Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
Chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma tuý
Sáng 3/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung chuẩn bị trình Quốc hội. Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng chống tội phạm m tuý
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày tóm tắt Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nêu rõ, tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta. Tình hình ma túy ở trong nước diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc chiếm tỷ lệ đa số (chiếm 83,7%).
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày tóm tắt Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Do đó, Chương trình nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 trên các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý.
Các đại biểu tại phiên họp.
Bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật về ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, cần đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.
Hỗ trợ cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng
Về giải pháp thực hiện Chương trình, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, về cơ chế, chính sách, cần có cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện một số hoạt động, cụ thể: Hỗ trợ trực tiếp cho cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng, triển khai mô hình tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trực tiếp xây dựng, tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình quản lý, phòng ngừa tái nghiện và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma tuý. Xây dựng cơ chế đặc thù về nội dung chi, mức chi trong xây dựng, tổ chức triển khai mô hình, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma tuý tại các địa phương.
Các đại biểu dự phiên họp.
Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2025 đến hết năm 2030, trong đó, năm 2025 thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình. Giai đoạn 2026 - 2030 triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, với đối tượng thụ hưởng bao gồm: người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý; các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan: chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; cộng đồng người dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan. Chương trình gồm 9 Dự án, 6 Tiểu dự án do 8 bộ, ngành chủ trì.
Giải pháp thực hiện phù hợp bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã nêu tại tờ trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình báo cáo thẩm tra.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá tính phù hợp của Chương trình với Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và hệ thống quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; phân tích các mục tiêu cụ thể và đề ra giải pháp thực hiện phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động của các Chương trình mục tiêu để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực các nội dung, hoạt động, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị làm rõ giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra của Chương trình, cơ cấu vốn các dự án thành phần, cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp cho các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối ngân sách và có tính chất phức tạp về ma tuý; căn cứ xác định tỷ lệ vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương; sự phù hợp giữa việc bố trí vốn của Chương trình với dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Về thời gian thực hiện Chương trình, Ủy ban Xã hội thấy rằng, thời gian thực hiện Chương trình theo đề xuất của Chính phủ là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bảo đảm việc bố trí nguồn lực dự kiến 65,1 tỷ đồng cho năm 2025 phù hợp với dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, bảo đảm tính khả thi về thời gian, nhiệm vụ thực hiện Chương trình.
Bố trí, huy động nguồn vốn hợp lý để thực hiện hiệu quả Chương trình
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư Chương trình với những căn cứ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”, từng bước thể chế hóa và tổ chức thực hiện nhằm đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy vào cuộc sống; góp phần bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường ổn định, an toàn, lành mạnh; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, phòng chống ma túy là công tác rất quan trọng, vì ma túy là nguồn gốc của nhiều tệ nạn, nhiều loại tội phạm nguy hiểm, hơn thế nữa, nó còn gây ảnh hưởng đến nòi giống, an sinh xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cả đất nước. Hiện nay, ma túy đang có rất nhiều chủng loại, dạng thức, trong đó có những loại rất mới, khó kiểm soát, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, số vốn đề xuất chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia này còn hạn chế, cần cân nhắc, tính toán kỹ để sử dụng hợp lý, chi cho những nhiệm vụ thật trọng tâm, đảm bảo đem lại hiệu quả lớn.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần sớm rà soát những vướng mắc, bất cập, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính cùng các thông tư, nghị định của các bộ để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, giúp công tác phòng, chống ma túy được thực hiện thuận lợi, nhất quán.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng. Trong thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy đã có hành động quyết liệt, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số liệu cho thấy tình trạng nghiện ma túy vẫn còn đáng báo động. Tại các diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và phân tích kỹ lưỡng vấn đề này, việc xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy trong thời điểm này sẽ đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần làm rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp triệt để, căn cơ, dài hạn, triệt để phòng ngừa ma túy, thắt chặt kiểm soát tại các điểm nóng, các khu dịch vụ giải trí. Đồng thời, trong xây dựng Chương trình, cần cân nhắc việc đặt chỉ tiêu hợp lý để đảm bảo hành động đáp ứng được kỳ vọng, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần rà soát thận trọng, loại trừ những trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác đang thực hiện. Áp dụng kinh nghiệm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trước đây, cần nghiên cứu kỹ cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ ngành để đảm bảo gọn đầu mối, giảm số lượng văn bản hướng dẫn, tăng cường phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu quả thực thi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận nội dung họp.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, sự chủ động tích cực của Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình, cơ bản bảo đảm các yêu cầu của Luật Đầu tư công. Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, tổ chức thẩm tra nghiêm túc, kỹ lưỡng. Báo cáo thẩm tra đã nêu nhiều ý kiến cụ thể, chi tiết, xác đáng về các nội dung của Chương trình. Trước những diễn biến của tội phạm ma túy và những hậu quả của hiểm họa khôn lường liên quan đến sức khỏe giống nòi, an ninh quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của Chương trình, cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương tiếp thu ý kiến tối đa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp thẩm tra, tiếp tục hoàn thiện Chương trình và dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội nghiên cứu, thảo luận trong thời gian tới.
Theo CTTCP
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận