Trao đổi về bài viết “Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có bị “mất đi” khi vụ án dân sự bị đình chỉ?”
Thực tiễn xét xử cho thấy, khi giải quyết các vụ án, việc xác định đúng quan hệ tranh chấp có ý nghĩa hết sức quan trọng, từ đó xác định đúng đối tượng tranh chấp, chủ thể có thẩm quyền tranh chấp, thời hiệu giải quyết tranh chấp.
Qua nghiên cứu bài viết “Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có bị “mất đi” khi vụ án dân sự bị đình chỉ?” của tác giả Th.s Vũ Thị Thu Hường (TAND tỉnh Long An) đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 09/4/2025, tôi thấy cần làm rõ một số vấn đề mà nội dung tình huống pháp lý nêu trong bài đặt ra.
Trong bài viết, tác giả Vũ Thị Thu Hường nêu vấn đề: “Sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, ngày 22/01/2025 B khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện C đã cấp cho A. Vấn đề đặt ra là thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này được xác định từ thời điểm nào? Liệu khoảng thời gian vụ án dân sự được thụ lý và giải quyết trước khi bị đình chỉ có thể được coi là trở ngại khách quan, dẫn đến việc kéo dài thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính theo quy định pháp luật hay không?"
Đối với nội dung này, tôi có một số ý kiến, nhận định như sau:
Thứ nhất, về xác định trở ngại khách quan. Đây là vấn đề đã được ghi nhận khá cụ thể trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015, theo đó, tại khoản 13 Điều 3 Luật này quy định:
“Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình”.
Quy định này thống nhất với quy định về xác định trở ngại khách quan tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đối với tình huống pháp lý được đưa ra trao đổi, thì thấy, sau khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự, ngày 15/10/2023, B biết được A đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần đất B đang quản lý sử dụng. Như vậy, thời điểm B biết được có quyết định hành chính (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là từ ngày 15/10/2023.
Trong bài viết nêu: “Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành đo đạc, thẩm định, định giá kéo dài hơn 12 tháng trước khi tổ chức hòa giải. Sau khi có kết quả đo đạc, thẩm định, nguyên đơn A rút đơn khởi kiện”. Tác giả đặt vấn đề, khoảng thời gian này (hơn 12 tháng) có được xác định là trở ngại khách quan khiến B không thực hiện được quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không?
Về vấn đề này, quan điểm thứ hai cho rằng: Quá trình giải quyết vụ án dân sự kéo dài hơn 12 tháng do Tòa án thực hiện đo đạc, thẩm định, định giá, điều này nằm ngoài khả năng kiểm soát của B. Do đó, khoảng thời gian từ khi B biết được có quyết định hành chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho A đến khi đình chỉ vụ án dân sự đình chỉ được coi là trở ngại khách quan, khiến B không thể thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính.
Căn cứ quy định về trở ngại khách quan trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì thấy, chỉ được xác định là trở ngại khách quan khi nó tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình.
Tại khoản 4 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện”.
Đối chiếu với trường hợp nêu trên, ngày 15/10/2023, B biết A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất B đang quản lý sử dụng. Thực tế, B cũng đã thực hiện quyền của mình, cụ thể, B cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm nên B có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Nguyễn Văn A trong vụ án dân sự nêu trên.
Do đó, trường hợp này, B đã biết A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mà B đang quản lý, sử dụng; đồng thời cũng đã gửi yêu cầu của mình tới Tòa án là yêu cầu tôi hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Nguyễn Văn A trong vụ án dân sự nêu trên. Vì vậy, tôi cho rằng, việc xác định trở ngại khách quan (trong khoảng thời gian hơn 12 tháng) trong tình huống này là chưa thực sự phù hợp, thuyết phục và có phần gượng ép, vì đối chiếu với quy định về trở ngại khách quan ghi nhận tại Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là chưa phù hợp.
Thứ hai, tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt trong tình huống này là phải xác định rõ bản chất của quan hệ tranh chấp, đánh giá các tình tiết có liên quan để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, từ đó xác định quy định về thời hiệu giải quyết vụ án để áp dụng.
Theo dữ kiện nêu trong bài viết, ngày 20/9/2023, nguyên đơn A khởi kiện vụ án dân sự “tranh chấp đòi quyền sử dụng đất” đối với bị đơn B liên quan đến thửa đất số 1113, diện tích 2000m2, đất tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh X. Nguyên đơn A đã được Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi B đang quản lý và sử dụng thửa đất này. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự, ngày 15/10/2023, B biết được A đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần đất B đang quản lý sử dụng. B cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm nên B có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Nguyễn Văn A trong vụ án dân sự nêu trên.
Trọng tình huống này, Tòa án cần căn cứ hướng dẫn tại tiểu mục 1, mục III Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử để giải quyết. Nội dung hướng dẫn nêu rõ: “1. Trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị này có phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập không?
Trong trường hợp này, cần xác định đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là yêu cầu của đương sự, nhưng không phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Khi giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải được Tòa án xem xét giải quyết trong cùng một vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự”.
Nếu Tòa án thực hiện đúng quy định của pháp luật có liên quan và nội dung hướng dẫn này thì khi nguyên đơn A trong vụ án dân sự rút đơn khởi kiện, trước khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án cần hỏi ý kiến của bị đơn B về yêu cầu của mình. Sau đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để Tòa án giải quyết, nếu bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn.
Trường hợp được nêu trong tình huống pháp lý này, Tòa án lại không thụ lý đối với yêu cầu của B để giải quyết trong cùng vụ án dân sự. Tôi cho rằng, đây là điều đáng tiếc, dẫn đến sau khi A rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì đặt ra vấn đề xác định thời hiệu khởi kiện đối với vụ án hành chính khi B tiếp tục có yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện C đã cấp cho A. Từ đó phát sinh vướng mắc về việc xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với B.
Do vậy, khiến vụ việc trở nên khó khăn, phức tạp và gây ảnh hưởng đối với quyền, lợi ích hợp pháp của B. Bởi lẽ, như phân tích nêu trên, căn cứ quy định về trở ngại khách quan thì việc xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính của B rất khiên cưỡng.
Đối với tình huống này, do Tòa án không chấp nhận yêu cầu của B là yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Nguyễn Văn A trong vụ án dân sự, thời điểm là ngày 15/10/2023. Sau đó lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, thì khi B khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện C đã cấp cho A; đối với trường hợp này, tôi cho rằng, khi nhận được yêu cầu của B, Tòa án có thẩm quyền cần hướng dẫn B xác định đúng yêu cầu khởi kiện để làm đơn khởi kiện vụ án cho đúng. Tôi cho rằng, trường hợp này bản chất thật sự của quan hệ tranh chấp là đòi quyền sử dụng đất – mang bản chất tranh chấp dân sự, nên Tòa án cần hướng dẫn B làm đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết vụ án dân sự, sau đó, cùng với yêu cầu giải quyết tranh chấp dân sự này thì yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho A trong cùng một vụ án. Bởi lẽ, bản chất của vấn đề ở đây là tranh chấp kiện đòi quyền sử dụng đất đối với thửa đất mà B đang quản lý, sử dụng và để thực hiện quyền này thì B yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho A trong cùng vụ án này. Như vậy, lúc này xác định đây là vụ án dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Cách làm này là để giải quyết trong tình huống cụ thể này, nhằm bảo đảm căn cứ áp dụng pháp luật chính xác; và quan trọng nhất là nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân (B). Còn, nếu thực tế phát sinh tình huống tương tự thì Tòa án cần thụ lý yêu cầu của B để giải quyết trong cùng vụ án dân sự như trên đã phân tích (thời điểm khi B phát hiện thửa đất mình đang quản lý, sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho A).
Tôi kiến nghị, trong thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần tăng cường tập huấn, rút kinh nghiệm về việc giải quyết các vụ án tương tự trong thực tiễn.
Trên đây là quan điểm, đánh giá và nhận định của tôi đối với tình huống pháp lý cụ thể được nêu trong bài viết đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có bị “mất đi” khi vụ án dân sự bị đình chỉ?
-
Ban Chấp hành Trung ương đồng ý kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện VKSND cấp cao và cấp huyện
-
Chính phủ quan tâm thảo luận về các lực lượng có thẩm quyền điều tra hình sự
Bình luận