Về không áp dụng thời hiệu khởi kiện yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu
“Thời hiệu” nói chung và “thời hiệu khởi kiện” nói riêng là một trong những quy định có sửa đổi bổ sung căn bản tại hai bộ luật quan trọng vừa có giá trị thi hành trong hơn nữa năm trở lại đây (ngày 1/7/2016 áp dụng đối với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 – BLTTDS 2015) và mới gần đây (ngày 1/1/2017 đối với Bộ luật dân sự năm 2015 – BLDS 2015). Một mặt, những quy định mới đã có sự thay đổi so với quy định trước đây, mặt khác, các quy định về những nội dung liên quan tại hai bộ luật này vẫn có “độ vênh” mà vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất, nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những quan điểm khác nhau khi nghiên cứu, triển khai áp dụng trong thực tiễn.
Trước đó, về thời hiệu khởi kiện liên quan đến quyền sở hữu, BLTTDS 2004 sửa đổi 2011 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về quyền đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu”.[1] Tuy nhiên, hiện các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện đã không còn được quy định trong BLTTDS 2015 mà thay vào đó được dẫn chiếu áp dụng các quy định của BLDS 2015 về thời hiệu khởi kiện.[2]
Về thời hiệu khởi kiện liên quan đến quyền sở hữu, khoản 2 Điều 155 BLDS 2015 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Tuy nhiên, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu hiện chưa được minh thị tại các quy định của pháp luật. Như vậy, vấn đề đặt ra là liệu “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” là những yêu cầu gì? Không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” có đồng nghĩa với việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về quyền đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu” (như quy định trước đây) hay không? Nếu đây là quy định mới thì trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu theo BLDS 2015 cần phải hiểu như thế nào?
Tác giả cho rằng, “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” là một khái niệm mới và đây có thể là sự sửa đổi có chủ đích của nhà làm luật. Vì vậy, không thể hiểu “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” là “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về quyền đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu”. Thay vào đó, việc xác định thế nào là “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” cần phải dựa trên các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu và biện pháp bảo vệ quyền sở hữu; bởi lẽ, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu chỉ phát sinh khi quyền sở hữu đã không được bảo đảm và cần được bảo vệ thông qua những biện pháp mà pháp luật quy định.
Trong bài viết này, tác giả trước hết sẽ thử lý giải về cơ sở xác định yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu để từ đó so sánh đối chiếu với các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về quyền đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu mà chúng thuộc đối tượng không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo các quy định của pháp luật trước đây để trả lời cho câu hỏi được đặt ra ở trên. Tiếp theo, tác giả phân tích về yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trong mối quan hệ với một số loại tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án làm cơ sở để xác định tranh chấp đó có thuộc đối tượng không áp dụng thời hiệu hay không.
1.Thế nào là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu?
Khoản 2 Điều 169 BLDS 2005 và khoản 1 Điều 163 BLDS 2015 về bảo vệ quyền sở hữu đều quy định “không ai có thể bị hạn chế, tước đoạt” quyền sở hữu. Như vậy, bất kỳ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng hoặc quyền định đoạt của chủ sở hữu không thể bị hạn chế hoặc tước đoạt trái pháp luật.
Tước đoạt quyền sở hữu là trường hợp chủ sở hữu bị mất toàn bộ, một hoặc hai trong ba quyền năng nêu trên. Khi đó, chủ sở hữu có quyền “đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt trái pháp luật” như quy định tại khoản 2 Điều 169 BLDS 2005, có quyền “đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật” như quy định tại khoản 1 Điều 166 BLDS 2015. Như vậy, BLDS 2005 và BLDS 2015 đều quy định chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu và người sử dụng trái pháp luật (BLDS 2015 bổ sung thêm một quyền của chủ sở hữu, đó là quyền đòi lại tài sản từ người được hưởng lợi trái pháp luật). Trong trường hợp đó, Điều 255 BLDS 2005 về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp… có quyền yêu cầu Tòa án… buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản… và yêu cầu bồi thường thiệt hại” và khoản 2 Điều 164 BLDS 2015 về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu quy định: “Chủ sở hữu… có quyền yêu cầu Tòa án… buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản… và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Từ các quy định nêu trên cho thấy, trong trường hợp quyền sở hữu bị tước đoạt thì:
- BLDS 2015 chỉ cho phép chủ sở hữu – người có đầy đủ ba quyền năng: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt, mới có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền sở hữu; còn BLDS 2005 còn cho phép người chiếm hữu hợp pháp (nhưng không cho phép người sử dụng hợp pháp) có quyền yêu Tòa án bảo vệ quyền sở hữu;
- Cả hai BLDS 2005 và BLDS 2015 đều quy định yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trong trường hợp này là yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. BLDS 2005 không quy định về việc chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người được hưởng lợi trái pháp luật, trong khi đó BLDS 2015 có quy định này.
Hạn chế quyền sở hữu theo khoản 1 Điều 255 BLDS 2005 là “hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu” và theo quy định tại khoản 2 Điều 164 BLDS 2015 là “hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu”. Trong trường hợp này, Điều 255 BLDS 2005 về biện pháp bảo vệ quyền sở hữu cho phép “chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Tòa án… buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải… chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và bồi thường thiệt hại” và khoản 2 Điều 164 BLDS 2015 về biện pháp bảo vệ quyền sở hữu quy định: “Chủ sở hữu… có quyền yêu cầu Tòa án… buộc người có hành vi xâm phạm quyền… chấm dứt hành vi cản trở việc thực hiện quyền sở hữu…”
Từ các quy định nêu trên cho thấy, trong trường hợp việc thực hiện quyền sở hữu bị hạn chế thì:
- BLDS 2005 cho phép chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền sở hữu;
- Trong khi đó, BLDS 2005 chỉ cho phép chủ sở hữu có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền sở hữu.
Với cách hiểu về yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu như vừa phân tích, vấn đề đặt ra là quy định trước đây về không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về quyền đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu”[3] có đồng nhất với “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu”[4] hay không.
2.Không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” có phải là quy định mới?
Có quan điểm cho rằng, việc bổ sung trong BLDS 2015 trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” chỉ mới so với BLDS 2005 “nhưng lại không mới so với các văn bản pháp luật khác”.[5] Và quy định này “nhằm giúp đồng bộ” với quy định tương tự đã được ghi nhận trước đó tại BLTTDS 2004 sửa đổi 2011 và Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS (Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP).[6] Theo đó, không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp dân sự sau đây: (i) tranh chấp về quyền sở hữu tài sản mà đó là tranh chấp ai có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó; và (ii) tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu mà đó là tranh chấp về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình nhưng do người khác quản lý, chiếm hữu tài sản đó?[7]
Tác giả cho rằng, các tranh chấp nêu trên không đồng nghĩa với “yêu cầu khởi kiện bảo vệ quyền sở hữu” kể cả theo BLDS 2005 và BLDS 2015.[8]
Thứ nhất: Theo điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS 2004 sửa đổi 2011 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về đòi tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu mà không quy định về đòi tài sản do người khác đang sử dụng. Trong khi đó, Điều 255 và Điều 256 BLDS 2005 và khoản 2 Điều 164 và khoản 1 Điều 166 BLDS 2015 quy định đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu còn bao gồm cả việc đòi tài sản từ bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, trong đó bao gồm người đang sử dụng trái phép tài sản thuộc sở hữu của chủ sở hữu;
Thứ hai: Điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS 2004 sửa đổi 2011 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về quyền sở hữu và tranh chấp về đòi tài sản. Cũng theo Điều 255 BLDS 2005 và khoản 2 Điều 164 BLDS 2015 quy định đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu còn bao gồm cả yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền chấm dứt hành vi cản trở việc thực hiện quyền sở hữu;
Thứ ba: Điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với “tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu là tranh chấp về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình nhưng do người khác quản lý, chiếm hữu tài sản đó”. Điều này có nghĩa cũng không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp người sử dụng hợp pháp tài sản đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; trong khi đó, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trong việc đòi lại tài sản, theo Điều 255 BLDS 2005 chỉ thuộc về chủ sở hữu và người chiếm hữu tài sản, và theo Điều 164 BLDS 2015 thì chỉ chủ sở hữu mới có quyền đòi tài sản.
Thứ tư: Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu quy định tại Điều 255 BLDS 2005 không dành riêng cho chủ sở hữu mà còn cả cho người chiếm hữu hợp pháp, nhưng Điều 164 BLDS 2015 quy định yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu chỉ dành cho chủ sở hữu. Nói một cách khác, quy định của BLDS 2005 được hiểu là đối với trường hợp người chiếm hữu hợp pháp khởi kiện đòi lại tài sản cũng không áp dụng thời hiệu khởi kiện, nhưng theo BLDS 2015 thì chỉ có chủ sở hữu khởi kiện đòi lại tài sản mới không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Thứ năm: Các quy định tại BLTTDS 2004 sửa đổi 2011 không có quy định về trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp đòi lại tài sản từ người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 256 BLDS 2005 và Điều 166 BLDS 2015 đều đã có quy định quyền đòi lại tài sản từ người được hưởng lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Vì vậy, đây cũng là trường hợp thuộc yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu nên cũng không được áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Từ những phân tích trên, rõ ràng, quy định trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu là quy định có bổ sung mới và hoàn thiện hơn so với quy định trước đây về việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về quyền sở hữu và đòi lại tài sản. Do đó, việc “đánh đồng” các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu tại khoản 2 Điều 155 BLDS 2015 với các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS 2004 sửa đổi 2011 và Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP là không đúng và sẽ dẫn đến hệ quả là không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với một số trường hợp không phải là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu và có những yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu thì lại áp dụng thời hiệu khởi kiện, như đã phân tích ở trên.
Vậy, vấn đề tiếp theo là, quy định về không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu theo BLDS 2015 được hiểu và xác định như thế nào trong một số tranh chấp về dân sự có liên quan thuộc thẩm quyền của Tòa án.
3.Có cần thiết phải xác định yêu cầu về bảo vệ quyền sở hữu trong từng vụ án cụ thể để quyết định áp dụng hay không áp dụng thời hiệu?
Như đã phân tích tại mục 1 và mục 2, nội hàm của “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” bao gồm:
- Chỉ có chủ sở hữu – người có đầy đủ ba quyền năng: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt mới có quyền yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu;
- Quyền yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu bao gồm quyền yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu… và bồi thường thiệt hại.”
Như vậy, các yêu cầu khởi kiện đáp ứng đầy đủ hai yếu tố nêu trên sẽ thuộc đối tượng không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Các yêu cầu đó có thể được thể hiện thông qua một trong các tranh chấp liên quan được liệt kê tại Điều 26 BLTTDS 2015 mà thường là tranh chấp về quyền sở hữu, các quyền khác đối với tài sản, tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự…
Điều 26 BLTTDS 2015 liệt kê các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trong đó không có “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu”,[9] trong khi pháp luật về thời hiệu khởi kiện chỉ có quy định chung về thời hiệu khởi kiện;[10] và thời hiệu khởi kiện (03 năm) đối với tranh chấp về hợp đồng, về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (02 năm), thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (03 năm) và một số thời hạn khác đối với yêu cầu về thừa kế tài sản…[11] và về việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu.[12] Do đó, như đã nêu, vì “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” có thể “thuộc” bất kỳ một trong số tranh chấp trên nên việc xác định có áp dụng thời hiệu khởi kiện hay không sẽ không thể căn cứ vào tranh chấp cụ thể được quy định tại Điều 26 BLTTDS 2015. Thay vào đó, trong quá trình giải quyết từng tranh chấp cụ thể Tòa án cần phải xem xét tranh chấp đó có chứa đựng yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu hay không, để từ đó quyết định có áp dụng thời hiệu khởi kiện hay không.
- Xác định yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trong tranh chấp về quyền sở hữu
Tranh chấp về quyền sở hữu là tranh chấp về việc ai có quyền sở hữu tài sản đang tranh chấp. Nói cách khác, đó là tranh chấp về việc ai có cả ba quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Rõ ràng, tranh chấp quyền sở hữu là để yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu. Vì vậy, trong vụ án mà nguyên đơn A yêu cầu Tòa án buộc bị đơn B trả lại tài sản cho A mà giữa A và B có tranh chấp ai là chủ sở hữu đối với tài sản đó (Ví dụ 1) được coi là tranh chấp quyền sở hữu và thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Tranh chấp quyền sở hữu nêu trên có thể xuất phát hoặc không xuất phát từ một giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự nào giữa A và B.
Tranh chấp chỉ về việc ai có quyền thực hiện một trong ba quyền năng thuộc quyền sở hữu không phải là tranh chấp về quyền sở hữu, nhưng vẫn có thể được xác định là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu.
Ví dụ, A là chủ sở hữu căn nhà, theo thỏa thuận giữa A và B, A giao cho B quyền định đoạt căn nhà. Trong quá trình thực hiện việc định đoạt căn nhà cho người khác thì A đã cản trở B thực hiện quyền định đoạt đó. B khởi kiện A yêu cầu Tòa án buộc A phải chấm dứt hành vi cản trở (ví dụ, phải giao giấy tờ về sở hữu căn nhà cho B để B định đoạt căn nhà) (Ví dụ 2). Đây là yêu cầu về chấm dứt hành vi xâm phạm việc thực hiện quyền định đoạt tài sản chứ không phải là tranh chấp về quyền sở hữu. Mặt khác, đây là yêu cầu của người chỉ có quyền định đoạt tài sản chứ không phải là yêu cầu của chủ sở hữu tài sản. Do đó, tranh chấp nêu trên không phải là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu và vì vậy không thuộc đối tượng không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Trong trường hợp này, Tòa án cần áp dụng thời hiệu khởi kiện theo hợp đồng (03 năm) vì đây là tranh chấp về hợp đồng mà trong đó yêu cầu khởi kiện không phải là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu.
Tuy nhiên, cũng trong ví dụ nêu trên, ngược lại, nếu A kiện B về việc B thực hiện quyền định đoạt tài sản trái pháp luật hoặc trái thỏa thuận giữa A và B (Ví dụ 3) thì đây không phải là tranh chấp về quyền sở hữu mà là tranh chấp theo hợp đồng. Mặc dù phát sinh từ hợp đồng, nhưng đây là yêu cầu của chủ sở hữu buộc B chấm dứt hành vi xâm phạm việc thực hiện quyền sở hữu bởi lẽ việc thực hiện quyền sở hữu bao gồm việc thực hiện bất kỳ một trong số ba quyền năng cấu thành quyền sở hữu. Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 164 BLDS 2015[13] đây là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu và thuộc đối tượng không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Một ví dụ khác: A là chủ sở hữu tài sản khởi kiện đòi C trả lại tài sản mà C đang chiếm hữu hoặc sử dụng không có căn cứ pháp luật; đối với tài sản đó, giữa A và B không tranh chấp về quyền sở hữu và không có một thỏa thuận nào (Ví dụ 4). Đây không phải là tranh chấp về quyền sở hữu, không phải là tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự mà là “tranh chấp khác” theo khoản 14 Điều 26 BLTTDS 2015. Tuy nhiên, tương tự như phân tích tại Ví dụ 3 nêu trên, đây là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu và thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện.[14]
Như vậy, việc tranh chấp về quyền sở hữu luôn được xác định là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, tranh chấp về việc thực hiện một trong ba quyền năng không phải là tranh chấp về quyền sở hữu và được coi là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu nếu người khởi kiện là chủ sở hữu; nhưng lại không phải là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu nếu người khởi kiện chỉ là người thực hiện một trong ba quyền năng đó chứ không phải là chủ sở hữu.
- Xác định yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trong tranh chấp về các quyền khác đối với tài sản
Các quyền khác đối với tài sản là “quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác”, theo đó bao gồm quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.[15]
Các biện pháp bảo vệ các quyền khác đối với tài sản cũng được quy định tại Điều 164 BLDS 2015 về “Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”, theo đó “chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án….” Điều này dẫn tới việc hiểu yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu và yêu cầu bảo vệ các quyền khác là hai khái niệm khác nhau. Và như vậy, vì yêu cầu bảo vệ các quyền khác không thuộc các trường hợp nêu tại Điều 155 BLDS 2015 quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện nên không thuộc đối tượng không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Trong khi đó, yêu cầu bảo vệ các quyền khác, ví dụ yêu cầu Tòa án buộc chủ sở hữu bất động sản liền kề dành lối cấp, thoát nước (Điều 252 BLDS 2015), dành lối đi qua (Điều 254 BLDS 2015) v.v… không phải là tranh thấp theo hợp đồng, cũng không phải là yêu cầu bồi thường thiệt hại mà BLDS 2015 có quy định về thời hiệu khởi kiện. Như vậy, đối với một số yêu cầu bảo vệ các quyền khác đối với tài sản mà căn cứ xác lập các quyền đó không phải là do thỏa thuận thì BLDS 2015 không quy định về thời hiệu khởi kiện và cũng không thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 155 BLDS 2015.
Xác định yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trong tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự
Như đã trình bày ở các phần trên, trong vụ án tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự mà bản chất của yêu cầu khởi kiện là để bảo vệ quyền sở hữu (chủ sở hữu đòi lại tài sản do người khác chiếm hữu, sử dụng hoặc yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái phép việc thực hiện quyền sở hữu) thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Các ví dụ nêu tại điểm (i) trên đây khi bàn về bảo vệ quyền sở hữu trong vụ án tranh chấp về quyền sở hữu, về thực hiện quyền sở hữu v.v… đã minh thị khá rõ vấn đề này.
- Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại để bảo vệ quyền sở hữu
Khoản 2 Điều 164 BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu… có quyền yêu cầu Tòa án… buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu… và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Quy định này có nghĩa khi chủ sở hữu yêu cầu trả lại tài sản hoặc chấm dứt hành vi cản trở việc thực hiện quyền sở hữu thì chủ sở hữu cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể xuất hiện trong vụ án yêu cầu trả lại tài sản hoặc yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở hoặc có thể xuất hiện độc lập sau khi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu, hành vi cản trở việc thực hiện quyền sở hữu đã chấm dứt. Do đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại trong bất kỳ một trong hai trường hợp nêu trên đều nhằm bảo vệ quyền sở hữu nên thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu.
Kết luận
Qua nội dung trình bày, tác giả cho rằng, xác định yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu cần phải dựa trên các quy định của BLDS 2015 quy định về bảo vệ quyền sở hữu và biện pháp bảo vệ quyền sở hữu thông qua Tòa án. Theo đó, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu là yêu cầu của chủ sở hữu đối với Tòa án đề nghị Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu phải trả lại tài sản cho người yêu cầu, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện đầy đủ và trọn vẹn quyền sở hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm hoặc cản trở việc thực hiện quyền sở hữu. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trước hết phải là yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người cho rằng là chủ sở hữu đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu hoặc cản trở việc thực hiện bất kỳ quyền năng nào cấu thành quyền sở hữu.
“Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ Bộ luật Dân sự nào, trong đó có Bộ luật Dân sự nước ta”.[16] Chính vì lẽ đó, tìm hiểu, phân tích đúng, chính xác và đầy đủ về yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu nói chung, quy định về việc không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu nói riêng là một việc làm cần thiết và quan trọng. So với quy định trước đây về việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện, các quy định mới này mang tính chính xác, khái quát và đầy đủ hơn. Từ đó, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu có thể hiện hữu trong tranh chấp về quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự hoặc trong vụ án yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc trong “tranh chấp khác” theo khoản 14 Điều 26 BLTTDS 2015. Vì vậy, khi triển khai áp dụng, Tòa án cần phải thận trọng xem xét bản chất của từng vụ án liên quan đến quyền sở hữu để xác định tranh chấp đó có phải là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu hay không, cho dù có thể đó là tranh chấp theo hợp đồng, để xác định chính xác việc áp dụng hay không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Tác giả hy vọng những ý kiến trao đổi sẽ đóng góp phần nào trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn trong thời gian tới./.
[1] Điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS 2004 sửa đổi năm 2011.
[2] Điều 185 BLTTDS 2015 quy định: “Áp dụng quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu” và “Các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự.”
[3] Điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS 2004 sửa đổi năm 2011.
[4] Khoản 2 Điều 155 BLDS 2015.
[5] Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015, NXB Hồng Đức, tr.214.
[6] Đỗ Văn Đại, (5), tr.215.
[7] Điểm a, b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP. Xem thêm Đỗ Văn Đại (5), tr.215.
[8] Xem thêm phần phân tích tại mục 1 của bài viết.
[9] Xem thêm các quy định tại khoản 2, 3 Điều 26 BLTTDS 2015… Cũng có ý kiến cho rằng việc quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với “yêu cầu về bảo vệ quyền sở hữu” là chưa chính xác, vì thời hiệu khởi kiện chỉ xác định trong vụ án dân sự phát sinh từ tranh chấp, chứ không thể là yêu cầu vì như vậy sẽ phát sinh theo “việc”. Và nếu là “việc” thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện mà phải áp dụng thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Theo tác giả, trong trường hợp này vẫn có thể chấp nhận được khi sử dụng thuật ngữ “yêu cầu”, bởi lẽ, dù có tranh chấp thì khi thực hiện hành vi khởi kiện – chủ thể khởi kiện vẫn phải thể hiện trong nội dung đơn khởi kiện về các yêu cầu cụ thể của mình để Tòa án xác định, và giải quyết cho họ theo quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra và theo tác giả là rất quan trọng, chính là, làm thế nào để Tòa án xác định đúng, chính xác yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu của người khởi kiện trong các tranh chấp hỗn hợp thông qua giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự…
[10] Khoản 3 Điều 150 BLDS 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”.
[11] Xem Điều 429, Điều 132, Điều 588 và Điều 623 BLDS 2015.
[12] Xem khoản 2 Điều 155 BLDS 2015.
[13] Khoản 2 Điều 164 BLDS 2015 quy định một trong những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu là chủ sở hữu có quyền yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền chấm dứt hành vi cản trở việc thực hiện quyền sở hữu.
[14] Nói rõ thêm, trong ví dụ này C xác định mình không phải là chủ sở hữu nhưng có quyền sử dụng, chiếm hữu vì nhặt được… Bởi nếu C cũng cho rằng mình là chủ sở hữu thì khi đó phải xác định vụ án tranh chấp về quyền sở hữu theo quy định tại khoản 2 Điều 26 BLTTDS 2015 chứ không phải là trường hợp tranh chấp khác… quy định tại khoản 14 Điều 26 BLTTDS 2015. Xem thêm khoản 2 Điều 164 BLDS 2015 quy định một biện pháp khác để bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu là chủ sở hữu có quyền yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản.
[15] Xem Điều 159 BLDS 2015 và xem thêm các quy định cụ thể về quyền khác đối với tài sản tại Chương XIV BLDS 2015.
[16] Xem tờ trình số 390/Ttr-CP, ngày 12/10/2014 về dự án Bộ luật dân sự sửa đổi, tr.3.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận