Về kiến nghị bổ sung quyền được gặp riêng người bào chữa của bị can, bị cáo
Để làm sáng tỏ những chứng cứ, những tình tiết quan trọng của vụ án thì người bào chữa có quyền chủ động gặp và hỏi người bị buộc tội, tuy nhiên vấn đề người bào chữa gặp bị can, bị cáo khi đang bị tạm giam lại là vấn đề còn nhiều tranh luận. Trong bài viết dưới đây, tác giả có một số ý kiến về vấn đề này.
Trong bài “Bảo đảm Quyền bào chữa đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự” của tác giả Vũ Văn Hoàng (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân), đăng Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 18 tháng 12 năm 2021, tác giả có đưa ra năm kiến nghị về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội. Một trong số đó, là quyền được gặp riêng người bào chữa. Theo tác giả, thì tại điểm a khoản 1 Điều 73 BLTTHS quy định: “người bào chữa có quyền gặp, hỏi người bị buộc tội”. Do đó, để làm sáng tỏ những chứng cứ, những tình tiết quan trọng của vụ án thì người bào chữa có quyền chủ động gặp và hỏi người bị buộc tội. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 lại chưa có quy định về việc người bị buộc tội có yêu cầu gặp gỡ người bào chữa khi họ bị tạm giữ, tạm giam. Việc gặp gỡ giữa bị can, bị cáo với người bào chữa phụ thuộc vào việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người bào chữa. Trong thực tế có nhiều trường hợp, bị can mới chỉ gặp gỡ người bào chữa một, hai lần đến khi mở phiên tòa xét xử. Như vậy làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, họ không biết được rõ về năng lực và khả năng của người bào chữa khi ra phiên tòa thực hiện quyền bào chữa cho mình. Vì vậy, các nhà làm luật cần cân nhắc vấn đề này để nghiên cứu bổ sung thêm quyền “đề nghị được gặp riêng người bào chữa” của bị can, bị cáo tại Điều 60, 61 BLTTHS.
Chúng tôi cho rằng, hỏi cung bị can tại giai đoạn điều tra, xét hỏi bị cáo tại phiên tòa là những hoạt động tố tụng hình sự. Cho nên phải tuân theo các nguyên tắc do Bộ luật tố tụng hình sự quy định và một trong những nguyên tắc đó là “Xác định sự thật của vụ án”. Theo đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Một trong những biện pháp để xác định sự thật của vụ án là hỏi cung bị can tại giai đoạn điều tra, xét hỏi bị cáo tại phiên tòa. Mớm cung, ép cung là biểu hiện của hành vi vi phạm pháp luật vì mớm cung, ép cung là đặt câu hỏi hoặc dùng cách này hay cách khác có tính chất gợi ý để người được hỏi trả lời theo ý muốn chủ quan của người hỏi. Việc mớm cung, ép cung làm cho lời khai không chính xác, không phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án. Do vậy, pháp luật tố tụng hình sự nghiêm cấm mớm cung, ép cung khi hỏi cung bị can cũng như khi xét hỏi bị cáo tại phiên toà. Việc có mặt của người bào chữa trong quá trình hỏi cung bị can hoặc tại phiên tòa có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế việc mớm cung, ép cung.
Ngoài việc có mặt khi hỏi cung bị can, xét hỏi bị cáo tại phiên tòa, thì người bào chữa còn có quyền gặp người mà mình bào chữa để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án. Việc người bào chữa gặp bị can, bị cáo tại ngoại không có nhiều vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, vấn đề người bào chữa gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam lại đang là vấn đề tranh luận. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, thì người bào chữa chỉ được gặp và hỏi hoặc trao đổi với bị can, bị cáo đang bị tạm giam khi có mặt của Điều tra viên hoặc với sự giám sát của cơ sở giam giữ. Ý kiến khác, trong đó có Tác giả Vũ Văn Hoàng thì cho rằng cần có quy định để người bào chữa gặp riêng bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Quan điểm nào cũng có yếu tố hợp lý.
Tuy nhiên, có một vấn đề “tế nhị” ai cũng biết nhưng ít người nói ra là việc mớm lời khai của người bào chữa. Về mặt bản chất, thì việc mớm lời khai của người bào chữa cũng là đặt câu hỏi hoặc dùng cách này hay cách khác có tính chất gợi ý để người được hỏi trả lời theo ý muốn chủ quan của người hỏi. Việc mớm lời khai của người bào chữa (có trường hợp) cũng làm cho lời khai không chính xác, không phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án. Không phải tất cả, nhưng có không ít người bào chữa đã dàn dựng một “kịch bản” như vậy khi gặp riêng bị can, bị cáo và “kịch bản” ấy được công diễn tại phiên tòa. Việc có mặt của Điều tra viên hoặc với sự giám sát của cơ sở giam giữ khi người bào chữa gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam sẽ “cản trở” việc mớm lời khai của người bào chữa.
Như vậy, dù là mớm cung, ép cung dưới bất cứ hình thức nào thì cũng không thể chấp nhận vì nó làm cho việc điều tra vụ án trở nên không khách quan, sự thật bị xáo trộn, và dẫn tới những kết luận, những bản án sai lệch gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hợp pháp của người bị buộc tội. Việc mớm lời khai của người bào chữa (mặc dù chưa có quy định nào của Bộ luật tố tụng hình sự cấm) nhưng cũng có nguy cơ gây khó khăn cho việc xác định sự thật của vụ án. Pháp luật tố tụng hình sự quy định những biện pháp để hai bên buộc tội (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) và gỡ tội (bào chữa) giám sát nhau để thực hiện nguyên tắc và nhằm mục đích xác định sự thật của vụ án. Vậy tại sao người bào chữa tham gia “giám sát” hoạt động của Điều tra viên khi hỏi cung bị can thì được mà Điều tra viên tham gia “giám sát” hoạt động của người bào chữa thì lại không đươc?
Ảnh minh họa: Kiemsat.vn
Bài liên quan
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Tiếp tục khởi tố 5 bị can là nguyên Bí thư, Chủ tịch của tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn
-
Tội danh bị truy tố của 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận