Về kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm theo BLTTHS 2015 – Bất cập và kiến nghị
Kháng cáo và kháng nghị là những thủ tục tố tụng sau khi có bản án, quyết định sơ thẩm nhằm xem xét lại nội dung của bản án hoặc quyết định của Tòa án sơ thẩm, khiến cho những phần của bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị chưa có hiệu lực thi hành (trừ các trường hợp được cho thi hành ngay). Tuy nhiên, những quy định về kháng cáo, kháng nghị tại BLTTHS năm 2015 còn có những bất cập cần được hoàn thiện.
1.Về đối tượng kháng cáo, kháng nghị
Hiện nay, BLTTHS 2015 không quy định đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm tại một điều luật nhất định. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 330 BLTTHS 2015 quy định “Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này.” Căn cứ vào quy định này, có thể thấy được đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm gồm: Quyết định tạm đình chỉ vụ án; Quyết định đình chỉ vụ án; Quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo; Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và Quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định tại Bộ luật này.
Ở quy định này tồn tại một số vấn đề bất cập và mâu thuẫn như sau:
Thứ nhất, điều luật quy định về đối tượng kháng cáo là “những quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của bộ luật này”. Đây là một quy định mang tính khái quát. Như vậy, những quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là những quyết định nào? Xét về nội dung, những quyết định của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là quyết định giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm “Những quyết định hành chính tư pháp nhằm đảm bảo hoạt động đúng đắn của trình tự phúc thẩm ,“không định đoạt việc giải quyết vụ án” thì không phải là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm”. Hiện nay, BLTTHS 2015 quy định một số quyết định là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm như sau: Quyết định khởi tố vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm; quyết định của Tòa án về việc áp dụng bắt buộc biện pháp chữa bệnh; quyết định chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện1. Theo chúng tôi, quyết định này không quyết định, định đoạt việc giải quyết vụ án nên để không kéo dài thời gian tố tụng và thời gian giải quyết vụ án không nên đưa những quyết định này là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng nên bỏ quy định cho HĐXX quyền khởi tố vụ án tại khoản 4 Điều 153 BLTTHS 2015: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.” Nên bỏ quy định này bởi vì quyền hạn này không phù hợp với thẩm quyền của Tòa án. Chức năng chính của Tòa án là chức năng xét xử và đưa ra bản án cuối cùng giải quyết vụ án.
Tòa án tự mình khởi tố một vụ án và rồi lại tự mình xét xử vụ án – điều này sẽ dẫn đến một hệ quả như sau: Nếu có dấu hiệu tội phạm, có người phạm tội thật thì việc Tòa án quyết định khởi tố là đúng, hướng đi đúng với việc điều tra của Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát; nhưng nếu đó là bản án trắng, tức là không có tội phạm hay người phạm tội thì Tòa án sẽ phải tuyên án trắng chính vụ án mà mình đã khởi tố. Điều này còn dễ dàng dẫn đến hiện tượng, Tòa án muốn bảo vệ quan điểm khởi tố ban đầu của mình, và đương nhiên nó sẽ không còn vô tư, khách quan trong quá trình xét xử nữa2.
Việc duy trì chức năng này không phải là không hợp lý, nó sẽ giúp cho việc không để lọt tội phạm, ngăn chặn sự nguy hiểm cho xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích cơ bản của công dân, bởi lẽ có thể trong quá trình điều tra, truy tố cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thể bỏ sót tội phạm. Tuy nhiên, không nên quy định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự trực tiếp cho HĐXX, mà chỉ nên quy định nếu trong quá trình có tội phạm hay người phạm tội mới cần điều tra thì HĐXX đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án. Điều này trước hết là đảm bảo việc vô tư, khách quan trong xét xử, vừa phù hợp hơn với chức năng cũng như các giai đoạn tiêp theo của tố tụng hình sự
Thứ hai, khoản 2 Điều 330 BLTTHS 2015 quy định đối tượng của kháng cáo, kháng nghị gồm quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo. Tuy nhiên, tại Điều 331 và Điều 60 BLTTHS 2015 lại không trao quyền kháng cáo cho bị can. Theo quy định của BLTTHS thì tư cách “bị cáo” xuất hiện từ khi thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nếu như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ hoặc tạm dình chỉ vụ án thì bị can cũng không được quyền kháng cáo quyết định đó. Như vậy sẽ không đảm bảo được quyền lợi của bị can. Theo chúng tôi, nên bổ sung quyền kháng cáo cho bị can ở Điều 331 và Điều 60 BLTTHS 2015.
2.Về phạm vi kháng cáo, kháng nghị của các chủ thể
Thứ nhất, về thẩm quyền và phạm vi kháng nghị
Về thẩm quyền và phạm vi kháng nghị đã được quy định rất rõ tại Điều 336 BLTTHS 2015. Theo đó, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị toàn bộ quyết định hoặc bản án sơ thẩm. Theo như quy định tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị việc tăng mức bồi thường thiệt hại, theo chúng tôi là chưa hợp lý, bởi vì tại khoản 1, Điều 107 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Về bản chất, thực hành quyền công tố là hoạt động của VKSND trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự3. Viện kiểm sát kiến nghị về mức bồi thường, bồi hoàn là vi phạm nguyên tắc động cơ hành động trong việc kháng nghị vì Viện kiểm sát là chủ thể của quyền công tố, không phải là chủ thể của tố quyền dân sự trong vụ án hình sự. Việc Viện kiểm sát kháng nghị về mức bồi thường, bồi hoàn là vi phạm nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, Viện kiểm sát không có quyền thỏa thuận với bị cáo hoặc đương sự về mức bồi hoàn4.
Thứ hai, về thẩm quyền và phạm vi kháng cáo
Thẩm quyền và phạm vi kháng cáo của các chủ thể đã được quy định rất rõ ở Điều 331 BLTTHS 2015. Tuy nhiên, khi so sánh với khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 vẫn còn một điểm chưa thống nhất đó là. Ở khoản 1 Điều 331 BLTTHS 2015 quy định bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Tuy nhiên, tại Điều 357 BLTTHS 2015 quy định về kháng cáo theo hướng tăng nặng lại chỉ quy định “trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu”. Như vậy, để kháng cáo theo hướng tăng nặng thì người đại diện của bị hại không có quyền kháng cáo. Như vậy, quy định tại Điều 357 và Điều 331 BLTTHS 2015 là mâu thuẫn với nhau và không đảm bảo quyền kháng cáo của bị hại có người đại diện hợp pháp. Theo chúng tôi, nên bổ sung quy định về quyền kháng cáo của người đại diện của bị hại vào khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015.
2.Về thời hạn kháng cáo, kháng nghị
Theo quy định tại Điều 333 và 337 BLTTHS 2015, thời hạn kháng cáo, kháng nghị là:
– Kháng cáo: 15 ngày kể từ ngày tuyên án đối với bản án sơ thẩm; 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định sơ thẩm đối với quyết định sơ thẩm.
– Kháng nghị: Kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày kể từ ngày tuyên án đối với bản án sơ thẩm; 07 ngày kể từ ngày ra quyết định sơ thẩm đối với quyết định sơ thẩm; Kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án đối với bản án sơ thẩm; 15 ngày kể từ ngày ra quyết định sơ thẩm đối với quyết định sơ thẩm.
Quy định này bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế như sau:
Thứ nhất, về thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với bản án sơ thẩm. Quy định của pháp luật về vấn đề này tương đối rõ ràng, nghĩa là thời điểm này bắt đầu tính từ ngày tuyên án. Ví dụ, ngày tuyên án là ngày 05/3 thì ngày kết thúc thời hạn kháng cáo là 24g ngày 29/3. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nó đã hợp lý hay chưa?
Ví dụ, trong trường hợp ngày tuyên án là ngày 11/12/2019 thì hiện nay, việc xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc kháng cáo, kháng nghị có hai quan điểm khác nhau5:
– Quan điểm thứ nhất: Thời điểm bắt đầu tính là ngày 12/12, thời điểm kết thúc là 24g ngày 27/12. Quan điểm này vận dụng theo hướng dẫn tại tiểu mục 4.1 mục 4 Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP.
– Quan điểm thứ hai: Thời điểm bắt đầu tính là ngày 11/12, thời điểm kết thúc là 24h ngày 26/12.
Theo như chúng tôi đã phân tích ở trên, quy định của BLTTHS hiện nay đã khá rõ ràng, và theo đó, chúng tôi cho rằng, quan điểm thứ hai là chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng, điều này là thiếu hợp lý so với hướng dẫn của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP. Bởi việc quy định như quan điểm thứ hai trong nhiều trường hợp sẽ bất lợi cho các chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị do phiên tòa kết thúc muộn và việc tuyên án diễn ra gần như cuối ngày. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho các chủ thể đó, chúng tôi cho rằng, nên có hướng dẫn hoặc quy định về thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị như Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP.
Thứ hai, về thời hạn được quy định: Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, thời hạn được quy định là quá ngắn, trong nhiều trường hợp không đảm bảo thời gian cho việc xem xét tiến hành kháng cáo, kháng nghị. Cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 262 BLTTHS 2015, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao, gửi bản án cho các chủ thể, đối tượng theo quy định. Như vậy, pháp luật cho phép Tòa án gửi bản án trong thời hạn 10 ngày nhưng chỉ cho thực hiện việc kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 15 ngày (30 ngày đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp) là không hợp lý. Nếu như bản án được Tòa án giao gửi đúng trong thời hạn 10 ngày, đồng nghĩa với việc chỉ còn 5 ngày để thực hiện việc kháng cáo, kháng nghị và thời gian này là không đủ để xem xét bản án, quyết định có kháng cáo, kháng nghị hay không. Đồng thời, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp cũng có khó thể nghiên cứu hồ sơ để phát hiện căn cứ kháng nghị trong thời gian 20 ngày.
Do đó, chúng tôi cho rằng nên kéo dài thêm thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Thứ ba, về việc xem xét kháng cáo quá hạn: Theo quy định tại Điều 335 BLTTHS 2015 về kháng cáo quá hạn, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán xem xét kháng cáo quá hạn. Đồng thời, điều này cũng quy định phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của Kiểm sát viên và trong thời hạn 03 ngày trước ngày xét đơn, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi đơn kháng cáo kèm theo tài liệu, đồ vật cho Viện kiểm sát cùng cấp. Điều này có nghĩa, việc thành lập Hội đồng xem xét kháng cáo quá hạn và việc tổ chức phiên họp xét kháng cáo quá hạn là hai hoạt động khác nhau và pháp luật chỉ đặt ra thời hạn đối với việc thành lập Hội đồng mà không ghi nhận thời hạn giải quyết kháng cáo quá hạn.
Theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP, việc xét kháng cáo quá hạn được thực hiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm. Chúng tôi cho rằng, cần đặt ra thời hạn đối với vấn đề này bởi quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn có ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể kháng cáo.Đồng thời, trong trường hợp kháng cáo quá hạn được chấp nhận, các chủ thể có liên quan cũng cần có thời gian để xem xét, chuẩn bị cho việc mở phiên tòa phúc thẩm. Do đó, cần đặt ra vấn đề về thời hạn giải quyết kháng cáo quá hạn. Theo đó, chúng tôi cho rằng có thể quy định thời hạn này là 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo kèm các chứng cứ, tài liệu liên quan, bởi so với việc xem xét bản án để quyết định kháng cáo, kháng nghị, việc xem xét kháng cáo quá hạn có thể hoàn thành trong thời gian đó.
Thứ tư, hiện nay, pháp luật không ghi nhận trường hợp kháng nghị quá hạn của Viện kiểm sát. Có quan điểm cho rằng, bởi nếu quá thời hạn kháng nghị phúc thẩm Viện kiểm sát có quyền kháng nghị giám đốc thẩm.Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vẫn nên ghi nhận trường hợp kháng nghị quá hạn. Bởi tính chất của xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm là hoàn toàn khác nhau. Xét xử phúc thẩm được coi là cấp xét xử thứ hai và Hội đồng xét xử sẽ xem xét lại toàn bộ nội dung, sự việc của vụ án. Còn giám đốc thẩm chỉ là giai đoạn tố tụng đặc biệt. Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử mà chỉ xét lại những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Hay nói cách khác, đối tượng của xét xử phúc thẩm là vụ án còn đối tượng của xét xử giám đốc thẩm là bản án. Nên không thể viện lý do là vì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị giám đốc thẩm nên không được quyền kháng nghị phúc thẩm quá hạn.
Hơn nữa, việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn so với việc kháng nghị quá hạn. Đồng thời, điều này có thể dễ dàng giải quyết trong trường hợp có kháng cáo quá hạn mà VKS cũng muốn kháng nghị nhưng đã hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm. (Lý do này để sau lý do kia)
3.Vấn đề hình thức thực hiện kháng cáo
BLTTHS 2015 cho phép chủ thể thực hiện quyền kháng cáo theo hai hình thức là đơn kháng cáo và trình bày kháng cáo trực tiếp tại Tòa án. Tuy việc này là hợp lý nhưng chúng còn tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất, về nội dung biên bản kháng cáo: Điều 332 BLTTHS chỉ ghi nhận nội dung cần có trong đơn kháng cáo mà không quy định biên bản kháng cáo trong trường hợp kháng cáo trực tiếp tại Tòa án phải có những nội dung gì. Mặc dù vấn đề này nhìn chung thuộc về nghiệp vụ của Tòa án, tuy nhiên, để thống nhất cũng như đảm bảo nội dung của biên bản, chúng tôi cho rằng cần quy định thêm vấn đề này.
Trong hệ thống pháp luật nước ta nói chung, có không ít các thủ tục có thể thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp, hầu hết các vấn đề đó đều ghi nhận nội dung của biên bản khi trình bày trực tiếp phải có các nội dung như đối với đơn. Do đó, chúng tôi đề xuất bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 332 như sau: “2. Đơn kháng cáo, biên bản về việc kháng cáo có các nội dung chính:….”
Thứ hai, kháng cáo trực tiếp tại Tòa án là một hình thức kháng cáo được pháp luật ghi nhận, do đó, về nguyên tắc, hình thức này cũng được thực hiện khi kháng cáo quá hạn. Tuy nhiên, Điều 335 BLTTHS 2015 về kháng cáo quá hạn lại không hề nhắc đến trường hợp này. Đây là một thiếu sót trong quy định của BLTTHS 2015 về việc kháng cáo quá hạn. Do đó, chúng tôi đề xuất sửa đổi quy định này bằng cách thay thế cụm từ “đơn kháng cáo quá hạn” bằng cụm từ “đơn kháng cáo quá hạn, biên bản về việc kháng cáo quá hạn” trong toàn bộ quy định của Điều 335.
Phiên tòa hình sự sơ thẩm tại TAND Tp Long Xuyên. An Giang – Ảnh: Chí Đức
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận