Vai trò của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước, có vai trò quan trọng, đặt nền móng cho ngành công nghiệp lọc hoá dầu và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với vai trò quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước - Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) mang trong mình khát vọng tiên phong với nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam. Trong những năm qua, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất luôn hoạt động liên tục, an toàn, ổn định ở công suất tối ưu; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu xăng dầu trong nước. Để có được thành tựu đó, tập thể Ban lãnh đạo, người lao động Công ty đã áp dụng nhiều giải pháp từ sản xuất, bảo dưỡng, đặc biệt áp dụng nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất kinh doanh.
Vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục ở công suất tối ưu
Nếu lấy công suất của phân xưởng CDU làm căn cứ công suất toàn Nhà máy thì phân xưởng này đã và đang hoạt động tối ưu nhất. Năm 2021, công suất trung bình của CDU là 100%, thì đến năm 2022 đạt 108%. Năm 2023, phân xưởng CDU hoạt động ở công suất 111%, tức NMLD Dung Quất hoạt động ở 111% công suất. Trong 6 tháng đầu năm 2024, NMLD Dung Quất đã thử nghiệm thành công tăng công suất phân xưởng CDU lên 118%, RFCC lên 110%, KTU lên 140% công suất thiết kế; thử nghiệm chế biến dầu thô mới Bunga Orkid với 20%vol và sản xuất thành công 500 tấn sản phẩm mới hạt nhựa PP định hình nhiệt TF4035. Chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (EII) của Nhà máy đã thấp hơn 100% lần đầu tiên kể từ khi đi vào vận hành, cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của BSR trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất và tiết kiệm năng lượng.
Toàn cảnh NMLD Dung Quất
Song song với công tác bảo đảm vận hành an toàn Nhà máy, việc cải tiến công tác quản trị, kiểm soát rủi ro cũng được BSR liên tục triển khai, trong đó cải tiến quy trình nhận diện và đánh giá rủi ro để bảo đảm khả năng “nhận diện từ sớm, xử lý từ xa” tất cả các yếu tố kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành; xây dựng hồ sơ quản lý rủi ro cho các hạng mục có mối nguy ảnh hưởng đến an toàn, gián đoạn vận hành của Nhà máy; chuẩn bị đủ nguồn lực sẵn sàng xử lý mọi mối nguy trong thời gian ngắn nhất.
Mục tiêu ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm an toàn vận hành cho NMLD Dung Quất là bảo đảm độ tin cậy thiết bị. Trong 3 năm qua, công tác kiểm tra toàn diện thiết bị đã được triển khai sâu rộng với 6.896 thiết bị và đường ống trên tổng số 7.030 điểm, thiết bị cần kiểm tra. Trong số các điểm, thiết bị cần kiểm tra, đã hoàn thành 100% đối tượng kiểm tra ăn mòn dưới lớp bảo ôn (CUI). Đã phát hiện và sửa chữa kịp thời nhiều vị trí thiết bị bị ăn mòn nặng để bảo đảm tính toàn vẹn cơ khí.
Công tác đánh giá nâng cao độ tin cậy cũng được đặc biệt chú trọng, bảo đảm mức độ sẵn sàng hoạt động của thiết bị trong Nhà máy đạt đến 95,6%. Đây là tỷ lệ ngang với nhóm các nhà máy tiên tiến trên thế giới. Trong đó, BSR đã áp dụng 100 giải pháp để cải tiến, nâng cao độ tin cậy thiết bị trong nhà máy.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và tiết giảm năng lượng
BSR đã ghi dấu ấn đặc biệt trong công tác tối ưu hóa công nghệ, tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa nguồn dầu thô, phát triển sản phẩm mới. Về nguyên liệu, từ năm 2020 đến nay, BSR đã đánh giá và bổ sung 19 loại dầu thô mới vào rổ dầu của Nhà máy, nâng tổng số dầu thô có thể chế biến lên con số 83. BSR đã chế biến được 32 loại dầu thô, trong đó có 9 loại dầu thô trong nước và 23 loại dầu thô nhập khẩu. Đồng thời, đã nhập 2 loại nguyên liệu mới là Residue, VGO qua Jetty và SPM để chế biến thành công tại Phân xưởng RFCC. Việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đã giúp BSR tiếp cận nguồn nguyên liệu thay thế, phối trộn với dầu thô Bạch Hổ và các loại dầu tương đương, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mua được các loại dầu có giá rẻ hơn dầu thô trong nước.
BSR có lực lượng lao động lành nghề, có tay nghề cao, đam mê nghiên cứu khoa học
Bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, BSR cũng rất chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm mới mà thị trường đang có nhu cầu, giá cao. Cụ thể, 3 loại nhiên liệu đặc chủng dành cho quốc phòng (Jet A-1K, dầu DO L-62, xăng RON 83); 1 loại dầu T-LCO dùng làm nguyên liệu hóa dầu; 1 chủng loại Mixed C4 làm nguyên liệu hóa dầu/sản xuất xăng Alkylat (đã xuất bán thử nghiệm lô đầu tiên) và các sàn phẩm hạt nhựa PP mới (F3030, TF4035, GP4046).
Theo thiết kế ban đầu của NMLD Dung Quất, cấu tử Mixed C4 được dùng để phối trộn sản phẩm xăng và LPG. Nhận thấy cơ hội gia tăng giá trị và đa dạng hóa sản phẩm cho công ty, từ năm 2019, BSR đã tiến hành nghiên cứu đánh giá và sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm Mixed C4. BSR đã xuất bán thành công 2.000 tấn sản phẩm mới Mixed C4 cho Công ty Marubeni tại cảng xuất xuất sản phẩm của NMLD Dung Quất. Sản phẩm Mixed C4 dùng cho mục đích sản xuất hóa dầu, hóa chất hoặc sản xuất xăng Alkylate có chất lượng và giá trị cao.
Thành công của BSR trong việc phát triển sản phẩm mới Mixed C4 có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt, tiếp cận được với thị trường ngách giúp Công ty gia tăng lợi nhuận. Đây cũng là dấu mốc quan trọng góp phần vào chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của BSR, khẳng định sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia, kỹ sư của BSR trong quá trình làm chủ công nghệ, phát triển sản phẩm mới.
BSR đã nhận diện được các khó khăn, cũng như tận dụng các cơ hội để duy trì sản xuất ổn định và phát triển bền vững trong tương lai. BSR đã và đang xây dựng các đề án, chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ dài hạn; thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, làm việc với các nhà cung cấp bản quyền công nghệ, các đơn vị tư vấn để nghiên cứu, tối ưu hóa công nghệ, nâng cấp chất lượng, đa dạng hóa nguyên liệu, phát triển thêm các sản phẩm mới nhằm nâng cao hiệu quả của Công ty.
BSR cũng đẩy mạnh công tác tiết kiệm năng lượng với nhiều giải pháp kỹ thuật giúp cải thiện rõ rệt hiệu quả sử dụng năng lượng trong toàn Nhà máy. Cụ thể, chỉ số năng lượng EII, đặc trưng cho hiệu quả sử dụng năng lượng của Nhà máy, giảm đáng kể từ mức 111% trong năm 2016 xuống mức 104-106% trong các năm 2020-2023. Theo báo cáo đánh giá của Tổ chức Solomon năm 2018, giảm được 1% chỉ số EII tương đương tiết kiệm được khoảng 2,6 triệu USD/năm.
Từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành đến nay, BSR đã chế biến trên 100 triệu tấn dầu thô; sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 91 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước; tổng doanh thu đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước gần 224 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD), gấp 3 lần mức đầu tư. BSR đã đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận của Petrovietnam và ngân sách tỉnh Quảng Ngãi. BSR cũng thể hiện vai trò quan trọng là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ liên quan đến nguồn cung xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng.
Động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi
Trải qua 16 năm hình thành và phát triển, BSR đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Kết quả qua từng năm của BSR cho thấy tầm nhìn, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng NMLD Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi.
Sự lớn mạnh của BSR không chỉ được thể hiện trong ngành Dầu khí mà còn là vị thế đứng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2023, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 4 trong Top 500 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam và được tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+ với “Triển vọng ổn định”.
Nhập dầu thô cho NMLD Dung Quất
BSR không chỉ khẳng định là doanh nghiệp hàng đầu của Petrovietnam mà còn là doanh nghiệp chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi. Kể từ khi đưa vào hoạt động, NMLD Dung Quất đã có nhiều tác động lớn đến kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây Nguyên như góp phần phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng; liên kết ngành, vùng, hỗ trợ phát triển du lịch, dịch vụ; logistics, vận tải hàng hóa và kinh tế biển; phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp phụ trợ gắn với các sản phẩm lọc hóa dầu, năng lượng; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài;...
Khu kinh tế Dung Quất đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của NMLD Dung Quất. Hiện nay, trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi có khoảng 350 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 380,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 54 dự án nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD và 296 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 337 nghìn tỷ đồng. Có 197 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 63 nghìn lao động và BSR là doanh nghiệp lớn nhất - là cực nam châm tăng trưởng cho kinh tế tỉnh Quảng Ngãi và thu hút đầu tư.
Khi chọn Dung Quất là nơi đặt NMLD đầu tiên của đất nước, Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao cho BSR những nhiệm vụ rất quan trọng, đó là góp phần tự chủ nguồn cung xăng dầu cho đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội. Trong suốt quá trình hoạt động, BSR đã luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, khẳng định vị trí quan trọng trong sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.
Xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia là nhiệm vụ chính trị
Ngày 03/11/0222, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Nghị quyết 26-NQ/TW là “kim chỉ nam” hành động để các Ban, Bộ, ngành định hướng việc cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ nhiệm vụ “mở rộng và xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất”. Đây là một quyết sách rất quan trọng của Bộ Chính trị cũng thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi; việc xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia ở đây sẽ tạo đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi với hạt nhân là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cảng xuất sản phẩm NMLD Dung Quất
Để thực hiện các mục tiêu trên, BSR đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất và quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để tiếp tục đạt được những thành tựu trên chặng đường phát triển mới. Chiến lược phát triển của BSR đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là xây dựng và phát triển BSR - đóng vai trò nòng cốt trong việc hình thành Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nộp ngân sách Nhà nước; đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của Petrovietnam và đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Mô hình tăng trưởng mới của BSR trong thời gian tới sẽ lấy lọc hóa dầu là nền tảng với sự đột phá về kinh doanh và đầu tư.
Thực hiện thành công dự án NCMR Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, BSR sẽ nâng tổng công suất chế biến, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến để đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài, giúp tối ưu hóa chi phí đầu vào, bảo đảm khả năng cạnh tranh và nâng cao tiêu chuẩn môi trường của sản phẩm (EURO V).
Sau 16 năm hình thành và phát triển, đến thời điểm hiện tại, BSR đã có được đội ngũ nhân sự hơn 1.500 người có trình độ, chuyên môn cao trong lĩnh vực lọc hoá dầu. Đến nay, chỉ còn khoảng 10 chuyên gia nước ngoài (trước kia 200 chuyên gia) và 17 nhân sự người Việt Nam được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hoá dầu đang làm việc tại BSR. Đây được xem là bước phát triển vững mạnh, khẳng định người lao động Việt Nam, nhân sự của BSR đã làm chủ công nghệ lọc hoá dầu, đảm bảo cho việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Qua đó, có thể nói NMLD Dung Quất đã tạo lập nền móng ban đầu cho tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế. Bên cạnh đó còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Việc hình thành Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất được đánh giá sẽ đem lại nhiều lợi ích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế, xã hội, dịch vụ cho tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thật vậy, trong những năm qua, cùng với sự đi lên của kinh tế đất nước, KKT Dung Quất được đánh giá có các tiềm năng về cơ sở hạ tầng cho việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu với cảng nước sâu Dung Quất thuận tiện cho vận tải đường hàng hải, có diện tích kho bãi lớn nhất so với các cảng biển tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với diện tích 45,3ha. Bên cạnh đó, tại đây còn có tuyến quốc lộ 1A đi qua 5 tỉnh thành của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (chiều dài 445km) đi qua địa phận Quảng Ngãi dài 98km; các tuyến đường cao tốc như tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định dự kiến đưa vào khai thác năm 2025. Ngoài ra, tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh hiện đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, để đưa vào khai thác.
KKT Dung Quất có quy mô diện tích khoảng 45.332 ha, trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33.581 ha, đảo Lý Sơn 1.492 ha và diện tích mặt nước khoảng 10.711 ha. KKT Dung Quất được định hướng phát triển, cơ cấu phân khu chức năng toàn khu kinh tế được theo 5 phân khu chức năng chính là phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất và phân khu đô thị Lý Sơn.
Trong thời gian đến, để hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, BSR cần tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án hoá dầu, sau hoá dầu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần khẳng định sự phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng quốc gia.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận