Về thời điểm tính thời gian thử thách của án treo
Theo Điều 5 Nghị quyết 02/2018 về hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS năm 2015 về án thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo từ khi tuyên án (Bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm..). Quy định như vậy là chưa phù hợp với khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án hình sự.
Điều 5 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của TAND tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS năm 2015 về án treo quy định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách như sau:
“1. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
2. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
3. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.
4. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
5. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.
6. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
7. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
8. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.”
Việc căn cứ vào các quy định trên đây để tính thời gian thử thách của người phải thi hành án cho thấy ở một khía cạnh nào đó còn gây bất lợi cho người chấp hành án, chưa phù hợp với Luật Thi hành án hình sự và không đảm bảo trong việc giám sát người chấp hành án.
Theo Điều 5 Nghị quyết 02/2018 trên đây, thì về cơ bản thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo từ khi tuyên án (Bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm..). Quy định như vậy là chưa phù hợp với khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2010, theo đó, bản án, quyết định được thi hành là bản án, quyết định có hiệu lực và đã có quyết định thi hành án…; hơn nữa, còn gây khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án. Trên thực tế, khoảng thời gian từ khi tuyên án đến khi giao người bị kết án cho người được phân công giám sát giáo dục không phải là thời gian ngắn, nếu nhanh cũng phải 01 tháng 15 ngày, chưa kể đến việc bản án bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bản án bị giám đốc thẩm thì có thể kéo dài đến hàng năm. Vậy trong thời gian này ai sẽ là người quản lý, giáo dục đối với người chấp hành án.
Ví dụ: Tháng 12/01/2016, Nguyễn Văn A bị Tòa án tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng. Sau khi A bị tuyên án, A không đồng tình và có đơn kháng cáo. Ngày 20/3/2016, Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm. Sau khi cấp phúc thẩm tuyên án, A tiếp tục khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm, do bản án có vi phạm về trình tự thủ tục tố tụng nên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại. Sau khi điều tra và xét xử lại thì ngày 20/7/2017, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử và tuyên phạt A 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và thời gian thử thách 18 tháng. Như vậy, nếu theo cách tính tại khoản 5 Điều 5 Nghị quyết 02/2018 nêu trên thì thời gian chấp hành án của A đã xong và đương nhiên Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nơi A cư trú phải cấp giấy đã chấp hành xong thời gian thử thách cho A. Trong khi đó cơ quan này chưa kịp triệu tập A đến UBND nơi A cư trú để cam kết chấp hành án và lập hồ sơ thi hành án do đã hết thời gian (quá 18 tháng kể từ khi xét xử án sơ thẩm lần đầu). Như vậy, không giao được A cho UBND phân công người giám sát giáo dục đối với A, UBND xã cũng không thể làm hồ sơ để đề nghị cơ quan thi hành án hình sự công an huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách đối với A vì không có hồ sơ theo quy định trong giám sát, giáo dục.. Trong khi đó, việc cấp giấy chấp hành xong thời gian thử thách phải căn cứ vào hồ sơ do UBND được giao giám sát giáo dục lập hồ sơ trình Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trước khi hết thời gian chấp hành án 03 ngày.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị liên ngành tư pháp Trung ương cần xem xét sửa đổi thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo cho phù hợp và vẫn đảm bảo việc giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án theo hướng: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày người bị kết án phải đến Tòa án nơi kết án nhận quyết định thi hành án và bản án và nộp cho UBND cấp xã nơi người bị kết án cư trú hoặc đơn vị quân đội nơi người đó đóng quân, làm việc để giám sát giáo dục đối với người bị kết án.
Thời gian thử thách tính từ khi UBND cấp xã hoặc đơn vị Quân đội nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án của Tòa án do người chấp hành án nộp. Đồng thời UBND cấp xã hoặc đơn vị Quân đội nơi người phải thi hành án đóng quân, cư trú có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu và Tòa án để phối hợp trong việc theo dõi, quản lý người chấp hành án.
Theo kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận