Về các tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Chất ma túy là chất gây nghiện (là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng), chất hướng thần (là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng) được quy định trong các danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành[1].
Theo quy định của BLHS, thì hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma túy bị coi là phạm tội. Trong đó:
1. Sản xuất trái phép chất ma túy là làm ra chất ma túy (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ cây có chứa chất ma túy, từ các tiền chất và các hóa chất hoặc làm ra chất ma túy này từ chất ma túy khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Riêng hành vi nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng chất ma túy đã có sẵn như pha chế thuốc phiện thành dung dịch để tiêm chích, nghiền hêrôin từ bánh thành bột để hít… thì không coi là hành vi sản xuất trái phép chất ma túy[2]. Theo quy định tại Điều 248 BLHS năm 2015, thì tội sản xuất trái phép chất ma túy là hành vi sản xuất trái phép chất ma túy, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm chính sách thống nhất quản lý của Nhà nước về sản xuất, chế tạo chất ma túy.
Tàng trữ trái phép chất ma túy là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy[3]. Theo quy định tại Điều 249 BLHS năm 2015, thì tội tàng trữ trái phép chất ma túy là hành vi tàng trữ trái phép chất mà túy không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm xâm phạm chính sách thống nhất quản lý của Nhà nước về các chất ma túy, trật tự, an toàn xã hội: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam trở lên; c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam trở lên; d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam trở lên; đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên; e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam trở lên; g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam trở lên; h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít trở lên; i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h nêu trên. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này[4].
Vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác[5]. Theo quy định tại Điều 250 BLHS năm 2015, thì tội vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm xâm phạm chính sách thống nhất quản lý của Nhà nước về các chất ma túy, trật tự, an toàn xã hội: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam trở lên; c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam trở lên; d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam trở lên; đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên; e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam trở lên; g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam trở lên; h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít trở lên; i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h nêu trên. Trong đó, người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm[6].
Mua bán trái phép chất ma túy là hành vi mua, bán hoặc cả mua và bán trái phép chất ma túy; dùng chất ma túy trao đổi thanh toán trái phép hoặc dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy. Theo quy định tại Điều 251 BLHS, thì tội mua bán trái phép chất ma túy là hành vi mua bán trái phép chất ma túy, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm chính sách thống nhất quản lý của Nhà nước về các chất ma túy, trật tự, an toàn xã hội. Theo hướng dẫn của các cơ quan liên ngành trung ương, thì những trường hợp sau đây bị coi là mua bán trái phép chất ma túy: a) Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác; b) Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác; c) Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác; d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có); đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác; e) Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác; g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g (nêu trên) đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy[7].
Chiếm đoạt chất ma túy là một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt chất ma túy của người khác[8]. Theo quy định tại Điều 252 BLHS năm 2015, thì tội chiếm đoạt chất ma túy là hành vi chiếm đoạt chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm xâm phạm chính sách thống nhất quản lý của Nhà nước về các chất ma túy, trật tự, an toàn xã hội: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam trở lên; c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam trở lên; d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam trở lên; đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên; e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam trở lên; g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam trở lên; h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít trở lên; i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h nêu trên.
So với quy định của BLHS năm 1999, thì BLHS năm 2015 đã tách từng hành vi ở tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS năm 1999) thành các tội phạm độc lập. Như vậy, theo quy định của BLHS năm 2015, thì có tội sản xuất trái phép chất ma túy, tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tội mua bán trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy. Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là phạm tội theo quy định của BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015.
2. Theo quy định tại Điều 248, 249, 250, 251 và 252 BLHS năm 2015, thì:
- Thứ nhất, hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy chỉ bị coi là phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy khi người thực hiện hành vi đó không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hoặc sản xuất trái phép chất ma túy; hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy chỉ bị coi là phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy khi người thực hiện hành vi đó không nhằm mục đích sản xuất, mua bán hoặc tàng trữ trái phép chất ma túy. Vậy, hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục địch mua bán, vận chuyển hoặc sản xuất trái phép chất ma túy; và hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy đều nhằm mục đích sản xuất, mua bán hoặc tàng trữ trái phép chất ma túy bị coi là phạm tội gì?.
- Thứ hai, trong số các tội phạm về ma túy nêu trên, chỉ có tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy là quy định mức khối lượng, thể tích khởi điểm chất ma túy mà người tàng trữ trái, tội vận chuyển hoặc chiếm đoạt trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, tại khoản 1 Điều 249, 250 và 252 BLHS năm 2015, thì người tàng trữ, tội vận chuyển hoặc chiếm đoạt trái phép chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tàng trữ, tội vận chuyển hoặc chiếm đoạt trái phép từ: 01 gam trở lên nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca; 0,1 gam trở lên Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11; 01 kilôgam trở lên lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định; 05 kilôgam trở lên quả thuốc phiện khô; 01 kilôgam trở lên quả thuốc phiện tươi; 01 gam trở lên chất ma túy khác ở thể rắn; 10 mililít trở lên chất ma túy khác ở thể lỏng; tổng khối lượng hoặc thể tích của hai chất ma túy trở lên tương đương với khối lượng hoặc thể tích của một chất ma túy quy định tại một trong các điểm nêu trên.
Còn tội sản xuất trái phép chất ma túy và tội mua bán trái phép chất ma túy không quy định mức khối lượng, thể tích khởi điểm chất ma túy mà người sản xuất hoặc mua bán bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy, hành vi sản xuất hoặc mua bán trái phép chất ma túy với khối lượng hoặc thể tích ma túy từ bao nhiêu trở lên thì bị coi là phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy hoặc tội mua bán trái phép chất ma túy?.
Về các vấn đề này, chúng tôi có ý kiến như sau:
Thứ nhất, về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hoặc sản xuất trái phép chất ma túy và hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy nhằm mục đích sản xuất, mua bán hoặc tàng trữ trái phép chất ma túy, thì các cơ quan liên ngành trung ương đã từng hướng dẫn như sau[9]:
- Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều luật khác nhau, từ Điều 192 đến Điều 194 BLHS năm 1999 (gồm trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy; sản xuất trái phép chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy) mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) nếu các tội phạm đó không bằng nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội theo điều luật có quy định tội nặng hơn.
Ví dụ: một người trồng cây thuốc phiện (đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này), sau đó lại tiến hành sản xuất trái phép chất ma túy. Trong trường hợp này người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 193 BLHS năm 1999 (tội sản xuất trái phép chất ma túy nặng hơn tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy).
- Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều luật khác nhau, từ Điều 192 đến Điều 194 BLHS năm 1999 mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) nếu các tội phạm đó bằng nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội được thực hiện đầu tiên theo tội danh tương ứng.
Đối với người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy để sản xuất trái phép chất ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy quy định tại Điều 193 BLHS năm 1999.
- Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều từ Điều 192 đến Điều 194 BLHS năm 1999 mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập theo điều luật tương ứng.
Ví dụ một người mua bán trái phép hêrôin bị bắt, khi khám nhà phát hiện người đó còn có hành vi sản xuất thuốc phiện. Trong trường hợp này người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 BLHS năm 1999 và tội sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 193 BLHS năm 1999.
Việc xác định các tội bằng nhau, nặng hơn hoặc nhẹ hơn được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2, mục 2, phần II Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
- Trường hợp một người thực hiện một hoặc nhiều hành vi phạm tội quy định trong một điều luật (như tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy - Điều 194 BLHS năm 1999) thì cần phân biệt như sau: Trường hợp một người chỉ thực hiện một trong các hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 BLHS năm 1999 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội danh về hành vi phạm tội đã thực hiện theo điều luật tương ứng; Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 BLHS năm 1999 mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia), thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với tất cả các hành vi đã được thực hiện theo điều luật tương ứng và chỉ phải chịu một hình phạt; Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 BLHS năm 1999 mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập mà người ấy đã thực hiện; Tòa án áp dụng Điều 50 BLHS năm 1999 để quyết định hình phạt chung.
Chúng tôi thống nhất với giải thích của Luật Phòng, chống ma túy về khái niệm “chất ma tý” và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 về bản chất pháp lý của hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất mà túy. Tuy nhiên, những nội dung hướng dẫn sau đây chưa thật chính xác:
Một là, trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều luật khác nhau, từ Điều 192 đến Điều 194 BLHS năm 1999 mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về: hành vi phạm tội theo điều luật có quy định tội nặng hơn, nếu các tội phạm đó không bằng nhau; về hành vi phạm tội được thực hiện đầu tiên theo tội danh tương ứng, nếu các tội phạm đó bằng nhau;
Hai là, đối với người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy để sản xuất trái phép chất ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy quy định tại Điều 193 BLHS năm 1999.
Bởi lẽ, theo quy định của BLHS, thì tội phạm là hành vi chứ không phải là mục đích. Theo đó, hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm hay không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hoặc sản xuất trái phép chất ma túy thì cũng chỉ là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy; và hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy nhằm hay không nhằm mục đích sản xuất, mua bán hoặc tàng trữ trái phép chất ma túy thì cũng chỉ là hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Mặc dù, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy để sản xuất trái phép chất ma túy có ý nghĩa như việc chuẩn bị phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy nhưng những hành vi này đã được quy định là tội phạm độc lập. Do vậy, người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mới chính xác. Nghĩa là, người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy sẽ bị kết án về nhiều tội (tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất ma túy và tội mua bán trái phép chất ma túy) và việc tổng hợp hình phạt sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 55 BLHS năm 2015.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng, hành vi tàng tữ trái phép chất ma túy và hành vi chiếm đoạt chất ma túy là những hành vi ít nguy hiểm hơn trong số các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma túy. Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm này mà tách các hành vi nêu trên thành các tội phạm độc lập và quy định mức hình phạt đối với tội tàng tữ trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy nhẹ hơn mức hình phạt đối với các tội ma túy còn lại, thì không đạt được mục đích của việc áp dụng pháp luật đối với những trường hợp phạm tội cụ thể trên thực tiễn. Bởi lẽ, thực tiễn có rất nhiều trường hợp cùng một lần thực hiện các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc các hành vi chiếm đoạt, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép cùng một chất ma túy… Và việc xử lý các hành vi nêu trên về một tội với đầy đủ các hành vi đã thực hiện bao giời cũng nhẹ hơn việc xử lý các hành vi nêu trên về nhiều tội.
Thứ hai, về câu hỏi hành vi sản xuất hoặc mua bán trái phép chất ma túy với khối lượng hoặc thể tích từ bao nhiêu trở lên thì bị coi là phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy hoặc tội mua bán trái phép chất ma túy. Tại khoản 1 Điều 248 và khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015 không quy định mức khởi điểm chất ma túy với khối lượng hoặc thể tích từ bao nhiêu trở lên thì bị coi là phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy hoặc tội mua bán trái phép chất ma túy nhưng tại khoản 2, 3 và 4 của các điều 248 và 251 BLHS năm 2015 lại quy định mức khối lượng hoặc thể tích chất ma túy mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của các tội phạm này giống như các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất mà túy và tội chiếm đoạt chất ma túy. Do vậy, có thể hiểu mức khởi điểm chất ma túy với khối lượng hoặc thể tích mà người thực hiện hành vi bị coi là phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy hoặc tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 248 và 251 BLHS năm 2015 cũng chính là mức khởi điểm và giới hạn về khối lượng hoặc thể tích mà người thực hiện hành vi bị xử phạt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy theo quy định tại các khoản 1 của Điều 249, 250 và 252 BLHS. Tuy nhiên, để thống nhất áp dụng rất cần có sự hướng dẫn của TANDTC vì Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP đã hết hiệu lực thi hành.
Từ những nội dung nghiên cứu nên trên và để bảo đảm chính sách hình sự phù hợp với thực tiễn tình hình tội phạm về ma túy, đề nghị gộp các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma túy vào thành một tội là “tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma túy”.
[1] Xem: Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
[2] Xem: Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
[3] Xem: Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
[4] Xem: Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
[5] Xem: Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
[6] Xem: Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
[7] Xem: Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
[8] Xem: Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
[9] Xem: Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
TAND tỉnh Yên Bái mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm 3 vụ án hình sự liên quan đến tội danh mua bán trái phép chất ma túy - Ảnh: Trần Ngọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận