Trần Văn Q và Cao Văn G phạm tội Giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt
Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Dương Đình Mạnh đăng ngày 01/3/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ ba cho rằng cả Trần Văn Q và Cao Văn G đều phạm tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Để định tội danh của Nguyễn Văn B là Giết người trong trường hợp nạn nhân không chết hay Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, ta cần phân biệt sự khác biệt giữa tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với trường hợp Giết người nhưng hậu quả chết người không xảy ra (Giết người chưa đạt).
- Về mặt khách quan: Cả hai trường hợp này người phạm tội đều sử dụng vũ lực hoặc cách thức khác tác động trực tiếp đến thân thể của bị hại, gây ra hậu quả thương tích cho nạn nhân. Tuy nhiên, để phân biệt được hai trường hợp trên, ta cần xem xét đến ý thức chủ quan của người phạm tội thông qua các yếu tố khách quan khác nhau như công cụ, phương tiện phạm tội, hoàn cảnh phạm tội, vị trí tấn công trên cơ thể của bị hại, cường độ, sự quyết liệt khi tấn công của người phạm tội. Ngoài ra cũng có thể xem xét đến các yếu tố khác như mâu thuẫn giữa người phạm tội và nạn nhân,…
- Về mặt chủ quan: Để phân biệt rõ tội Giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, cần phải xác định chính xác yếu tố lỗi của người phạm tội. Đây là yếu tố quyết định để xác định chính xác tội danh trong hai trường hợp trên. Đối với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người phạm tội có lỗi cố ý với cả hành vi phạm tội và hậu quả gây ra. Hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe là mong muốn của người phạm tội. Đối với tội Giết người trong trường hợp hậu quả chết người không xảy ra thì người phạm tội có lỗi cố ý gián tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Trở lại vụ án, Q và G đã sử dụng công cụ là khúc gỗ để đánh liên tiếp vào vùng đầu của anh H. Đây là vùng có vị trí trọng yếu trên cơ thể, nếu bị tác động mạnh có thể dẫn đến biến chứng và gây chết người. Tuy nhiên, Q và G thay vì tác động vào những bộ phận khác ít nguy hiểm đến tính mạng hơn như tay, chân, lưng,…thì lại liên tiếp dùng khúc gỗ đánh vào đầu của H, khiến H ngã gục tại chỗ. Giám định thương tích cho thấy H bị thương rất nặng như tụ máu dưới màng cứng vùng trán - đỉnh phải, tụ máu dưới màng cứng vùng thái dương phải chèn ép não thất phải, dập não xuất huyết vùng thái dương trái, nứt sọ… tổng tỷ lệ tổn thương là 44%. Ở đây cần xác định, Q và G chỉ dừng lại khi có người can ngăn và việc H không chết nằm ngoài ý chí chủ quan của G và Q, H do được cấp cứu kịp thời. Do đó, hành vi của Q và G đã thỏa mãn cấu thành tội Giết người nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả và đồng nghiệp./.
Tòa án tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa lưu động, xét xử vụ án giết người xảy ra tại thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ - Ảnh: Hữu Phát
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Dương Đình Mạnh (Tác giả bài viết)
21:40 28/12.2024Trả lời