TRAO ĐỔI VỀ BÀI VIẾT: XÁC ĐỊNH TƯ CÁCH ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN LỪA ĐẢO XIN ĐI HỌC THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
Để xác định đúng tư cách tham gia tố tụng trong trường hợp trên theo tác giả phải xác định ngay tại thời điểm tội phạm hoàn thành, nghĩa là có hậu quả xảy ra (người phạm tội chiếm đoạt được tài sản) theo đúng cấu thành vật chất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Sau khi đọc nội dung bài viết: “Xác định tư cách đương sự trong vụ án lừa đảo xin đi học thế nào cho đúng?” của tác giả Đỗ Ngọc Bình và Nguyễn Bá Nhất đăng trên Tạp chí TAND online ngày 13/11/2017, tôi có vài ý kiến trao đổi như sau:
Theo quy định tại Điều 51 BLTTHS thì người bị hại phải là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do hành vi phạm tội gây ra. Trong trường hợp trên, xuất hiện ba nhóm đối tượng là người người có nhu cầu đi xin học, người trung gian và người thực hiện tội phạm, trong đó người có nhu cầu xin học là người bị thiệt hại trực tiếp do hành vi phạm tội gây ra, họ đưa tiền qua người trung gian (có thể là người thân quen) với mong muốn xin được học nhưng không được như nguyện vọng, số tiền bỏ ra bị chiếm đoạt. Lúc đó, thông thường thì họ sẽ tìm đến người mà họ trực tiếp đưa tiền để đòi lại tiền đã mất (người trung gian). Lúc này, nếu người trung gian là người có trách nhiệm, hoặc do mối quan hệ thân quen sẽ tự bỏ tiền của mình để đền bù cho người đi xin học và lúc đó người nào chịu thiệt hại sẽ gửi đơn trình báo lên cơ quan chức năng. Do vậy, khi xác định tư cách tham gia tố tụng của những người này thì Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thường xác định người gửi đơn trình báo là người bị hại.
Tuy nhiên, để xác định đúng tư cách tham gia tố tụng trong trường hợp trên thì phải xác định ngay tại thời điểm tội phạm hoàn thành, nghĩa là có hậu quả xảy ra (người phạm tội chiếm đoạt được tài sản) theo đúng cấu thành vật chất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ việc trên, mặc dù không rõ mối quan hệ giữa ông Lê Quang Đô và bà Đinh Thị Lan cũng như mục đích của họ trong việc đi xin học là gì nhưng rõ ràng ở đây đã xuất hiện hai người trung gian trực tiếp thực hiện việc trao đổi thông tin và tiền giữa hai bên (bên có nhu cầu đi xin học và người thực hiện tội phạm), họ phải nhận thức rõ hành vi cũng như hậu quả của mình có thể xảy ra. Do vậy, khi tiến hành giải quyết vụ án, qua các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cần đấu tranh làm rõ vai trò, trách nhiệm của những người này trong việc thực hiện tội phạm của Nguyễn Chí Công (người trực tiếp hứa hẹn và nhận tiền đi xin học nhưng không đúng nguyện vọng của người đi xin học). Nếu xác định được hai người trung gian là người môi giới trong việc đi học nhằm mục đích hưởng tiền hoa hồng hay nói cách khác chứng minh được hành vi giúp sức rõ ràng, có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra thì cần thiết phải khởi tố những người này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và ngăn chặn hiện tượng đi chạy tiền xin việc, xin học đang xảy ra trong xã hội hiện nay.
Do vậy, chúng tôi cho rằng trong trường hợp trên cần làm rõ vai trò trách nhiệm của Lê Quang Đô và Đinh Thị Lan. Nếu Đinh Thị Lan và Lê Quang Đô chỉ là người đi xin học cho cháu hoặc người quen mà không có tính chất vụ lợi thì xác định họ tham gia với tư cách cùng là bị hại, còn nếu trong trường hợp họ đóng vai trò là người trung gian môi giới đi xin học vì tính chất vụ lợi (để nhận được tiền hoa hồng của bên đi xin học) thì cần phải khởi tố để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và trong trường hợp đó cần xác định Lê Quang Đô và Đinh Thị Lan là đồng phạm giúp sức trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đi xin học, và chỉ trong trường hợp hành vi phạm tội có mức độ, hậu quả đã được khắc phục thì mới không xem xét trách nhiệm của họ./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận