Trộm cắp tiền giả, tội gì?

Đối tượng đột nhập vào một gia đình để trộm cắp tài sản, lấy được 20 triệu đồng, nhưng sau đó xác định đó là tiền giả. Đối tượng phạm tội gì?

Khoảng 24g ngày 01/10/2018, thấy Nguyễn Văn A đang đi bộ trên đường Nguyên Hồng, Hà Nội có nhiều biểu hiện nghi ngờ nên tổ tuần tra Công an phường Y đã yêu cầu A dừng lại để kiểm tra giấy tờ tùy thân. Thấy vậy, A liền bỏ chạy, chạy được khoảng 300m thì bị bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, A khai nhận: Khoảng trước đó khoảng 4 giờ, A có đột nhập vào một gia đình trên đường Nguyên Hồng để trộm cắp tài sản. Sau khi đột nhập được vào nhà, A mở tủ đồ, các tủ quần áo và phát hiện có một bọc tiền giấu trong tủ quần áo trên tầng 2, A liền lấy tiền và ra khỏi nhà đó. Khi đang đi thì bị phát hiện, bắt giữ.

Bọc tiền mà A chiếm đoạt được, sau khi xác minh thì phát hiện toàn bộ số tiền đó gồm 100 tờ mệnh giá 200.000 đồng nhưng tất cả đều là tiền giả.

Xung quanh việc định tội danh đối với A, hiện có nhiều quan điểm khác nhau:

 Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tiền mà cơ quan Công an thu giữ được từ A là tiền giả. Do đó, A phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả theo quy định tại Điều 207 BLHS 2015[1].

Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Trong trường hợp này A phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015[2] mới chính xác.

 Quan điểm thứ ba cho rằng: Trong trường hợp này phải kết tội A về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 BLHS 2015[3].

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba, bởi lẽ:

Thứ nhất, để xác định A có phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả theo quy định tại Điều 207 BLHS 2015 hay không ta phải phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm của tội này, cụ thể:

 Về chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, bất cứ ai có năng lực hành vi và đến một độ tuổi nhất định theo quy định của BLHS 2015 thì đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

 Mặt khách quan của phạm tội: Đối với tội này bao gồm các hành vi khách quan sau: Làm tiền giả; Tàng trữ tiền giả; Vận chuyển tiền giả; Lưu hành tiền giả.

 Mặt chủ quan của tội phạm: Khi xác định một người có phạm tội này hay không bắt buộc phải chứng minh được họ thực hiện hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả với lỗi cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng chủ yếu vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng việc xác định động cơ phạm tội có ý nghĩa rất lớn đối với việc quyết định hình phạt. Người phạm tội vì trục lợi mà làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả nguy hiểm hơn nhiều so với người phạm tội biết là tiền giả nhưng vì tiếc của mà đem lưu hành ( thường là bị trả nhầm tiền giả sau đó mới biết nhưng vì tiếc của nên đem tiêu)…

 Về khách thể của tội phạm:Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tiền tệ.

 Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền tệ.

Như vậy, căn cứ vào việc phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo quy định tại Điều 207 BLHS 2015 đối chiếu với nội dung vụ việc nói trên có thể thấy, mặc dù A có hành vi vận chuyển 01 bọc tiền có tổng số 100 tờ mệnh giá 200 đồng được xác định là tiền giả. Nhưng trong trường hợp cụ thể này, A hoàn toàn không biết nó là tiền giả, A có hành vi chiếm đoạt số tiền giả này, nhưng trong nhận thức của A hoàn toàn không nghĩ rằng đây là tiền giả, hay nói cách khác, A cho rằng đây là tiền thật. Do đó, không đủ căn cứ để kết tội A phạm tội theo quy định tại Điều 207 BLHS 2015.

 Thứ hai, quan điểm thứ hai cho rằng trường hợp này A phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015. Tuy nhiên, Điều 105 BLDS 2015 quy định về tài sản như sau:  “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Như vậy, bọc tiền mà A chiếm đoạt là tiền giả, mà tiền giả thì không phải là tiền theo quy định tại Điều 105 BLDS 2015 nêu trên. Do đó, A không thể phạm tội trộm cắp tài sản.

Tóm lại, với các tình tiết vụ án nói trên, tác giả cho rằng A phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều 158 BLHS 2015.  Trường hợp này, không được sự đồng ý của chủ nhà nhưng A đã có hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Trên đây là các quan điểm khác nhau về việc kết tội đối với A. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của bạn đọc.

 

[1] Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

  1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
  3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
  4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
  5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

[2] Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

  1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
  2. a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
  3. b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  4. c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  5. d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
  6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
  7. a) Có tổ chức;
  8. b) Có tính chất chuyên nghiệp;
  9. c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
  10. d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

  1. e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
  2. g) Tái phạm nguy hiểm.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
  4. a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  5. b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
  6. c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
  7. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
  8. a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
  9. b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
  10. c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
  11. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

[3] Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

  1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
  2. a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
  3. b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
  4. c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
  5. d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.
  6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
  7. a) Có tổ chức;
  8. b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  9. c) Phạm tội 02 lần trở lên;
  10. d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

  1. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

[4]

NGA PHẠM