Từ các đại án kinh tế: Cân nhắc sửa đổi chế định về tổng hợp hình phạt
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế áp dụng với tội phạm. Tội phạm gây nguy hiểm ở mức độ nào thì hình phạt ở mức độ đó mới có tác dụng răn đe. Tuy nhiên, theo dõi các đại án gần đây, có những bị cáo gây ra nhiều vụ án, thất thoát trăm tỉ không có khả năng thu hồi, nhưng khi tổng hợp hình phạt cũng không thể xử án cao nhất. Có những bị cáo tội chồng tội, nhưng với quy định pháp luật về tổng hợp hình phạt trong một số trường hợp theo quy định của Bộ luật Hình sự, dù là nhân đạo, song dường như lại thiếu công bằng và chưa đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
Bất cập khi lượng hình một số bị cáo nhìn từ 3 đại án
1. Trong hai vụ án xảy ra tại PVP Land và PVC, bị cáo Trịnh Xuân Thanh được xác định đã tham ô số tiền gần 20 tỷ đồng. Theo đó, trong vụ án xảy ra tại PVC, bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người giữ vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, cùng Vũ Đức Thuận (cựu Tổng Giám đốc PVC) chỉ đạo thuộc cấp lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Ở vụ án này, Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt mức án chung thân về tội Tham ô tài sản.
Trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land), Thanh cũng bị kết tội Tham ô. HĐXX xác định bị cáo Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò chính vì khi đó bị cáo là Chủ tịch HĐQT PVC – cổ đông chiếm 28% cổ phần của PVP Land, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, bị cáo có vị trí quan trọng trong thương vụ chuyển nhượng mua bán cổ phần của PVP Land. Chính Trịnh Xuân Thanh là người chỉ đạo chuyển nhượng cổ phần với mức giá 34 triệu đồng/m2 đất trong khi bị cáo biết rất rõ giá thực tế tương đương 52 triệu đồng/m2 đất. Đặc biệt, khi chuyển nhượng thành công, Trịnh Xuân Thanh nhận 14 tỷ đồng “lại quả” trong tổng số 49 tỷ đồng mà các bị cáo chiếm đoạt.
Sau 2 phiên xử hai vụ án, mức án của Trịnh Xuân Thanh được công khai trước dư luận, mỗi vụ án Thanh gây ra, HĐXX tuyên phạt Thanh 1 án chung thân. Nhưng khi tổng hợp 2 bản án cũng chỉ có thể phạt Thanh 1 án tù chung thân. Thanh cũng là bị cáo hiếm hoi mà cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh được tội phạm tham ô nhận hối lộ, nhưng với quy định về tổng hợp hình phạt hiện nay, không thể xử Thanh mức án cao hơn được.
2. Theo tài liệu của vụ án, từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank chi nhánh TP HCM) vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành. Việc kinh doanh thua lỗ nên từ năm 2010, Như nảy sinh ý định lừa đảo bằng cách lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động tiền của các khách hàng. Như cùng đồng phạm đã làm giả 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký và lừa luôn lãnh đạo Vietinbank rồi dụ các tổ chức, cá nhân bằng việc đưa ra mức lãi suất cao để chiếm đoạt tổng cộng hơn 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân. Giai đoạn 1 xét xử, vào tháng 1/2014, TAND TP HCM đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm tù về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành ở giai đoạn 1 là án chung thân.
Trong giai đoạn 2 của vụ án, điều tra và tại tòa đã xác định với vai trò chủ mưu, Như đã thực hiện các hoạt động gian dối để chiếm đoạt tiền của các công ty. Hành vi này cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với Võ Anh Tuấn, bị cáo này thừa nhận cùng Như ra Hà Nội để huy động vốn vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Tuấn đã mặc nhiên giúp sức cho Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng. Dù Như và Tuấn không có chủ mưu, bàn bạc nhưng Tuấn đã mặc nhiên để Như xưng danh mình để chiếm đoạt tiền. Do vậy, Tuấn phải chịu trách nhiệm đồng phạm với Như về hành vi lừa đảo. Huyền Như có tình tiết giảm nhẹ nhưng do tái phạm. Ở giai đoạn này, TAND TP.HCM đã tuyên bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân. Như vậy, sau khi gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân hàng nghìn tỉ đồng, Huyền Như chỉ phải chịu án chung thân (sau khi tổng hợp các hình phạt).
3. Năm 2012, do kinh doanh thua lỗ, vốn chủ sở hữu bị âm gần 2.855 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 6.062 tỷ đồng nên Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) phải tái cơ cấu. Phạm Công Danh khi đó đã đứng ra điều hành, tái cơ cấu ngân hàng này với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 2013, Trustbank chính thức đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Đây cũng là con đường dẫn ông Danh đến vòng lao lý.
Trong 18 tháng điều hành, Phạm Công Danh cùng nhiều đồng phạm bị cáo buộc đã “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, gây thiệt hại của VNCB tổng cộng hơn 9.000 tỷ đồng. Trong đó có 5.490 tỷ đồng thiệt hại liên quan đến nhóm bà Trần Ngọc Bích (Gíam đốc Tân Hiệp Phát) và ông Trần Quí Thanh. Danh cùng đồng phạm bị truy cứu về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình xét xử tại tòa có đủ căn cứ xác định sau khi tiếp nhận ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đã đổi tên thành ngân hàng Xây Dựng (VNCB) và điều hành không hiệu quả khiến ngân hàng này lỗ nặng, buộc ngân hàng Nhà nước phải đặt VNCB dưới sự quản lý đặc biệt, mọi giao dịch trên 5 tỉ đồng phải báo cáo lại cho tổ giám sát. Tuy có tổ giám sát nhưng Danh vẫn thực hiện nhiều hành vi qua mặt tổ giám sát này để cùng các đồng phạm móc nối với các lãnh đạo ngân hàng TPBank, BIDV, Sacombank để vay tiền. Phan Thành Mai với vai trò tổng giám đốc VNCB được Danh giao cho nhiệm vụ cân đối các nguồn tiền của VNCB. Mai đã dùng nguồn tiền gửi từ thị trường 1 và dùng tiền này gửi tại các ngân hàng làm tài sản đảm bảo cho 29 khoản vay nhằm rút tiền ra khỏi VNCB. Trong vụ án trên, nhiều lãnh đạo ngân hàng khác cũng phải hầu tòa cùng Danh vì đã cho Phạm Công Danh vay tiền mà không có tài sản đảm bảo, chưa xác định phương án vay vốn, chưa xem xét hồ sơ vay vốn và không giám sát việc khách hàng sử dụng sai mục đích… gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB.
Phạm Công Danh bị xét xử trong 2 phiên tòa. Trong phiên tòa thứ 2, sau gần 2 tháng xét xử tòa mới tuyên án. Đây là vụ án kỷ lục trong lịch sử tố tụng Việt Nam về số tiền thiệt hại trong vụ án, bản kết luận điều tra dài 220 trang, cáo trạng dài 120 trang, 36 bị cáo hầu tòa, 45 luật sư tham gia tố tụng, 168 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Riêng Phạm Công Danh có 5 luật sư tham gia bào chữa.
Kết thúc phiên tòa, ông Danh bị tuyên mức án 20 năm tù. Tổng hợp hình phạt với giai đoạn 1 là 30 năm tù thì “chung cuộc” bị cáo Danh phải chấp hành hình phạt tù 30 năm tù (do mức án tù có thời hạn không quá 30 năm tù). Như vậy, Danh gây ra không chỉ 1 vụ án, phải chịu trách nhiệm về số tiền 9.000 tỷ đồng, nhưng các quan tòa cũng không thể tuyên án y mức phạt cao hơn.
Kiến nghị
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế áp dụng với tội phạm. Tội phạm gây nguy hiểm ở mức độ nào thì hình phạt ở mức độ đó mới đảm bảo tính công bằng và răn đe. Tuy nhiên, theo dõi các đại án gần đây, có những bị cáo gây ra nhiều vụ án, thất thoát trăm tỉ không có khả năng thu hồi, nhưng khi tổng hợp hình phạt cũng không thể xử án cao nhất (án tử). Có những bị cáo bị kết tội chồng tội, nhưng với quy định pháp luật về tổng hợp hình phạt trong một số trường hợp theo quy định của BLHS hiện nay, dù là nhân đạo, song dường như lại thiếu công bằng và chưa đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
Với quốc nạn tham nhũng hiện nay và với thực tế tội phạm kinh tế ngày càng tinh vi phức tạp gây ra những vụ lừa đảo, làm trái, thất thoát hàng trăm tỉ, khó có khả năng thu hồi…, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu sửa đổi BLHS theo hướng tăng mạnh các chế tài xử phạt tù đối với tội phạm kinh tế và tội phạm chức vụ. Có như vậy mới phát huy được tác dụng giáo dục, răn đe và trừng trị các quan tham không dám tham nhũng, không dám đục khoét, gây thất thoát tiền của, công sản.
Điều 31. Mục đích của hình phạt
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
phaply.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận