Tranh chấp thừa kế được xét xử lại thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo luật cũ hay luật mới?

Việc áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế như hướng dẫn tại Giải đáp 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2017 là áp dụng quy định mới về thời hiệu của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho cả những trường hợp thừa kế mở trước 01/01/2017, kể cả các vụ án đã được xét xử ở thời điểm trước 01/01/2017 nay xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại.

Vụ án tranh chấp thừa kế giữa nguyên đơn Nguyễn Văn X và bị đơn Phan Thị C ở tỉnh Khánh Hòa đã được xét xử phúc thẩm ( Bản án số 61/2018/DSPT ngày 18/5/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng). Bản án phúc thẩm này bị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm.

Tại phiên họp ngày 18/3/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm, hủy Bản án phúc thẩm, Bản án sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại. Việc giao xét xử sơ thẩm lại là để làm rõ về di sản thừa kế. Tuy nhiên, vấn đề thời hiệu khởi kiện vẫn được đặt ra cả trong Kháng nghị giám đốc thẩm và Quyết định giám đốc thẩm. Đó là do trong quá trình xét xử vụ án này đã có những ý kiến khác nhau về xác định thời hiệu khởi kiện theo luật cũ hay luật mới.

Vụ án này là trường hợp thừa kế mở lần đầu năm 1973 (mẹ nguyên đơn chết) và thừa kế mở lần thứ 2 là năm 1993 (cha nguyên đơn chết). Trường hợp thừa kế mở trước ngày Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 có hiệu lực (10/9/1990) thì thời hiệu khởi kiện tính từ 10/9/1990 (theo Khoản 4 Điều 36 của Pháp lệnh). Vụ án này được khởi kiện ngày 10/12/2009. Theo pháp luật ở thời điểm khởi kiện (Bộ luật Dân sự năm 2005) thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 10 năm kể từ 10/9/1990. Theo pháp luật ở thời điểm xử sơ thẩm là ngày 08/9/2017 (Bộ luật Dân sự năm 2015) thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm kể từ 10/9/1990. Như vậy, nếu theo luật mới thì trong mọi trường hợp, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế vẫn còn.
Có ý kiến cho rằng phải áp dụng luật cũ căn cứ vào quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 Về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Điều 2 quy định đối với các tranh chấp… “phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 05/2011/QH12”.

Có ý kiến cho rằng phải áp dụng luật mới căn cứ vào quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 668 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điểm d quy định là “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”

Như vậy là quy định của Nghị quyết 103/2015/QH13 khác với quy định của Điều 668 Bộ luật Dân sự. Từ Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016, TANDTC đã hướng dẫn áp dụng quy định của Điều 668 Bộ luật Dân sự (tức là áp dụng luật mới) cho cả các trường hợp thừa kế mở trước 01/01/2017. Hướng dẫn này dựa trên cơ sở quy định của Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 3 này quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Nghị quyết 103/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017 nên Bộ luật Dân sự là văn bản ban hành sau.

Quyết định giám đốc thẩm vụ án này tiếp tục khẳng định việc áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế như hướng dẫn tại Giải đáp 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2017 là áp dụng quy định mới về thời hiệu của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho cả những trường hợp thừa kế mở trước 01/01/2017, kể cả các vụ án đã được xét xử ở thời điểm trước 01/01/2017 nay xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại.

CHU XUÂN MINH (Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)