Vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản - Vấn đề pháp lý đặt ra
Bài viết trao đổi về vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản - vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc bảo quản vật chứng và đề xuất hoàn thiện pháp luật nâng cao hiệu quả thi hành trong thực tiễn.
1. Quy định về vật chứng trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung các năm 2017 và 2021)
Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung các năm 2017 và 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) quy định: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định phân loại thành các nhóm vật chứng, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo quản từng loại vật chứng cụ thể.
Đối với vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “...cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản”[1].
Trước hết, cần xác định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là cơ quan nào? Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được xác định gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cụ thể là: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các cơ quan của Bộ đội biên phòng, các cơ quan của Hải quan, các cơ quan của Kiểm lâm, các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan của Kiểm ngư, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Trở lại quy định tại điểm c khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chủ thể giao vật chứng là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như đã xác định ở trên và chủ thể nhận bảo quản vật chứng là chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng, là những cơ quan, tổ chức, cá nhân có điều kiện thích hợp để bảo quản vật chứng trong việc giao, nhận vật chứng để bảo quản trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào. Tương tự như vậy, điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng xác định cơ quan có trách nhiệm bảo quản là Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác có trách nhiệm bảo quản vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng. Như vậy, đối với loại vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản và một số loại vật chứng đặc thù nêu trên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trong việc bảo quản vật chứng.
Phân biệt với vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản và một số loại vật chứng đặc thù khác, điểm đ khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Vật chứng đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan THADS có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án”. Như vậy, đối với vật chứng đưa về cơ quan có thẩm quyền tố tụng bảo quản thì cơ quan THADS có trách nhiệm trong việc bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án; trước đó, trong giai đoạn điều tra, truy tố, một số cơ quan điều tra có trách nhiệm bảo quản vật chứng theo quy định.
Cùng với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật, cùng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng có các quy định về phân loại vật chứng và trách nhiệm bảo quản vật chứng của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Qua rà soát các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho thấy, có sự chưa thống nhất giữa các văn bản này cũng như việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản.
Thứ nhất, về tên gọi vật chứng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản (khoản 1 Điều 90). Trong khi đó, Luật Thi hành án dân sự quy định là vật chứng không thể vận chuyển, di dời để bảo quản tại kho của cơ quan THADS (khoản 2 Điều 122); Quy chế quản lý kho vật chứng[2] quy định vật (vật chứng) không thể di chuyển về kho vật chứng (khoản 1 Điều 8); Quyết định số 1478/QĐ-TCTHADS ngày 27/12/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự về việc ban hành Quy trình tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự lại xác định “vật chứng không thể vận chuyển, di chuyển về kho vật chứng”[3]. Mặc dù tên gọi vật chứng được quy định tại các văn bản là khác nhau nhưng có lẽ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện pháp luật cơ bản đều hiểu thống nhất là cùng một loại vật chứng.
Thứ hai, về phân loại vật chứng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 phân loại rõ ràng, cụ thể giữa vật chứng đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo quản, vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản và một số loại vật chứng có tính đặc thù khác. Mặc dù, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác cơ bản căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để phân loại vật chứng nhưng cách phân loại vật chứng theo tại các văn bản này chưa rõ ràng như quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và chưa hoàn toàn thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Cụ thể là, Luật Thi hành án dân sự chỉ có quy định về vật chứng không thể vận chuyển, di dời về bảo quản tại kho của cơ quan THADS và vật chứng “có thể” tiếp nhận, bảo quản tại kho của cơ quan THADS (Điều 122). Bên cạnh đó, Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong THADS (Thông tư số 01/2017/TT-BTP) quy định vật chứng được phân loại thành vật chứng chủ yếu vẫn được bảo quản tại kho vật chứng của cơ quan THADS, vật chứng không thể bố trí bảo quản tại cơ quan THADS và nhóm các loại vật chứng đặc thù khác, chẳng hạn như vật chứng là tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, động vật, thực vật và các vật chứng khác liên quan đến lĩnh vực y tế cần có điều kiện bảo quản đặc biệt. Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP) thì phân chia vật chứng làm hai loại là vật chứng đi kèm theo hồ sơ vụ án và vật chứng không đi kèm theo hồ sơ vụ án (khoản 2 Điều 36).
Thứ ba, về trách nhiệm bảo quản vật chứng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, đối với vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (không bao gồm cơ quan THADS như pháp luật đã xác định) có trách nhiệm giao vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản cho cơ quan, tổ chức có điều kiện thích hợp đã được xác định tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để bảo quản. Bên cạnh đó, Quy chế quản lý kho vật chứng[4] cũng loại trừ vật (vật chứng) không thể di chuyển về kho vật chứng ra khỏi quy định vật chứng phải lưu giữ, bảo quản tại kho vật chứng như đối với các loại vật chứng thông thường khác; trường hợp vật chứng không thể di chuyển về kho vật chứng khi đã được giao cho cơ quan, tổ chức hoặc người có trách nhiệm bảo quản thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trái lại, Luật Thi hành án dân sự cũng như các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự thì quy định cơ quan THADS có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản tất cả các loại vật chứng, cụ thể, cơ quan THADS sẽ tiếp nhận vật chứng tại kho vật chứng của cơ quan THADS (đối với vật chứng phải được bảo quản tại kho vật chứng của cơ quan THADS) hoặc tại nơi gửi, giữ hoặc nơi có tài sản (đối với vật chứng không thể vận chuyển, di dời về kho vật chứng của cơ quan THADS để bảo quản). Thủ trưởng cơ quan THADS hoặc người được thủ trưởng cơ quan THADS ủy quyền, kế toán nghiệp vụ, thủ kho vật chứng tổ chức tiếp nhận, bảo quản vật chứng (kể cả vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản).
Tương tự như vậy, Thông tư số 01/2017/TT-BTP quy định đối với vật chứng, tài sản tạm giữ không thể di chuyển về kho vật chứng, đã được giao cho cơ quan, tổ chức hoặc người có trách nhiệm bảo quản theo quy định của pháp luật thì thủ trưởng cơ quan THADS ký hợp đồng thuê trông giữ, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Cũng liên quan đến trách nhiệm bảo quản vật chứng, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định, đối với vật chứng không đi kèm hồ sơ vụ án thì khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vật chứng đến cơ quan THADS cùng cấp nơi Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án, cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện thủ tục bàn giao vật chứng cho cơ quan THADS theo quyết định chuyển giao vật chứng của Viện kiểm sát. Quy định này hướng dẫn quy định có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhưng lại chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 khi “gián tiếp” quy định trách nhiệm của cơ quan THADS tiếp nhận vật chứng để bảo quản khi Viện kiểm sát ra quyết định chuyển giao vật chứng, bao gồm cả vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản.
Những quy định nêu trên chưa thực sự bảo đảm tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật và trong quá trình thực hiện pháp luật vô hình trung đã “buộc” những người được giao khi được nhiệm vụ quản lý kho vật chứng (thủ trưởng cơ quan THADS hoặc người được thủ trưởng cơ quan THADS ủy quyền, kế toán nghiệp vụ, thủ kho vật chứng), thực hiện nhiệm vụ bảo quản vật chứng được lưu giữ trong kho vật chứng nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của cả những vật chứng không được bảo quản tại kho vật chứng. Trong trường hợp vật chứng bị mất mát, hư hỏng, bị sử dụng trái phép, bị chuyển nhượng, đánh tráo… thì rủi ro pháp lý sẽ thuộc về cơ quan THADS và các cán bộ có liên quan của cơ quan THADS (thủ trưởng cơ quan THADS hoặc người được thủ trưởng cơ quan THADS, kế toán nghiệp vụ, thủ kho vật chứng). Theo quy định tại khoản 2 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những người này có thể bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo quản vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản
Sự chưa thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như đã nêu ở trên không chỉ dẫn đến sự lúng túng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản mà còn dẫn đến bất cập trong thực tiễn hiện nay khi cơ quan THADS không phải là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nên không có thẩm quyền giao vật chứng cho cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo quản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không có điều kiện bảo quản vật chứng do tính đặc thù của vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản và quan trọng nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định trách nhiệm của cơ quan THADS trong việc bảo quản vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản.
Để bảo đảm sự thống nhất của các quy định pháp luật về tiếp nhận, bảo quản vật chứng không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản cũng như khắc phục bất cập từ thực tiễn trong việc tiếp nhận, bảo quản vật chứng thì cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến việc tiếp nhận, bảo quản vật chứng không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản. Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật này cần dựa nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tính hợp pháp, tính hợp lý, tính khả thi của các quy định được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:
Thứ nhất, cần bảo đảm sự thống nhất về tên loại vật chứng và cách phân loại vật chứng trong các văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, cần tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi hành án dân sự, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự theo hướng bám sát quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về phân loại vật chứng và tên loại vật chứng; trường hợp cần thiết, trong các văn bản này cần có điều khoản giải thích thuật ngữ về cách sử dụng tên gọi vật chứng trong các văn bản quy phạm pháp luật, có liên hệ với vật chứng không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thứ hai, cần có sự phối hợp, trao đổi, thống nhất giữa các cơ quan có liên quan (như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan khác) trong việc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giao vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản; trách nhiệm các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc tiếp nhận, bảo quản vật chứng không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản; cơ chế bảo đảm để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức hữu quan có điều kiện để thực hiện trách nhiệm giao, tiếp nhận vật chứng để bảo quản theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, không quy định trách nhiệm của cơ quan THADS, thủ trưởng cơ quan THADS hoặc người được thủ trưởng cơ quan THADS ủy quyền, kế toán, thủ kho trong việc bảo quản vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản cho phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về vật chứng nói chung và quy định về vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản nói riêng không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan/người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan THADS, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao bảo quản vật chứng mà còn bảo đảm việc bảo quản vật chứng được thực hiện đúng pháp luật, an toàn, hiệu quả.
Theo tcdcpl.moj.gov.vn
Vật chứng trong một vụ án- Ảnh: MH
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận