Về bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự năm 2015
Bảo lãnh là một trong 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích những bất cập về thời hạn, phạm vi, thời điểm… bảo lãnh và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh.
1. Khái quát chung về bảo lãnh
Vào thời nhà Nguyễn, pháp luật chưa quy định chi tiết về biện pháp bảo lãnh mà chỉ có quy định về người bảo lãnh tại Điều 134 Bộ luật Gia Long. Trong pháp luật cận đại Việt Nam, Bộ luật Dân sự (BLDS) Bắc Kỳ và Trung Kỳ cũng có các quy định về biện pháp bảo lãnh, những quy định này dựa trên nền tảng là Bộ luật Napoleon của Pháp. Về cơ bản, có thể hiểu “nghĩa vụ bảo lãnh chỉ là phụ, người bảo lãnh được hưởng quy chế người có nghĩa vụ dự bị; người bảo lãnh thực hiện xong nghĩa vụ trở thành người thế quyền; riêng trong trường hợp có nhiều người bảo lãnh, thì theo nguyên tắc liên đới, mà không phải nguyên tắc phân chia nghĩa vụ, được thiết lập trong quan hệ hỗ tương giữa những người bảo lãnh”1.
Trong pháp luật dân sự Việt Nam thời kỳ hiện đại, biện pháp bảo lãnh được biết đến đầu tiên trong Pháp lệnh hợp đồng dân sự ngày 24/4/1991 (tại Điều 40 và Điều 41). Bộ luật Dân sự năm 1995 đã kế thừa được tinh thần của biện pháp bảo lãnh trong Pháp lệnh hợp đồng dân sự với nội dung cơ bản: Bảo lãnh ra đời dựa trên cơ sở thỏa thuận của các bên (Điều 366) và tính chất liên đới giữa những người đồng bảo lãnh (Điều 377). Với hai điều luật mà BLDS năm 1995 quy định về bảo lãnh, có thể thấy bảo lãnh vừa mang tính đối vật vừa mang tính đối nhân bởi đối tượng bảo lãnh có thể là “tài sản thuộc sở hữu” của bên bảo lãnh, có thể là “việc thực hiện công việc”, đồng thời đối tượng của bảo lãnh còn có thể là uy tín (trong trường hợp tổ chức chính trị - xã hội bảo lãnh bằng tín chấp). Còn theo BLDS năm 2005 thì bảo lãnh chỉ mang tính đối nhân và đối tượng của bảo lãnh chỉ có thể là công việc phải thực hiện (bởi Bộ luật này đã tách tín chấp thành một biện pháp bảo đảm riêng biệt), nhưng Bộ luật này lại quy định: “Trong trường hợp đã đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh” (Điều 369), làm cho biện pháp bảo lãnh không thuần tuý là tính đối nhân. Đến BLDS năm 2015, chế định bảo lãnh tiếp tục được quy định chặt chẽ hơn2, thuật ngữ “sẽ thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ” trong điều luật có thể hiểu, bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện một công việc nhất định vốn là nghĩa vụ của bên được bảo lãnh trước bên nhận bảo lãnh nếu đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.
2. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh
Thứ nhất, về thời hạn bảo lãnh: Theo quy định tại Chương 2 BLDS năm 2015, thời hạn bảo lãnh được xác định: (i) Trường hợp bảo lãnh xác lập đồng thời với nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh mà các bên không có thỏa thuận khác và bên được đã thực hiện nghĩa vụ của mình đúng thời hạn thì thời hạn bảo lãnh trùng với thời hạn của nghĩa vụ được bảo đảm; (ii) Trường hợp bảo lãnh xác lập đồng thời với nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh mà các bên không có thỏa thuận khác và bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ đó thì thời hạn bảo lãnh là khoảng thời gian được xác định từ thời điểm bảo lãnh có hiệu lực đến thời điểm nghĩa vụ bảo lãnh đã được thực hiện toàn bộ; (iii) Trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn bảo lãnh thì thời hạn bảo lãnh là khoảng thời gian đã được thỏa thuận xác định; (iv) Trong trường hợp bảo lãnh được xác lập để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phát sinh trong tương lai mà các bên không có thỏa thuận về thời hạn của bảo lãnh thì thời hạn của bảo lãnh được xác định từ thời điểm bảo lãnh có hiệu lực cho đến khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này dẫn đến phát sinh tranh chấp trong thực tiễn. Nhất là trường hợp các bên trong quan hệ bảo lãnh không thỏa thuận về thời hạn bảo lãnh và các bên trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh lại tự thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo lãnh không biết hoặc không đồng ý với sự kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó. Ví dụ, A bảo lãnh cho B vay tiền của C trong thời hạn 06 tháng, B và C thỏa thuận kéo dài thời hạn vay thêm 06 tháng mà A không biết. Hết 06 tháng B vẫn không trả tiền cho C, nên C yêu cầu A phải thay B trả nợ cho mình. A không trả nợ cho C vì cho rằng thời hạn bảo lãnh 06 tháng đã hết. Kết thúc thời hạn đó mà C không có yêu cầu hoặc thông báo cho A về việc B không trả nợ thì đương nhiên được hiểu là nghĩa vụ được bảo lãnh đã chấm dứt và việc bảo lãnh đương nhiên chấm dứt.
Trên thực tế, chưa có quy định về việc kéo dài thời gian bảo lãnh, khi bên được bảo lãnh và bên cho vay tài sản muốn tiếp tục kéo dài thêm thời gian bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có thể từ chối hay đồng ý với việc bảo lãnh hay không. Khi kéo dài thời hạn bảo lãnh thì có phát sinh thêm vấn đề pháp lý không? Cần có quy định cụ thể về việc điều chỉnh thời hạn bảo lãnh để việc bảo lãnh đảm bảo đúng pháp luật và có sự bảo vệ từ phía cơ quan có thẩm quyền, tránh gây thiệt hại cho bên nhận bảo lãnh. Trường hợp kéo dài bảo lãnh thì phải có sự thỏa thuận lại của các bên tham gia giao dịch bảo lãnh, không để bên cho vay và bên được bảo lãnh tự thỏa thuận, vì đây là giao dịch dân sự có ba bên tham gia. Do đó, cần thiết xây dựng thêm quy định đảm bảo về thời gian gia hạn việc bảo lãnh và những quy tắc đảm đảm việc bảo lãnh kéo dài không ảnh hưởng đến bên nhận bảo lãnh.
Thứ hai, về phạm vi bảo lãnh: Khoản 3 Điều 336 BLDS năm 2015 quy định: “Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”. Theo quy định này thì khi có thỏa thuận giữa các bên, bên bảo lãnh sẽ dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Việc quy định thêm về tài sản đem ra đảm bảo phải bằng hoặc lớn hơn tài sản cho vay để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên bảo lãnh, đồng thời đảm bảo quyền lợi của bên cho vay tài sản (bên nhận bảo lãnh). Ví dụ: K đứng ra bảo lãnh cho B và D vay 01 tỉ đồng với thời hạn là một năm, K có tài sản là một căn nhà giá thị trường là 800 triệu, do có mối quan hệ quen biết nên D và K đồng ý sử dụng căn nhà làm tài sản đảm bảo, nhưng đến thời hạn một năm B không trả được tiền cho D nên D đã lấy căn nhà của K để thay cho khoản nợ, nhưng vẫn còn thiếu 200 triệu. Do từ đầu tài sản đảm bảo chỉ có căn nhà nên D không thể yêu cầu K thanh toán nốt số tiền còn lại.
Quy định bảo lãnh đối vật trước đây, đồng thời thống nhất với quy định về việc không có việc cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm nghĩa vụ cho người khác. Tuy nhiên, bất cập tại BLDS năm 2015 là đã thừa nhận bảo lãnh đối vật, nhưng lại thừa nhận cả việc cầm cố, thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ cho người khác, dẫn đến khó xác định khi nào thì thực hiện biện pháp thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ cho người khác, khi nào thì phải thực hiện biện pháp thế chấp thông qua biện pháp bảo lãnh.
Thứ ba, về quyền của bên bảo lãnh: Với tư cách là người thứ ba tự nguyện đứng ra bảo lãnh cho một bên có nghĩa vụ có ý nghĩa như: Tạo độ tin cậy để bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh xác lập nghĩa vụ chính, tránh rủi ro cho bên nhận bảo lãnh nhưng pháp luật chưa ghi nhận quyền cho bên bảo lãnh. Do đó, theo tác giả, pháp luật nên có quy định riêng về quyền của bên bảo lãnh thành một điều luật cụ thể theo hướng: “Quyền của bên bảo lãnh: 1. Bên bảo lãnh có thể tự mình quyết định việc bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ và phải ghi nhận trong nội dung bảo lãnh; 2. Bên bảo lãnh có quyền tự xác nhận các thông tin đầy đủ, kịp thời liên quan đến các nghĩa vụ được bảo lãnh và khả năng tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh từ bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh; 3. Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả phần nghĩa vụ mà bên bảo lãnh đã thực hiện thay cho bên được bảo lãnh nếu bên bảo lãnh biết và không từ chối việc bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc bên được bảo lãnh không biết hoặc biết và đã từ chối việc bảo lãnh. Việc từ chối bảo lãnh phải bắt buộc được thể hiện bằng văn bản”.
Thứ tư, thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: Luật hiện hành chưa có quy định trong trường hợp bên được bảo lãnh phải thực hiện các nghĩa vụ trước thời hạn do đã vi phạm nghĩa vụ nhưng không thực hiện thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ tính từ thời điểm bên được bảo lãnh đã không thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn. Quy định này dẫn đến mặc định là bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn nếu bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ trong khi các bên trong bảo lãnh cam kết: Bên bảo lãnh chỉ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ đó. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho bên bảo lãnh và tính công bằng giữa các bên, pháp luật nên quy định thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo hướng “nếu các bên có thỏa thuận…”.
Thứ năm, chấm dứt bảo lãnh: Điều 343 BLDS năm 2015 quy định: “1. Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt; 2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; 3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; 4. Theo thỏa thuận của các bên”. Căn cứ chấm dứt bảo lãnh khi nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt được hiểu là xuất phát từ nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ bảo lãnh là nghĩa vụ bảo lãnh mang tính phụ trợ cho nghĩa vụ được bảo lãnh. Nghĩa vụ được bảo lãnh có thể chấm dứt vì nhiều lý do khác nhau như khi bên được bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ này, khi bên nhận bảo lãnh đã miễn việc thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh cho bên được bảo lãnh hoặc trong các trường hợp hủy bỏ hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh.
Liên quan đến trường hợp chấm dứt bảo lãnh theo thỏa thuận, các bên có thể quy định trong văn bản bảo lãnh rằng bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp bên nhận bảo lãnh gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh hoặc bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh đã bổ sung, sửa đổi các điều khoản khác trong hợp đồng làm phát sinh thêm các nghĩa vụ được bảo lãnh khi chưa có sự chấp thuận của bên bảo lãnh. Tương tự, các bên có thể thỏa thuận về việc nếu bên nhận bảo lãnh vi phạm bất cứ nghĩa vụ nào của mình theo bảo lãnh thì sẽ dẫn tới việc chấm dứt bảo lãnh.
Nhưng Điều 343 BLDS năm 2015 không đề cập về trường hợp cụ thể về chấm dứt bảo lãnh khi hết thời hạn hiệu lực của bảo lãnh. Tuy các bên có thể tự thỏa thuận về việc bảo lãnh chấm dứt vào một thời điểm nhất định, và bên bảo lãnh không phải chịu trách nhiệm đối với các khoản vay giải ngân hoặc được cam kết sẽ giải ngân bởi bên cho vay được bảo lãnh sau thời điểm này. Nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về việc bên bảo lãnh có phải thực hiện tiếp nghĩa vụ của mình đối với các khoản tiền đã được giải ngân trước ngày hết hạn của bảo lãnh nhưng chưa đến thời điểm phải hoàn trả vào ngày này, vì vậy, có thể quy định sẽ tiếp tục áp dụng đối với việc hoàn trả đầy đủ các khoản tiền đã được giải ngân trước ngày hết hạn bảo lãnh nhưng lại đến hạn sau ngày hết hạn bảo lãnh.
*ThS
Theo kiemsat.vn
TANDCC tại Hà Nội xét xử vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến bảo lãnh - Ảnh: PV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận