Tư Nghĩa – Quảng Ngãi: Giải quyết vụ việc dân sự đạt tỷ lệ 71,5% hòa giải thành
6 tháng đầu năm 2018, Tòa án huyện Tư Nghĩa thụ lý 178 vụ việc, trong đó chỉ có 15 vụ án hình sự nhưng có đến 107 vụ án hôn nhân – gia đình, còn lại là các loại án khác. Giải quyết vụ việc dân sự đạt tỷ lệ 71,5% hòa giải thành. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác hòa giải các vụ án hôn nhân - gia đình để lại nhiều trăn trở cho các Thẩm phán.
Tư Nghĩa là huyện là huyện đồng bằng ven biển nằm ở vùng trung tâm của tỉnh, bao quanh thành phố Quảng Ngãi, có 16 xã và hai thị trấn. Trừ các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Thọ ở vùng núi (đồng bào người Hrê sinh sống), các xã còn lại đều có mật độ dân số rất cao, có 12 xã, thị trấn mật độ từ trên 1.000 người/km2, thị trấn Sông Vệ (chủ yếu sinh sống bằng công – thương nghiệp) và xã Nghĩa An (vùng ven biển) cao vượt trội, lên trên 3.000 và 5.000 người/km2.
Tư Nghĩa ở vùng trung tâm tỉnh Quảng Ngãi, có vùng núi, đồng bằng, có biển và cửa biển, có Quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất chạy qua, là những điều kiện thuận lợi để có thể phát triển kinh tế với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của Tư Nghĩa, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 73,4% trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 14,3% và thương mại – dịch vụ chiếm 12,3% tổng giá trị. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 9%/năm.
Trong điều kiện kinh tế, xã hội như vậy, những năm qua các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình xảy ra nhiều. Chánh án Đỗ Tài Tính cho hay: 6 tháng đầu năm 2018, Tòa án huyện Tư Nghĩa thụ lý 178 vụ việc, trong đó chỉ có 15 vụ án hình sự nhưng có đến 107 vụ án hôn nhân – gia đình, còn lại là các loại án khác. Giải quyết vụ việc dân sự đạt tỷ lệ 71,5% hòa giải thành.
Năm 2017, Tòa án Tư Nghĩa cũng chỉ có 27 vụ án hình sự, nhưng có đến 98 vụ dân sự, 15 vụ kinh doanh thương mại, 152 vụ án hôn nhân – gia đình… Trong các vụ án dân sự, hôn nhân – gia đình thì hòa giải thành chiếm 63,5%. Năm 2016 có 37 vụ hình sự, 66 vụ dân sự, 164 vụ hôn nhân – gia đình.
Vì vậy, công tác giải quyết án dân sự, hôn nhân – gia đình luôn luôn là trọng tâm, chiếm tỷ lệ khá cao trong công tác xét xử của Tòa án huyện Tư Nghĩa, nên các Thẩm phán luôn đề cao nguyên tắc tăng cường hòa giải để giải quyết mâu thuẫn.
Ông Tính nói: “Mỗi vụ án dân sự chúng tôi đều tìm cách hòa giải thật tốt để giải tỏa mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, vì quyền lợi của các đương sự. Đối với án hôn nhân – gia đình hòa giải để hàn gắn rạn nứt tình cảm, cứu vãn cuộc hôn nhân của họ; trường hợp không thể hàn gắn được thì Thẩm phán cũng kiên trì hòa giải, phân tích thiệt hơn trên cơ sở pháp luật để họ thuận tình ly hôn, tránh những căng thẳng để lại dư âm không hay cho họ cũng như con cái, gia đình. Do đó, có nhiều vụ án Thẩm phán phải gặp gỡ các bên nhiều lần. Dù mệt nhưng khi hòa giải thành một vụ án ai cũng rất vui”.
Nói về lý do ly hôn trong các vụ án hôn nhân – gia đình, Chánh án Đỗ Tài Tính cho biết khá đa dạng, trước hết là kinh tế khó khăn dẫn đến mâu thuẫn; rồi chồng lười biếng, bê tha rượu chè, không chịu làm việc để có thu nhập; một số ít vụ án có nguyên nhân ngoại tình. Điều đáng suy nghĩ nhất là có nhiều vụ án nguyên nhân ly hôn quá đơn giản, mâu thuẫn không đến mức trầm trọng mà tan vỡ một gia đình.
Mới đây, có cặp vợ chồng ly hôn chỉ vì chồng đi làm về nhưng không đưa tiền cho vợ dẫn đến cãi vả và xin ly hôn. Hay một vụ khác, chồng muốn mua xe máy mới, vợ không đồng ý, không đưa tiền, thế là xin ly hôn… Những vụ này rất tiếc là họ đã thuận tình ly hôn nên Thẩm phán đành phải ra quyết định, mà thâm tâm thì rất tiếc cho họ. “Nếu xét xử thì chúng tôi sẽ không cho ly hôn” – Chánh án Đỗ Tài Tính nói.
Chánh án Đỗ Tài Tính trăn trở và chia sẻ: Chúng ta cũng cần phải nhìn lại vấn đề khuyến khích trong công tác hòa giải theo qui định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện nay. Hôn nhân là một loại vụ việc có tính đặc thù. Với gia đình là nền tảng của xã hội. Việc hòa giải đoàn tụ mới đáng phát huy còn việc hòa giải là ghi nhận sự tự nguyện cho ly hôn và hòa giải thành hoặc yêu cầu công nhận sự ly hôn thủ tục lại tương đồng với các vụ việc dân sự thuần túy khác là điều cần đáng suy nghĩ lại. Nếu các đương sự đến yêu cầu ly hôn nhưng căn cứ để ly hôn quá đơn giản nhưng họ điều có nguyện vọng thì Tòa án cũng phải cho ly hôn.
Hiện nay, căn cứ cho ly hôn dựa theo Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn. Và Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được những yếu tố này là do ý chí chủ quan của Thẩm phán đánh giá.
Đồng tình với Chánh án Đỗ Tài Tính, Thẩm phán Trương Thanh Hòa cũng chia sẻ: Chúng ta cần nhìn nhận lại công tác giải quyết, xét xử đối với vụ án hôn nhân gia đình, không nên đồng nhất thủ tục này với thủ tục của một vụ án dân sự thông thường như Chánh án đã phân tích. Chúng ta cần phải “Bảo vệ gia đình” là yếu tố cần quan tâm chứ không phải “Giải quyết” nhanh hay hòa giải ghi nhận thuận tình ly hôn nhanh chóng. Trước đây, ở Miền Bắc VN, thủ tục ly hôn phải khó khăn hơn các thủ thục giải quyết vụ việc dân sự thông thường nhằm để làm rào cản và gây khó khăn cho đương sự để mục tiêu là bảo vệ gia đình như bắt buộc phải hòa giải ở cơ sở là điều kiện để khởi kiện. Hay, ở Miền Nam VN trước đây, Sắc Luật số 64 có qui định: Thủ tục ly hôn được qui định tại từ Điều 65 đến 85. Thủ tục ly hôn được chia ra làm hai giai đoạn, như trong bộ Dân Luật của Pháp đó là: Giai đoạn hoà giải tiếp diễn trước Chánh án và giai đoạn phán xử tiếp diễn tại Toà án như các vụ kiện khác.
Ở giai đoạn hoà giải trước Chánh án, vai trò của Chánh án rất quan trọng. Khi nhận đơn ly hôn, Chánh án phải giảng giải để làm sao cho nguyên đơn thôi kiện. Nếu không được, Chánh án phải tiến hành bước hoà giải cho hai vợ chồng để đoàn tụ. Nếu tiếp tục không có kết quả thì sẽ là giai đoạn phân xử tại Toà án theo các qui tắc thông thường của một vụ kiện. Tóm lại là gây sự khó khăn về thủ tục cho đương sự nhằm bảo vệ gia đình. Tuy nhiên, Luật hôn nhân gia đình năm 2000 và hiện hành đã bỏ thủ tục này, bỏ quy định hoà giải cơ sở là bắt buộc, cũng đồng nghĩa với với việc pháp luật đã xoá bớt rào cản kỹ thuật, việc ly hôn sẽ được giải quyết nhanh chóng và gia đình sẽ tan vỡ nhanh hơn.
Đây là một trong những vấn đề cần suy ngẫm lại trong qui định của pháp luật hiện hành liên quan đến ly hôn.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết năm thi đua 2018, Tòa án huyện Tư Nghĩa đang đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, không để án tồn đọng quá hạn luật định, hạn chế đến mức thấp nhất ản bị hủy, cải sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Về hình sự, mục tiêu cao nhất là không kết án oan người không phạm tội và không bỏ lọt tội phạm. Về án dân sự, án hôn nhân – gia đình thì nâng cao chất lượng hòa giải thành theo Chỉ thị 03/2017/CT-CA của Chánh án TANDTC.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận