ được bàn giao chìa khóa kho cho Trần Thanh H là trợ lý kỹ thuật của đơn vị, việc bàn giao này phải có sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị. Tuy nhiên, có hai lần Trần Ngọc K tự ý bàn giao chìa khóa kho cho Trần Thanh H mà không có sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị, đó là khoảng thời gian từ ngày 10/02 đến 14/02/2018 và khoảng thời gian từ 25/02 đến 27/02/2018, đó là khoảng thời gian Trần Ngọc K nghỉ tết và nghỉ tranh thủ. Việc giao nhận chìa khóa kho giữa hai người này không được lập thành biên bản và không có người chứng kiến.
Đến ngày 25/4/2018, đơn vị tiến hành tổng kiểm kê, kiểm tra số lượng, chất lượng các loại vũ khí, đạn dược trong kho Sư đoàn thì phát hiện mất 8 khẩu súng ngắn K54. Chỉ huy đơn vị yêu cầu Trần Ngọc K báo cáo sự việc, tuy nhiên Trần Ngọc K không xác định được nguyên nhân mất súng và cũng không biết mất thời gian nào.
Xung quanh nội dung vụ án trên, có các quan điểm về việc định tội danh đối với Trần Ngọc K như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần truy tố và xét xử Trần Ngọc K về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 BLHS, bởi lẽ: Trần Ngọc K, là người có chức vụ, quyền hạn (là thủ kho vũ khí, có quyền xuất, nhập vũ khí) đã không làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình như không tiến hành kiểm tra, nắm chắc số lượng vũ khí trang bị trong kho; không ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi người vào kho; chìa khóa kho và chìa khóa tủ súng để không đúng nơi quy định, cuối giờ làm việc không gửi chìa khóa vào bảo mật của đơn vị; tự ý bàn giao chìa khóa kho cho người khác không đúng quy định và không đúng nguyên tắc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là làm mất 8 khẩu súng ngắn K54. Bên cạnh đó, không xác định được thời gian mất vũ khí cụ thể vào lúc nào, cho nên không thể xác định vũ khí mất lúc K đã bàn giao cho H. Do đó, có đủ cơ sở khẳng định hành vi của Trần Ngọc K phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 BLHS.
Quan điểm thứ hai cho rằng, cần truy tố và xét xử Trần Ngọc K về tội “Làm mất vũ khí quân dụng” theo quy định tại Điều 414 BLGS, bởi lẽ: Trần Ngọc K làm thủ kho vũ khí đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, bảo dưỡng vũ khí của đơn vị. Như vậy, K phải là người hiểu đầy đủ các quy định về quản lý vũ khí và quy định của đơn vị. Hành vi K không thực hiện đầy đủ các quy định, chức trách, nhiệm vụ thủ kho vũ khí như trên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm mất 8 khẩu súng ngắn K54, là hành vi vi phạm các quy định về quản lý vũ khí và các quy định của đơn vị (tự ý bàn giao 02 lần chìa khóa kho vũ khí cho Trần Thanh H mà không có sự chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị, không lập biên bản, không người chứng kiến), tuy nhiên K tin tưởng rằng hành vi của mình sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng, trên thực tế hậu quả đó đã xảy ra.
Bên cạnh đó, tại thời điểm Sư đoàn H tổng kiểm tra kho và phát hiện mất vũ khí là ngày 25/4/2018, thời điểm này Trần Ngọc K đang làm thủ kho vũ khí, là người trực tiếp quản lý vũ khí, đạn dược, trang bị nhưng để thất thoát, mất mát mà không giải thích được lý do nên phải chịu trách nhiệm về tội “Làm mất vũ khí quân dụng”.
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất, hành vi của Trần Ngọc K đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 BLHS.
Trên đây là nội dung vụ án và các quan điểm giải quyết vụ án, mong được trao đổi cùng quý bạn đọc./.
Một phiên tòa hình sự của TAQS Quân khu 7 - Ảnh: Nguyễn Ngọc Hoàng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận