TRAO ĐỔI VỀ NƠI THỰC HIỆN NGHĨA VỤ
Ngày 2/10/2015, ông Nguyễn Văn Năm (cư trú tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có cho ông Trần Văn Thành (cư trú tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vay 200 triệu đồng, lãi suất 1%/tháng. Khi cho vay hai bên có lập hợp đồng bằng giấy viết tay thỏa thuận đến cuối tháng 5/2016 sẽ thanh toán đầy đủ. Do ông Thành làm ăn thua lỗ nên vào không thực hiện theo thỏa thuận trên nên vào cuối năm 2016, ông Năm đã khởi kiện yêu cầu ông Thành phải trả toàn bộ số tiền vốn vay là 200 triệu đồng và lãi suất phát sinh theo thỏa thuận trong hợp đồng những tháng ông Thành chưa trả, cũng như lãi phạt do vi phạm hợp đồng.
Vào giữa năm 2017, TAND huyện Cái Bè (nơi ông Thành cư trú) đã xét xử và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Năm: Buộc ông Thành phải trả tiền vốn và tiền lãi là 220 triệu đồng, buộc trả một lần. Cả hai đều không có kháng cáo, VKSND cũng không có kháng nghị, bản án có hiệu lực pháp luật; ông Năm đã nộp đơn yêu cầu thi hành án tại cơ quan thi hành án huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và đã được thụ lý giải quyết. Sau đó, cơ quan thi hành án đã tiến hành thủ tục thi hành án, bán đấu giá quyền sử dụng đất của ông Thành tại huyện Cái Bè và đã chi tiền thi hành án cho ông Năm.
Từ trường hợp cụ thể nêu trên cho thấy nếu có tranh chấp thì nơi thực hiện nghĩa vụ thường là nơi cư trú của người có nghĩa vụ (người phải thi hành án); chứ không phải là nơi cư trú của người có quyền như quy định của BLDS. Chính điều này, dẫn đến xung đột pháp luật giữa qui định của BLDS và Luật Thi hành án dân sự.
Nơi thực hiện nghĩa vụ là nơi cư trú của người có quyền hay của người có nghĩa vụ?
Điều 277 BLDS năm 2015, qui định về địa điểm thực hiện nghĩa vụ dân sự như sau :
“1. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ dân sự do các bên thoả thuận.Trong trường hợp không có thoả thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ dân sự được xác định như sau: a) Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự là bất động sản; b) Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự không phải là bất động sản.
Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Do hai bên không có thỏa thuận nên trong trường hợp nêu trên, nếu hai bên chưa xảy ra tranh chấp thì nơi thực hiện nghĩa vụ là nơi cư trú của người có quyền, nhưng nếu có tranh chấp xảy ra thì nơi thực hiện nghĩa vụ là nơi cư trú của người có nghĩa vụ như trường hợp trên. Điều này cho thấy có những mâu thuẫn giữa những quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có quyền.
Việc ông Thành phải thực hiện nghĩa vụ tại nơi cư trú của ông Thành là do các qui định của pháp luật về thi hành án dân sự và BLTTDS qui định.
Khoản 1 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) quy định về thẩm quyền thi hành án như sau:
“1. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;
b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;
c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;”
d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.”
Do TAND huyện Cái Bè có thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay giữa ông Năm và ông Thành theo điểm a, khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015: “Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;” nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè tổ chức thi hành ánlà đúng với thẩm quyền của cơ quan Thi hành án theo quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự và qui định của BLTTDS nên nơi thực hiện nghĩa vụ phải là nơi cư trú của người có nghĩa vụ.
Rõ ràng, trong trường hợp này là đã có xung đột pháp luật xảy ra. Tuy nhiên, việc xung đột pháp luật này cũng không ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người có quyền. Nhưng vấn đề cần đề cập là cần phải xây dựng hệ thống pháp luật nhất quán, tránh những xung đột pháp luật xảy ra.
Mặt khác, khoản 2 điều 277 của BLDS cũng có quy định: “Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thoả thuận khác.” Vậy, ngược lại, trong trường hợp vụ kiện trên, việc thay đổi nơi thực hiện nghĩa vụ là hoàn toàn do lỗi của người thực hiện nghĩa vụ (do không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đã được thỏa thuận) nhưng pháp luật cũng không buộc người thực hiện nghĩa vụ phải chịu khoản chi phí nào về vấn đề này. Điều này, là thiếu công bằng với người có quyền. Do đó, thiết nghĩ pháp luật là công cụ thực hiện công bằng trong xã hội nên khi xây dựng các qui định pháp luật các nhà làm luật cần thận trọng, tránh xung đột pháp luật.
Ảnh trên bài: Một vụ thi hành án dân sự ở Quảng Ninh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận