Trao đổi, rút kinh nghiệm công tác xét xử tại TAND các tỉnh phía Nam
Ngày 28/11, TAND cấp cao tại TP.HCM tổ chức Hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm công tác giải quyết, xét xử các loại án tại các tỉnh phía Nam. Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Trần Kiến Xương, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam; Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM; các Phó Chánh án, các Thẩm phán cao cấp; lãnh đạo các Phòng, Tòa thuộc TAND cấp cao tại TP.HCM và lãnh đạo TAND 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM Trần Thanh Hoàng phát biểu - Ảnh: Quang Trung
Phát biểu tại Hội nghị, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM Trần Thanh Hoàng cho biết, công tác phối hợp giữa TAND cấp cao tại TP.HCM với TAND 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong xét xử, giải quyết các loại vụ việc và các mặt công tác khác được thực hiện kịp thời, có hiệu quả, đã tạo điều kiện thuận lợi để mỗi đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, sự phối hợp chưa kịp thời, việc nhận thức và áp dụng pháp luật ở một số trường hợp vẫn còn chưa thống nhất, án bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan. Việc chậm trễ trong việc chuyển giao hồ sơ, sai sót về nội dung, hình thức bản án gây khó khăn trong quá trình thi hành án.
Chánh án Trần Thanh Hoàng đề nghị các đại biểu thảo luận sâu rộng, thẳng thắn về những vấn đề trọng tâm trong công tác xét xử, công tác phối hợp trong công tac xét xử và các lĩnh vực khác. Phân tích những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, từ đó tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo mọi phán quyết của Tòa án đều đúng pháp luật, công bằng và minh bạch.
Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Quang Trung
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Hội nghị là dịp để TAND cấp cao tại TP.HCM và TAND 23 tỉnh, thành phía Nam cùng nhau trao đổi những vấn đề còn vướng mắc, có nhiều cách hiểu, cùng nhau rút kinh nghiệm để công tác xét xử trong thời gian tới tốt hơn.
Hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm sẽ giúp cho các Thẩm phán có trách nhiệm, ý thức hơn với công việc của mình. Nếu Thẩm phán xét xử không tốt, thì hội nghị cuối năm sẽ trực tiếp chỉ ra những sai sót, rút kinh nghiệm.
Vì vậy, các Thẩm phán cần phải xem mỗi bản án là tác phẩm của mình. Đối với các Thẩm phán xét xử cấp phúc thẩm, giám đốc, khi xét xử cần đặt mình vào vị trí chủ tọa phiên tòa sơ thẩm để xem xét. Bởi lẽ, để có được bản án sơ thẩm, các Thẩm phán phải mất rất nhiều công sức, tâm huyết nên khi quyết định hủy, sửa phải hết sức thận trọng, bản án phải chuẩn, bảo vệ công lý.
Những vấn đề chưa rõ, còn băn khoăn thì Thẩm phán có thể trao đổi với TAND cấp sơ thẩm, những vấn đề có thể khắc phục được thì khắc phục cho cấp sơ thẩm.
Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ chia sẻ, những vấn đề rút kinh nghiệm hôm nay đã được rút kinh nghiệm nhiều lần nhưng vẫn còn sai sót. Do đó, Thẩm phán cấp sơ thẩm phải nghiên cứu kỹ, thận trọng. Quan điểm giải quyết như thế nào phải được trình bày rõ trong bản án, lập luận chặt chẽ.
Đối với những kiến nghị của các Tòa án, Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ ghi nhận, trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, hướng dẫn.
Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Quang Trung
Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Đức Xuân, Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM trình bày dự thảo báo cáo trao đổi, rút kinh nghiệm công tác giải quyết, xét xử các loại án.
Trong đó, công tác phối hợp trong việc giao, nhận hồ sơ, tài liệu xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn còn trường hợp hồ sơ chưa hoàn thiện về mặt tố tụng như tống đạt bản án, quyết định cho một số người tham gia tố tụng, không đóng dấu một số văn bản quan trọng, chuyển giao hồ sơ chưa thực hiện nhập vụ việc trên phần mềm hệ thống giám sát hoạt động Tòa án dẫn đến TAND cấp cao phải chuyển trả hồ sơ để bổ sung; chuyển hồ sơ cho TAND cấp cao để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm còn chậm.
Đối với công tác giải quyết án, TAND 23 tỉnh, thành phía Nam còn một số hạn chế, thiếu sót cần trao đổi, rút kinh nghiệm.
Cụ thể, đối với án hình sự, sai sót của cấp sơ thẩm như bỏ lọt tội phạm, đánh giá tội danh chưa chính xác với hành vi phạm tội; đánh giá chưa chính xác tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, áp dụng tình tiết giảm nhẹ chưa đúng quy định, áp dụng mức hình phạt chưa tương xứng với hành vi phạm tội.
Trong lĩnh vực dân sự, sai sót chủ yếu do thụ lý giải quyết vụ án chưa đúng thẩm quyền, xác định chưa đúng quan hệ tranh chấp, xác định chưa đúng tư cách tố tụng của đương sự, thiếu người tham gia tố tụng, áp dụng thời hiệu khởi kiện chưa phù hợp, giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của đương sự, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án thiếu ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nội dung thỏa thuận không phù hợp…
Đối với án hành chính, sai sót do xác định không đúng đối tượng khởi kiện; thụ lý, giải quyết vụ án khi thời hiệu khởi kiện không còn; một số trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án chưa đúng pháp luật. Án hôn nhân và gia đình, án lao động, nguyên nhân bị hủy, sửa chủ yếu do thu thập, xác minh chứng cứ chưa đầy đủ, thiếu người tham gia tố tụng, đánh giá chứng cứ.
Tại Hội nghị, lãnh đạo TAND các tỉnh đã trao đổi thẳng thắn những vấn đề còn vướng mắc, chưa thuyết phục đối với những vụ án bị hủy, sửa. Các Phó Chánh án TAND cấp cao và các Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã tuyên hủy, sửa các vụ án trao đổi lại, trình bày các căn cứ pháp luật dẫn đến việc hủy, sửa bản án.
Bên cạnh việc trao đổi, rút kinh nghiệm đối với những bản án bị hủy, sửa, lãnh đạo TAND các tỉnh đề nghị TANDTC có hướng dẫn đối với những vấn đề pháp lý chưa rõ, còn vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Cụ thể, như tình tiết “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy” trong trường hợp bắt quả tang các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép ma túy còn lại bị thu giữ tại hiện trường…
Kết thúc hội nghị, TAND cấp cao tại TP.HCM và 23 tỉnh, thành khu vực phía Nam đã cho ý kiến và thông qua Quy chế phối hợp trong công tác chuyển giao hồ sơ, tài liệu vụ án, kiến nghị, giải quyết kiến nghị, xét xử trực tuyến.
Theo: Quang Trung (congly.vn)
Bài liên quan
-
Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết của Đảng
-
TANDTC tham gia Hội nghị toàn quốc quán triệt, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết của Đảng
-
Pharmacity phối hợp cùng bệnh viện Đại học Y dược tổ chức tư vấn sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường
-
Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 7
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận