Trần Văn H phạm tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Văn H phạm tội Giết người do vô ý hay phạm tội Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” của tác giả Phạm Hoài Ngân đăng ngày 01/12/2023, tôi cho rằng H phải bị truy tố, xét xử về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại điểm b khoản 2 Điều 242 BLHS.
Điều 4 Luật Thủy sản 2017 quy định: “Nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật”. Khoản 7, Điều 7 Luật này quy định hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thuỷ sản bảo gồm: “Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”.
Như vậy, có thể thấy nguồn lợi thủy sản do Nhà nước quản lý và bảo vệ, việc sử dụng kích điện để khai thác thủy sản, dù vì mục đích gì, đều là vi phạm pháp luật. Các hành vi vi phạm điều cấm của Luật Thủy sản đã có các chế tài xử lý hành chính và hình sự. Cụ thể tại điểm b khoản 2 Điều 242 BLHS sự có quy định về tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản với tình tiết tăng nặng làm chết người thì phải chịu mức hình phạt là bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm.
Quay trở lại vụ án “Trần Văn H dùng một bộ kích điện tự chế để đánh bắt cá ở khu lưu vực ao chung của thôn T, huyện X, tỉnh B. Sau khi H đặt bộ kích điện xuống ao, thì bỏ về nhà và khoảng 30 phút sau quay lại để vớt cá. Tuy nhiên, trong thời gian H quay về nhà thì cháu C chơi gần đó trượt chân ngã xuống ao, bị dòng điện do kích điện của H tạo ra giật gây chết người”.
Về mặt chủ quan: Trần Văn H phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp bởi vì, H nhận thức được hành vi của mình là gây nguy hiểm cho xã hội, và phải thấy được hậu quả có thể xảy ra. Nhưng H vấn bỏ bộ kích điện ở ao và đi về nhà 30 phút.
Về mặt khách quan, hành vi sử dụng phương tiện bị cấm, bộ kích điện tự chế để đánh bắt cá của H đã gây ra hậu quả làm chết cháu C.
Như vậy, hành vi của Trần Văn H đã đủ yếu tố cấu thành tội “Huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản” với tình tiết tăng nặng làm chết người được quy định tại điểm b khoản 2, Điều 242 BLHS 2015.
Theo tôi, việc áp dụng quan điểm thứ nhất của tác giả là chưa phù hợp, bởi lẽ Công văn số 81/2002/TANDTC của TANDTC ngày 10/6/ 2002 đã hết hiệu lực, đồng thời Công văn trên áp dụng với BLHS 1999, dùng để hướng dẫn khi bộ luật này chưa có điều luật cụ thể điều chỉnh về hành vi gây chết người do sử dụng bẫy điện để diệt chuột. Tuy nhiên, BLHS 2015 đã có quy định rất cụ thể tại Điều 242 về tội Hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Vì vậy việc áp dụng BLHS 2015 hiện hành để điều chỉnh những hành vi vi phạm cụ thể là phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ quý độc giả.
Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế tiêu hủy số tang vật đánh bắt thủy sản bằng xung điện đã tịch thu được - Ảnh: Hàn Đăng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận