Về nghĩa vụ chịu án phí khi Tòa án công nhận sự thỏa thuận của đương sự
Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 07/11/2019 có đăng bài “Xác định nghĩa vụ chịu án phí khi Tòa án công nhận sự thỏa thuận của đương sự”, trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật liên quan và thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, chúng tôi thấy có hai vấn đề cần xác định rõ.
Thứ nhất, cần làm rõ vì sao hòa giải thành các đương sự phải thỏa thuận án phí, còn khi xét xử thì án phí do Tòa án quyết định.
Theo quy định khoản 2 Điều 212 của BLTTDS năm 2015 thì “Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án”. Thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án được hiểu là ngoài các việc thỏa thuận được từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì các đương sự phải thỏa thuận cả án phí. Nếu đương sự không thỏa thuận được án phí thì không coi là hòa giải thành và đương nhiên sẽ không được Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.
Vậy vì sao khi hòa giải thành các đương sự phải thỏa thuận án phí, còn khi Tòa án xét xử thì án phí do Tòa án quyết định? Bởi vì, khi hòa giải các đương sự có quyền tự thương lượng, thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án. Tòa án chỉ làm nhiệm vu trung gian và Tòa án chỉ ra quyết định để công sự thỏa thuận của đương sự mà không hề đưa ra bất kỳ quyết định mang tính bắt buộc nào (kể cả quyết định đương sự nào phải chịu án phí) như bản án của Tòa án khi đưa vụ án ra xét xử. Điều này thể hiện sự bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ của các đương sự khi tham gia tố tụng. Việc hòa giải thành sẽ rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, tiết kiệm công sức, chí phí đi lại … của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cả nguyên đơn.
Chính vì lý do như vậy mà tại khoản 3 Điều 147 của BLTTDS năm 2015 mới có quy định như sau: “Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”. Sau đó, Nghị quyết số 326 cũng cụ thể hóa quy định này như sau: “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.”. Cụm từ “họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm” hay “phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.” Cần được hiểu là “tất cả các bên đương sự” khi tham gia vào quá trình thương lượng, hòa giải tranh chấp trong vụ án chứ không phải chỉ là một bên đương sự có nghĩa vụ nào đó. Ngoài ra, cũng chính vì quy định án phí hòa giải thành các đương sự phải chịu nên định tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326 mới có quy định như sau: “Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định, của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp”. Điều này sẽ khắc phục tình trạng trong vụ án có một bên đương sự thuộc trường hợp được miễn án phí đã thỏa thuận chịu toàn bộ án để nhằm mục đích được miễn hết án phí làm thất thu ngân sách nhà nước.
Thứ hai, vì sao hiện nay đa số ý kiến cho rằng khi hòa giải thành các bên đương sự phải chịu 50% trên tổng số tiền án phí quy định các đương sự phải chịu, nếu các đương sự không thỏa thuận được án phí.
Cần khẳng định rằng hiện nay, không có văn bản nào quy định cụ thể là khi hòa giải thành các bên đương sự phải chịu 50% trên tổng số tiền án phí quy định các đương sự phải chịu, nếu các đương sự không thỏa thuận được án phí. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng trong dân sự, quyền và nghĩa vụ của đương sự ngang nhau nên nghĩa vụ chịu án phí của đương sự cũng ngang nhau (tức là mội bên đương sự phải chịu 50%). Điều này tương tự như án phí ly hôn trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn. Án phí ly hôn là do nguyên đơn chịu không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn. Tuy nhiên, nếu đương sự tự nguyện thuận tình ly hôn thì nguyên đơn, bị đơn phải chịu 25% án phí quy định tức là mỗi bên chịu 75.000 đồng (Xem Công văn số 72/TANDTC-PC ngày 11/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao).
Tóm lại, việc các đương sự đã thỏa thuận được các vấn đề tranh chấp cần giải quyết trong vụ án mà không thỏa thuận được án phí để Tòa án đưa vụ án ra xét xử là rất ít. Hòa giải thành được hay không phụ thuộc vào kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Tuy nhiên để tháo gỡ vướng mắc hiện nay về tỷ lệ % án phí mà các đương sự phải chịu trong vụ án hòa giải thành, TANDTC cần có giải đáp hoặc hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật về án phí được thống nhất trong thực tiễn.
Trên đây là quan điểm cá nhân xin trao đổi cùng bạn đọc và đồng nghiệp.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
3 Bình luận
ongtam
09:16 01/01.2025Trả lời
4 phản hồi
Trần Tèo
09:16 01/01.2025Trả lời
Thu thao
09:16 01/01.2025Trả lời
2 phản hồi