
Trần Văn C phạm tội tham ô tài sản
Nghiên cứu bài viết “Hành vi của Trần Văn C phạm tội gì?” đăng trên Tạp chí điện tử ngày 07/4/2025, tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất bài viết đưa ra, có cơ sở xác định Trần Văn C phạm tội “tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353 BLHS 2015.
Việc xác định Trần Văn C phạm tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS hay phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như quan điểm khác trình bày, dấu hiệu liên quan đến chủ thể của tội phạm là dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội. Cụ thể, người phạm tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 BLHS bắt buộc phải là người có chức vụ, quyền hạn và phải có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Trường hợp họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản. Đây là dấu hiệu bắt buộc nhằm xác định một người có thể trở thành chủ thể của tội danh này và cũng là dấu hiệu quan trọng để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt khác.
Về chủ thể của tội phạm:
Trần Văn C đủ tuổi theo luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp “do một hình thức khác” theo quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS.
Khoản 2 Điều 352 BLHS quy định “người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Đối chiếu với vụ án đưa ra, C không thuộc trường hợp “người có chức vụ do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng”. Đối với trường hợp “do một hình thức khác” được hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ quy định như sau: “5. Do một hình thức khác quy định tại khoản 2 Điều 352 Bộ luật Hình sự là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ đó”. Trong vụ án này, Trần Văn C có nhiệm vụ thực hiện việc giao và thu tiền các bưu phẩm, bưu kiện trên tuyến đường theo sự phân công của Trưởng bộ phận thuộc Công ty B; sau khi thu tiền từ khách hàng, C có trách nhiệm quản lý và nộp về cho Công ty B. Do vậy, với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Trần Văn C thỏa mãn chủ thể của tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS.
Có thể tham khảo mục 5 Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử: “5. Bị cáo là nhân viên thu tiền điện thoại, tiền cước viễn thông thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho Công ty, nhưng sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này, không nộp về cho Công ty. Hành vi của bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay tội “Tham ô tài sản”?: Bị cáo là người được giao thực hiện nhiệm vụ thu tiền của khách, có trách nhiệm và trực tiếp quản lý tiền cước điện thoại, tiền cước viễn thông thu được. Bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo không nộp về công ty mà chiếm đoạt số tiền này. Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 352, Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi của bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”.
Về khách thể: Là quan hệ sở hữu tài sản, cụ thể là quyền sở hữu của Công ty B đối với số tiền trên 90 triệu đồng mà Trần Văn C đã thu được từ khách hàng. Hành vi chiếm đoạt của C xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức này.
Về mặt chủ quan: C thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, Trần Văn C biết rõ số tiền không thuộc về mình nhưng vẫn cố tình chiếm đoạt vì động cơ tư lợi cá nhân (chiếm đoạt số tiền để tiêu xài cá nhân).
Về mặt khách quan: Hành vi của Trần Văn C lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao chiếm đoạt số tiền hơn 90 triệu đồng là tài sản của Công ty B mà bị cáo có trách nhiệm quản lý đã phạm vào tội “tham ô tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS.
Trong vụ án nêu trên, thực tiễn còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc định tội danh đối với hành vi của Trần Văn C. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP, việc xác định hành vi của C phạm vào tội “tham ô tài sản” là có cơ sở.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc.
TAND tỉnh An Giang xét xử vụ án "tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và mua bán trái phép hóa đơn" - Ảnh: Chí Hạnh.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có bị “mất đi” khi vụ án dân sự bị đình chỉ?
-
Ban Chấp hành Trung ương đồng ý kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện VKSND cấp cao và cấp huyện
-
Chính phủ quan tâm thảo luận về các lực lượng có thẩm quyền điều tra hình sự
Bình luận