Trao đổi về vấn đề Ngân hàng nhận thế chấp đối với tài sản có bảo lưu quyền sở hữu
Ngày 15/9, Tạp chí có bài “Ngân hàng có được nhận thế chấp đối với tài sản có bảo lưu quyền sở hữu không?” đặt ra vấn đề rất thiết thực hiện nay, chúng tôi đồng tình với các tác giả và xin được trao đổi thêm.
Chúng tôi đồng tình với nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Anh Đào và Nguyễn Đức Tĩnh về vấn đề ngân hàng nhận thế chấp đối với tài sản bảo lưu quyền sở hữu khi cho rằng: “Ngân hàng hoàn toàn không phải là bên nhận thế chấp ngay tình mà Ngân hàng buộc phải biết tài sản thế chấp có bảo lưu quyền sở hữu thông qua việc kiểm tra và xem xét hợp đồng mua bán. Do đó, hợp đồng thế chấp đối với tài sản có bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp này cần phải xem xét và tuyên vô hiệu vì đã vi phạm điều cấm của luật”.
Về vấn đề bảo lưu quyền sở hữu
Bảo lưu quyền sở hữu là một biện pháp bảo đảm mới được quy định tại BLDS 2015. Tuy nhiên, trước đó, BLDS 2005 và các văn bản hướng dẫn cũng đã đề cập đến biện pháp này dù không được liệt kê vào danh sách các biện pháp bảo đảm. Theo Điều 461 BLDS 2005 thì việc bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần là đương nhiên mà không yêu cầu được quy định cụ thể tại hợp đồng mua bán hoặc văn bản riêng. Ngoài ra, căn cứ Điều 12 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Điều 3 Nghị định 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, thì bên bán không có trách nhiệm phải đăng ký các hợp đồng mua bán mà có bảo lưu quyền sở hữu vì không thuộc trường hợp bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đến BLDS 2015, bảo lưu quyền sở hữu được quy định là một biện pháp bảo đảm cụ thể (Điều 292 BLDS 2015). Khác với BLDS 2005 và các văn bản hướng dẫn, BLDS 2015 quy định “bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán” (khoản 2 Điều 331 BLDS 2015). Về đăng ký biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thì tương tự như Nghị định 83/2010/NĐ-CP, Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ (thay thế Nghị định 83/2010/NĐ-CP) cũng quy định đăng ký không phải là thủ tục bắt buộc đối với bảo lưu quyền sở hữu.
Ngoài ra, chính do BLDS 2005 không quy định minh thị bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán nên mới có hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 163 làm căn cứ để xác nhận bên bán có bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp các bên không quy định về bảo lưu quyền sở hữu tại hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần. Để khắc phục vấn đề này, BLDS 2015 đã bổ sung quy định việc bảo lưu quyền sở hữu phải được quy định tại chính hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần hoặc văn bản riêng để bên nhận bảo đảm xác định được ngay là tài sản bảo đảm thuộc quyền sở hữu của ai.
Như vậy, bảo lưu quyền sở hữu đương nhiên phát sinh hiệu lực mà không đòi hỏi thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm cho dù là theo quy định của BLDS 2005 hay BLDS 2015.
Ngân hàng không phải là bên nhận bảo đảm ngay tình và vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 163, “Bên nhận bảo đảm ngay tình là bên nhận bảo đảm trong trường hợp không biết và không thể biết về việc bên bảo đảm không có quyền dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Ngoài ra, tại điểm d khoản 2 Điều 22 Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 30/12/2016, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hang thì “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, việc quản lý, giám sát, theo dõi tài sản bảo đảm tiền vay phù hợp với biện pháp bảo đảm tiền vay, đặc điểm của tài sản bảo đảm tiền vay và khách hàng…”
Do đó, Ngân hàng hoàn toàn phải biết và buộc phải biết về việc bên thế chấp không có quyền dùng tài sản để thế chấp vì trường hợp này trong các hợp đồng mua bán tài sản có ghi nhận rõ về điều khoản bảo lưu quyền sở hữu. Ngân hàng phải có trách nhiệm kiểm tra các hợp đồng mua bán đối với các tài sản thế chấp trong tình huống minh họa. Và như vậy, trong hợp đồng mua bán của các bên đã có quy định cụ thể về điều khoản bảo lưu quyền sở hữu nên đương nhiên trong trường hợp này bên thế chấp chưa có quyền sở hữu đối với tài sản mang đi thế chấp. Do đó, Ngân hàng không thể được coi là bên nhận bảo đảm ngay tình trong tình huống minh họa. Nói cách khác, Ngân hàng không thẩm định tính hợp pháp của tài sản thế chấp là vi phạm quy định của pháp luật và đặc biệt là quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi cho rằng đây là vi phạm pháp luật cực kỳ nghiêm trọng và tạo tiền lệ rất xấu trong hoạt động của ngân hàng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tín dụng hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp đối với chủ sở hữu đã có bảo lưu quyền sở hữu.
Thế chấp bằng tài sản của người thứ ba
Một độc giả bình luận bài viết nêu quan điểm: “ Quy định tại khoản 1 Điều 295 BLDS năm 2015 là quy định chung đối với các biện pháp bảo đảm trong dân sự. Tuy nhiên, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, nếu pháp luật chuyên ngành quy định phải ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành, nếu pháp luật chuyên ngành không có quy định thì mới áp dụng các quy định chung. Đối với biện pháp bảo đảm thế chấp đã được quy định rõ ràng tại Điều 317 BLDS năm 2015: tài sản thế chấp phải thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Do đó, không thể áp dụng khoản 1 Điều 295 trong trường hợp này.” Nếu như đồng tình với quan điểm của tác giả, thì các trường hợp thế chấp bằng tài sản của người thứ 3 sẽ vô hiệu hết. Bởi, tài sản của người thứ 3 không phải là tài sản của bên thế chấp”.
Chúng tôi không đồng ý và xin đưa ra ý kiến trao đổi như sau:
Theo độc giả: “Nếu như đồng tình với quan điểm của tác giả, thì các trường hợp thế chấp bằng tài sản của người thứ 3 sẽ vô hiệu hết. Bởi, tài sản của người thứ 3 không phải là tài sản của bên thế chấp”.
Xét quan hệ thế chấp tài sản của bên thứ ba, tạm thời chưa bàn đến những ý kiến trái chiều về quan hệ này. Về bản chất, trong quan hệ thế chấp tài sản của bên thứ ba tồn tại đồng thời hai quan hệ:
- Một là, quan hệ bảo lãnh giữa bên vay tiền ngân hàng và bên có tài sản (thế chấp cho ngân hàng). Trong đó bên có tài sản cam kết bảo lãnh cho khoản vay tại ngân hàng của bên được bảo lãnh bằng tài sản của mình. Trường hợp bên vay tiền ngân hàng không trả được nợ thì bên bảo lãnh có nghĩa vụ trả nợ thay (Điều 335 BLDS năm 2015).
- Hai là, quan hệ thế chấp giữa ngân hàng với bên bảo lãnh. Trong đó, bên bảo lãnh dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để thế chấp cho ngân hàng. Bên bảo lãnh là bên thế chấp, ngân hàng là bên nhận thế chấp.
Do đó, cho dù thế chấp tài sản của bên thứ ba thì tài sản thế chấp cũng phải thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Và như vậy, nhận định của các tác giả Nguyễn Ngọc Anh Đào và Nguyễn Đức Tĩnh nêu trong bài viết là hoàn toàn chính xác.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi của chúng tôi về bài viết của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Anh Đào và Nguyễn Đức Tĩnh, mong nhận được các ý kiến trao đổi, đóng góp của các độc giả quan tâm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
2 Bình luận
Quynh Tho
01:06 26/12.2024Trả lời
Quynh
01:06 26/12.2024Trả lời