.jpg)
Trần Văn C phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Hành vi của Trần Văn C phạm tội gì?” của tác giả Phạm Văn Phương trên Tạp chí Tòa án ngày 07/4/2025. Tôi đồng ý với quan điểm thứ hai đó là Trần Văn C phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Theo nội dung vụ án, Trần Văn C là người lao động do Công ty A (đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát) tuyển dụng và cử sang làm việc tại Công ty B theo hợp đồng dịch vụ giữa hai bên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao bưu phẩm và thu tiền từ khách hàng theo sự phân công của Trưởng bộ phận thuộc Công ty B, Trần Văn C đã phát xong 15 bưu phẩm, thu được số tiền hơn 90 triệu đồng nhưng không nộp lại cho Công ty B mà chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích cá nhân rồi tự ý nghỉ việc. Tác giả cho rằng quan điểm thứ hai là quan điểm phù hợp, đúng pháp luật, có cơ sở pháp lý nên ủng hộ trong việc xác định tội danh và truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi lẽ:
Trần Văn C là người lao động của Công ty A, không phải là nhân viên của Công ty B và không có quyền hạn quản lý tài sản. Công ty B giao tài sản (tiền thu hộ) cho C dựa trên sự tin tưởng và hợp tác với Công ty A. Trần Văn C không ký Hợp đồng dịch vụ trực tiếp với Công ty B nên không phải là nhân viên, đây chỉ là mối quan hệ tín nhiệm dân sự - thương mại, không phải mối quan hệ hành chính công vụ, quản lý nội bộ tài sản của tổ chức nhà nước hay doanh nghiệp do đó C không có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến bưu phẩm, quyền quyết định đối với số tiền thu được từ khách hàng mà chỉ có trách nhiệm nộp tiền thu được về Công ty B theo quy định.
Về mặt tội danh: Trần Văn C phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 2 Điều 175 BLHS 2015”: “…Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; g) Tái phạm nguy hiểm…”.
Các dấu hiệu pháp lý cụ thể:
- Hành vi nhận tài sản hợp pháp ban đầu: Trần Văn C được giao nhiệm vụ thực hiện việc giao bưu phẩm và thu tiền từ khách hàng. Số tiền hơn 90 triệu đồng mà C nhận được là hợp pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Hành vi chiếm đoạt sau khi đã có tài sản: Sau khi thu được tiền, Trần Văn C không nộp lại cho Công ty B như quy định mà chiếm giữ, tiêu xài cá nhân và tự ý nghỉ việc. Đây là biểu hiện rõ ràng của hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.
- Thỏa mãn yếu tố “lạm dụng tín nhiệm”: Căn cứ Điều 175 BLHS, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra khi người phạm tội được giao tài sản thông qua các hình thức hợp đồng, vay mượn, giữ hộ…rồi bị chiếm đoạt sau khi người được giao đã nhận và không trả lại. Trần Văn C được Công ty B tin tưởng, giao nhiệm vụ thu tiền từ khách hàng thông qua đơn vị cung ứng là Công ty A. Chính sự tin tưởng này là điều kiện để C tiếp cận và có được tài sản, sau đó chiếm đoạt.
- Giá trị tài sản chiếm đoạt thỏa mãn điều kiện định tội: Số tiền chiếm đoạt trên 90 triệu đồng - vượt mức truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 1 và thuộc trường hợp có tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 175.
Sở dĩ hành vi của Trần Văn C không cấu thành tội “tham ô tài sản” vì:
Chủ thể của tội “tham ô tài sản” (Điều 353 BLHS) chỉ áp dụng với người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức hoặc người được giao quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Trần Văn C không thuộc bất kỳ nhóm nào trong số đó, C chỉ là người lao động theo hợp đồng cung cấp dịch vụ với Công ty A và không được bổ nhiệm hay tuyển dụng chính thức bởi Công ty B. Xét về bản chất hành vi, Trần Văn C không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý vì C không có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy của Công ty B, việc được giao nhiệm vụ thu tiền chỉ phát sinh từ mối quan hệ dịch vụ thương mại. Hơn nữa, theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP, định nghĩa “người có chức vụ, quyền hạn”: “Người có chức vụ, quyền hạn do một hình thức khác được hiểu là trường hợp không phải do bổ nhiệm, tuyển dụng… nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ nhất định trong cơ quan, tổ chức”. Trong vụ án này, ngay cả khi Trần Văn C được “giao nhiệm vụ”, thì vẫn không có quyền quản lý tài sản hoặc nhân danh pháp nhân sở hữu tài sản. Do vậy, không thể áp dụng Điều 353 để xử lý hành vi của C.
Từ những phân tích trên, có thể thấy hành vi của Trần Văn C thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 2 Điều 175 BLHS. Quan điểm cho rằng Trần Văn C phạm tội “tham ô tài sản” là chưa phù hợp về mặt lý luận và pháp lý.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc.
TAND tỉnh Bắc Kạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Hoàng Thuyên.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Ban Chấp hành Trung ương đồng ý kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện VKSND cấp cao và cấp huyện
-
Chính phủ quan tâm thảo luận về các lực lượng có thẩm quyền điều tra hình sự
-
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có bị “mất đi” khi vụ án dân sự bị đình chỉ?
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
Bình luận