Từ ngày 1/10: Hàng không chính thức kích hoạt bay nội địa trở lại
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; trong đó ngành hàng không chính thức kích hoạt bay nội địa trở lại từ ngày 1/10.
Tần suất tăng dần theo 4 giai đoạn
Kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, vận tải hàng không nội địa sẽ được khai thác trở lại theo 4 giai đoạn, áp dụng với các địa phương đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày 1/10/2021), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) sẽ được khai thác trở lại bình thường.
Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, giai đoạn 2, các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.
Căn cứ tình hình dịch COvID-19 tại các địa phương, trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không, sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam quyết định điều chỉnh tần suất khai thác.
Bộ Giao thông Vận tải lưu ý, trong trường hợp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hoặc Bộ Y tế có quy định riêng thì thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hoặc Bộ Y tế.
Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát việc mở bán vé của hãng hàng không theo tần suất đã quy định.
Khách bay không cần xét nghiệm nếu đã tiêm 1 liều vaccine
Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, hành khách đi máy bay ngoài việc phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế sẽ phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
Tuy nhiên, với trường hợp khách đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng sẽ không cần phải xét nghiệm.
Đối với người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện (tổ bay), quy định chung là tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Các nhân viên này sẽ phải xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (cấp 2) và nguy cơ cao (cấp 3) phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần).
Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4), phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho hành khách sử dụng; yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển; vệ sinh, khử khuẩn đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều của phương tiện như tay nắm cửa, ghế ngồi... sau mỗi chuyến đi.
Nhân viên hàng không khác tham gia dây chuyền phục vụ chuyến bay có tiếp xúc trực tiếp với tổ bay, hành khách cũng được yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (cấp 2) và nguy cơ cao (cấp 3), các nhân viên này phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần) tuy nhiên không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng: Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ…
Ảnh: Bộ GTVT
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận