Về thủ tục tiến hành phiên hòa giải kết hợp với phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ
Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thể hiện nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, việc áp dụng Bộ luật trong thực tiễn xét xử cũng đã gặp những khó khăn nhất định, do một số quy định chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và áp dụng của các cơ quan tố tụng còn khác nhau. Trong phạm vi bài viết tác giả tập trung làm rõ các quy định của pháp luật tố tụng về thủ tục tiến hành phiên hòa giải kết hợp với phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, các trường hợp không tiến hành hòa giải được, việc hòa giải vắng mặt đương sự trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử.
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 207 BLTTDS 2015[1] quy định: (i) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt (khoản 1 Điều 207); (ii) đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng (khoản 2 Điều 207), được coi là những trường hợp “không tiến hành hòa giải được”. Hệ quả pháp lý của quy định nêu trên là Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải theo khoản 2 Điều 208. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 209, Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp và hòa giải khi có đương sự vắng mặt nếu các đương sự có mặt không yêu cầu hoãn phiên hòa giải và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt.
Các quy định trên đặt ra một số vấn đề sau. Trong trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà có đương sự nêu tại khoản 1 Điều 207 hoặc khoản 2 Điều 207 vắng mặt, Thẩm phán có tiến hành phiên họp và hòa giải khi đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 209 và sau đó cũng không phải triệu tập lần thứ hai, hay phải hoãn phiên họp? Trong trường hợp có đương sự vắng mặt lần thứ hai mà các đương sự yêu cầu hoãn phiên họp và hòa giải hoặc việc tiến hành phiên họp và hòa giải có thể ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt (theo khoản 3 Điều 209) thì Tòa án có tiếp tục hoãn phiên họp hay không? Đương sự có lý do chính đáng không thể tham gia hòa giải lần thứ nhất hay lần thứ bao nhiêu được coi là trường hợp “không tiến hành hòa giải được”? Nếu tất cả các đương sự đều không thể tham gia hòa giải vì có lý do chính đáng thì có được đưa vụ án ra xét xử khi không thể tiến hành được việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ?
Tác giả cho rằng, sau lần triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà có đương sự vắng mặt dù có lý do chính đáng hay không thì Tòa án phải áp dụng khoản 3 Điều 209 để quyết định có tiến hành phiên họp và hòa giải hay hoãn phiên họp. Nếu không thể tiến hành phiên họp và hòa giải theo khoản 3 Điều 209, sau khi triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn có đương sự vắng mặt thì Tòa án có thể áp dụng khoản 3 Điều 209 để tiến hành phiên họp và hòa giải hoặc áp dụng khoản 2 Điều 208 để tiến hành phiên họp mà không hòa giải, tùy vào trường hợp cụ thể. Trong trường hợp tất cả các đương sự đều vắng mặt (kể cả ngay lần đầu triệu tập) vì có lý do chính đáng thì cần hướng dẫn theo hướng Tòa án có quyền đưa vụ án ra xét xử mà không cần tiến hành việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.
Một số vấn đề nêu trên đã gặp phải trong một vụ án cụ thể[2] và quan điểm của các cấp Tòa án là khác nhau. Trước khi phân tích, đánh giá các vấn đề nêu trên, tác giả sẽ tóm tắt việc giải quyết vụ án đó.
Vụ án cụ thể
Ông Trần T. (Nguyên đơn) và bà Nguyễn A. (Bị đơn), có ký hợp đồng đặt cọc về việc bà A. bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông T. Tuy nhiên, theo nguyên đơn, sau khi đặt cọc bị đơn không thực hiện các cam kết nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc, ký hợp đồng mua bán nhà và chuyển sử dụng đất hoặc phải trả lại tiền cọc và tiền phạt cọc do vi phạm cam kết.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định, bà Đào Thị T. là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia vụ kiện (vì bà T. là vợ của nguyên đơn). Bà T. đã chấp hành theo các giấy triệu tập của Tòa án đến tòa để nhận thông báo thụ lý vụ án và làm việc về nội dung khởi kiện, viết bản khai theo quy định, sau đó bà T. đã làm giấy ủy quyền cho nguyên đơn. Sau đó Nguyên đơn có giấy ủy quyền cho ông Nguyễn M. tham gia vụ kiện với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.
Xác định vụ án không thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được, Thẩm phán đã triệu tập các đương sự đến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. ông T. đã nhận được thông báo phiên họp, hòa giải và giấy triệu tập nhưng vắng mặt không tham gia phiên họp. Tại phiên họp, sau khi Thẩm phán giải thích quyền, nghĩa vụ, công bố sự vắng mặt của đại diện ủy quyền của người có quyền, nghĩa vụ liên quan, các đương sự có mặt (những người đại diện ủy quyền của nguyên đơn và bị đơn) không có yêu cầu hoãn phiên họp nên căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 209, Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và tiến hành hòa giải. Tại phần hòa giải đã ghi nhận ý kiến trình bày của các đương sự, cụ thể: các bên đương sự thống nhất thỏa thuận: có ký hợp đồng đặt cọc về việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng các bên không thống nhất với nhau toàn bộ về cách thức giải quyết vụ án. Sau đó, Tòa án cấp sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 733/2016/DS-ST ngày 15/9/2016 Tòa án nhân dân quận X, Thành phố Y bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ngày 20/9/2016, nguyên đơn và bà T. – người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo.
Tại Bản án phúc thẩm số 14/2017/DS-PT ngày 05/01/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Y đã tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm nêu trên; vì cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tụng tố tụng và ảnh hưởng quyền và nghĩa vụ của đương sự, cụ thể: Ông T. là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất tham gia phiên họp hòa giải nhưng Tòa án sơ thẩm xác định vụ án thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được và đưa vụ án ra xét xử là không phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 207 nên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự. Ngoài ra theo quy định tại khoản 3 Điều 209 của BLTTDS 2015 về thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì trường hợp trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì tòa án tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; Trường hợp người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà T. (đại diện ông T.) vắng mặt tại phiên hòa giải ngày 12/8/2016 nhưng Tòa án sơ thẩm vẫn tiến hành hòa giải là ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của bà T. Do đó, việc Tòa án sơ thẩm xác định vụ án thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được khi triệu tập người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt và thực hiện tiến hành hòa giải khi vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự”.
1.Trong trường hợp đương sự vắng mặt lần đầu, Tòa án có thể tiến hành phiên họp khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 209 và cũng không phải triệu tập lần hai, hay phải hoãn phiên họp?
Trước hết, trở lại tình huống trên, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm “xác định vụ án thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được và đưa vụ án ra xét xử là không phù hợp quy định khoản 1 Điều 207 nên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự”[3]. Căn cứ vào tình tiết vụ án và tiến trình tố tụng mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành cho thấy không có cơ sở để cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đây là vụ án không tiến hành hòa giải được. Thực tế, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đối với vụ án này, và kết quả là các đương sự có mặt chỉ thừa nhận việc có tồn tại hợp đồng đặt cọc,còn lại không thống nhất được cách giải quyết của vụ án.
Có ý kiến cho rằng, quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm về cách hiểu và áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 207 “bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt” là Tòa án phải triệu tập hòa giải hai lần hợp lệ mà bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn cố tình vắng mặt thì mới có đủ cơ sở để xác định vụ án này thuộc trường hợp “không tiến hành hòa giải được”, có như vậy mới đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã vội vàng khi mới triệu tập bà T. là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án lần thứ nhất để hòa giải và khi hòa giải không thành đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử là không phù hợp với quy định của pháp luật
Theo tác giả, cách tiếp cận nêu trên đối với quy định tại khoản 1 Điều 207 là không phù hợp. Không có quy định nào của BLTTDS 2015 bắt buộc phải tiến hành hòa giải hai lần và phải triệu tập bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hai lần Tòa án mới được đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Quy định tại khoản 1 Điều 207 cũng không minh thị Tòa án phải triệu tập bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hai lần. Nói một cách khác, quy định tại khoản 1 Điều 207 chỉ áp dụng trong trường hợp nếu bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ lần một mà vắng mặt và Tòa án không có cơ sở để tiến hành phiên họp theo khoản 3 Điều 209, khi đó Tòa án mới phải triệu tập lần hai và trường hợp sau khi đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai đương sự đó cố tình vắng mặt thì được coi là trường hợp không tiến hành hòa giải được. Cách hiểu này mới phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 209.
Khoản 3 Điều 209 quy định: “Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và mở lại phiên họp cho đương sự”.
Khoản 3 Điều 209 áp dụng trong trường hợp “có đương sự vắng mặt” mà không quy định là “vắng mặt lần thứ hai”. Điều đó có nghĩa, lần thứ nhất triệu tập hợp lệ mà có đương sự vắng mặt có lý do chính đáng hoặc không có lý do chính đáng, Tòa án cần phải xem xét các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 209. Nếu có đủ điều kiện thì Tòa án phải tiến hành phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và tiến hành hòa giải. Vấn đề còn lại là trong trường hợp hòa giải không thành, Tòa án có quyền đưa vụ án ra xét xử hay Tòa án phải triệu tập tiếp lần thứ hai đối với đương sự vắng mặt (có lý do chính đáng hoặc cố tình vắng mặt)? Về vấn đề này, có hai quan điểm như sau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc tiến hành phiên họp là giữa các đương sự có mặt còn đương sự vắng mặt vẫn chưa có cơ hội để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và tiến hành hòa giải. Do đó, vẫn phải triệu tập lần thứ hai để đương sự vắng mặt có cơ hội thực hiện những quyền nêu trên. Chỉ khi nào triệu tập lần thứ hai mà đương sự đó lại tiếp tục vắng mặt không có lý do chính đáng mới áp dụng khoản 1 Điều 207, còn nếu vắng mặt có lý do chính đáng phải áp dụng khoản 2 Điều 207, để coi đây là trường hợp không tiến hành hòa giải được.
Quan điểm thứ hai ngược lại, không cần phải triệu tập lần thứ hai, bởi lẽ, khoản 3 Điều 209 đã quy định rõ về việc chỉ tiến hành phiên họp và hòa giải khi việc tiến hành phiên họp không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Điều đó có nghĩa, khi xét thấy đương sự vắng mặt cần phải được kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và tham gia hòa giải, thì việc tiến hành phiên họp là ảnh hưởng đến quyền của đương sự vắng mặt và do đó, Tòa án không thể tiến hành phiên họp. Mặt khác, nếu vẫn phải triệu tập lần thứ hai (theo quan điểm thứ nhất) thì có nghĩa việc tiến hành phiên họp tại lần triệu tập thứ nhất (theo khoản 3 Điều 209) là không có ý nghĩa vì “kiểu gì” Tòa án vẫn phải triệu tập một lần nữa đối với tất cả các đương sự. Ngoài ra, nếu phải hiểu theo hướng phải triệu tập lần thứ hai trong mọi trường hợp, nhà làm luật đã quy định về việc chỉ có thể coi là không tiến hành hòa giải được khi đương sự vắng mặt lần thứ hai cho dù có lý do chính đáng hoặc không có lý do chính đáng mà không phải tách ra làm hai khoản 1 và 2 Điều 207. Đó là chưa nói đến việc cũng không có quy định nào của BLTTDS 2015 về việc phải triệu tập đương sự hai lần cho phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và tiến hành hòa giải.
Tác giả cho rằng, quan điểm thứ hai là hợp lý. Với cách hiểu này, nếu có đương sự vắng mặt lần triệu tập thứ nhất mà Tòa án thấy đương sự đó cần phải được kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải để bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp của họ thì Tòa án không tiến hành phiên họp.
Trong trường hợp không thể tiến hành phiên họp và hòa giải theo khoản 3 Điều 209 đương nhiên Tòa án phải hoãn phiên họp và hòa giải để triệu tập đương sự lần thứ hai. Tại lần triệu tập thứ hai, trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập lần thứ nhất đã vắng mặt nay lại tiếp tục vắng mặt lần thứ hai không có lý do chính đáng Tòa án không thể tiến hành phiên họp (nếu lý do mà phiên họp lần thứ nhất bị hoãn là việc tiến hành phiên họp và hòa giải ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người đó) và Tòa án cũng không thể tiếp tục hoãn phiên họp theo yêu cầu của các đương sự có mặt bởi lẽ đây thuộc trường hợp đương sự đã được triệu tập lần hai mà cố tình vắng mặt. Và như vậy, Tòa án phải áp dụng khoản 1 Điều 207 để coi là trường hợp không thể tiến hành hòa giải được và áp dụng khoản 2 Điều 208 để tiến hành việc kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.
Tuy nhiên, trong trường hợp nêu trên (Tòa án không thể tiến hành hòa giải theo khoản 1 Điều 209 tại lần triệu tập thứ nhất) mà có đương sự vắng mặt lần thứ hai có lý do chính đáng Tòa án giải quyết thế nào nếu việc tiến hành phiên họp và hòa giải có thể ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người đó hoặc các đương sự có mặt đề nghị Tòa án hoãn phiên họp? Liệu Tòa án có thể áp dụng khoản 2 Điều 207 để cho rằng đây thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được để tiếp tục mở phiên họp theo khoản 2 Điều 208 hay Tòa án phải hoãn phiên họp? Tác giả cho rằng, trong trường hợp này Tòa án có thể áp dụng khoản 2 Điều 207 vì hai lý do sau. Thứ nhất, khoản 2 Điều 207 chỉ quy định về việc “đương sự vắng mặt có lý do chính đáng” được coi là trường hợp không tiến hành hòa giải được mà không quy định vắng mặt có lý do chính đáng lần thứ hai, thứ ba… Thứ hai, nếu Tòa án hoãn phiên họp theo khoản 3 Điều 209 sẽ dẫn đến khả năng Tòa án phải hoãn phiên họp nhiều lần khi các đương sự lần lượt vắng mặt có lý do chính đáng tại các lần triệu tập tiếp theo sau đó. Và như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 207 sẽ trở nên vô nghĩa.
Cũng với căn cứ “đương sự vắng mặt có lý do chính đáng” quy định tại khoản 2 Điều 207, một vấn đề liên quan được đặt ra là, liệu đương sự vắng mặt có lý do chính đáng ngay từ lần triệu tập thứ nhất Tòa án có thể coi đó là trường hợp không tiến hành hòa giải được để áp dụng khoản 2 Điều 208, khi mà bản thân điều luật này (khoản 2 Điều 207) chỉ quy định chung chung “đương sự vắng mặt có lý do chính đáng”? Ở đây, có hai khả năng có thể xảy ra.
Thứ nhất: Tất cả các đương sự đều vắng mặt có lý do chính đáng tại lần triệu tập đầu tiên và Tòa án có thể coi đây là trường hợp không thể tiến hành hòa giải được không? Nếu coi là trường hợp không tiến hành hòa giải được thì cũng không thể tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không hòa giải (áp dụng theo khoản 2 Điều 208) vì “có ai đâu” để tiến hành việc kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Và như vậy, rõ ràng, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ không bắt buộc phải được tiến hành trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Nếu chưa thể coi đây là trường hợp không tiến hành hòa giải được thì Tòa án phải hoãn phiên họp và giả sử các lần triệu tập tiếp theo mà tất cả các đương sự lại tiếp tục vắng mặt có lý do chính đáng thì phiên họp phải hoãn đến bao giờ?
Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp này nếu vẫn còn thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đủ để Tòa án tiến hành phiên họp và hòa giải thì Tòa án cần tiếp tục triệu tập đương sự bởi lẽ khoản 1 Điều 205 quy định: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án...”
Tác giả cho rằng, khoản 1 Điều 205 quy định về nghĩa vụ tiến hành hòa giải của Tòa án nhưng có “trừ những vụ án… không tiến hành hòa giải được theo… Điều 207…”, có nghĩa khi có cơ sở để áp dụng Điều 207 nghĩa vụ tiến hành hòa giải của Tòa án được miễn trừ. Khoản 2 Điều 207 chỉ quy định là đương sự vắng mặt có lý do chính đáng mà không quy định vắng mặt lần thứ hai, lần thứ ba… nên hoàn toàn có thể hiểu trong trường hợp có tất cả các đương sự vắng mặt có lý do chính đáng ở lần đầu triệu tập, Tòa án không phải triệu tập lần thứ hai mà có thể coi đây là trường hợp không tiến hành hòa giải được (vì không thể áp dụng được khoản 3 Điều 209) cũng như không tiến hành được việc kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ (vì cũng không thể áp dụng được khoản 2 Điều 208). Và như vậy, Tòa án có thể ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử mà không nhất thiết phải xem xét còn thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm hay không để tiếp tục tiến hành triệu tập đương sự.
Thứ hai: Nếu một trong các đương sự vắng mặt có lý do chính đáng, như đã phân tích ở trên, Tòa án phải áp dụng khoản 3 Điều 209 để xem có thể tiến hành việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hay không[4]. Khi không thể tiến hành phiên họp hoặc có yêu cầu hoãn phiên họp của các đương sự có mặt thì Tòa án phải hoãn phiên họp và tiếp tục triệu tập đương sự lần thứ hai. Tại lần triệu tập lần thứ hai mà có đương sự vắng mặt (có lý do chính đáng hoặc không có lý do chính đáng), tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án áp dụng khoản 3 Điều 209 (nếu có thể tiến hành phiên họp và hòa giải được) hoặc khoản 2 Điều 207 BLTTDS, khoản 1 Điều 207 (nếu không thể tiến hành phiên họp và hòa giải được hoặc các đương sự đề nghị hoãn phiên họp) để coi là trường hợp không tiến hành hòa giải được và mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải theo khoản 2 Điều 208, như đã phân tích ở phần trên.
Tóm lại, tác giả cho rằng, cần phải có hướng dẫn cụ thể đối với những vấn đề nêu trên để tránh trường hợp áp dụng không thống nhất hoặc có cách hiểu khác nhau giữa các Tòa án về việc khi nào áp dụng khoản 1 và khoản 2 Điều 207, khi nào áp dụng khoản 3 Điều 209 và hiểu các quy định đó cụ thể và chính xác ra sao để vừa bảo đảm nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự, vừa bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động tố tụng…
Trở lại vụ án nêu trên, như đã phân tích, tác giả cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 3 Điều 209 ngay tại lần triệu tập đầu tiên là hoàn toàn đúng đắn. Việc Tòa án cấp phúc thẩm nhận định đây chưa thể là trường hợp “không thể tiến hành hòa giải được” với ngầm ý rằng Tòa án cấp sơ thẩm cần phải triệu tập lần thứ hai là không có cơ sở.
Vấn đề tiếp theo cần phải phân tích và làm rõ là khi nào Tòa án có thể tiếp tục phiên họp để hòa giải, căn cứ khoản 3 Điều 209?
2.Điều kiện để tiến hành phiên họp khi có đương sự vắng mặt theo khoản 3 Điều 209 BLTTDS 2015
Khoản 3 Điều 209 quy định, như sau: “Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt…”
Quy định trên cho thấy, để Tòa án có thể tiến hành phiên họp, cần phải đáp ứng đầy đủ hai điều kiện: (i) các đương sự có mặt đồng ý tiến hành phiên họp; và (ii) việc tiến hành phiên họp không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt.
Rõ ràng, quy định về phiên họp ở đây bao gồm hai nội dung: kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; và tiến hành hòa giải. Điều đó có nghĩa rằng ngay khi chưa bắt đầu phiên họp và hòa giải nếu Tòa án xét thấy cần phải đảm bảo cho đương sự vắng mặt được kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và họ phải được tham gia hòa giải (hoặc kết quả hòa giải có thể ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt) thì việc tiến hành phiên họp là có thể ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt; và do đó, Tòa án phải hoãn phiên họp.
Đối với trường hợp sau khi đã tiến hành phiên họp nhưng trong phiên họp Thẩm phán nhận thấy nội dung phiên họp (kể cả nội dung hòa giải giữa các đương sự có mặt) ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt, Tòa án phải hoãn phiên họp và thông báo sẽ tiếp tục triệu tập các đương sự lần thứ hai để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các đương sự, đặc biệt là đương sự vắng mặt. Trong trường hợp này, Tòa án cũng không thể ghi nhận các nội dung hòa giải mà các đương sự có mặt đã thỏa thuận được bởi lẽ kết quả hòa giải đó ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt.
Những phân tích ở các phần trên cũng cho thấy, sau khi tiến hành phiên họp và hòa giải mà vắng mặt một trong số các đương sự và Tòa án nhận thấy nội dung mà các bên hòa giải thành hoặc không thành cũng không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Tòa án hoàn toàn có quyền ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật mà không phải triệu tập lần thứ hai và cũng không phụ thuộc vào việc thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vẫn còn.
Trở lại vụ án nêu trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định vẫn tiến hành phiên họp là hoàn toàn có cơ sở nếu như nội dung phiên họp không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của bà T. Vấn đề ở chỗ, việc bà T. không được kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và việc ông T. và bà A. “chốt” được việc hai bên đã ký hợp đồng đặt cọc có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của bà T. với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan hay không.
Trước hết, về nội dung “hòa giải” giữa nguyên đơn và bị đơn. Việc hai bên “chốt” được với nhau về việc có ký hợp đồng đặt cọc rõ ràng là không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của bà T. bởi lẽ, chính yêu cầu của nguyên đơn và bà T. là theo hướng đề nghị Tòa án căn cứ vào hợp đồng đặt cọc để bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn. Vấn đề còn lại là liệu bà T. không được kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trước khi mở phiên tòa sơ thẩm có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của bà T. hay không và nếu có ảnh hưởng thì đây có phải là trường hợp “vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp” của bà T. để hủy án hoàn toàn là vấn đề về quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá trên hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, rất tiếc là Tòa án cấp phúc thẩm không phân tích cụ thể nội dung này trong phán quyết của mình mà lẽ ra Tòa án cấp phúc thẩm cần phải có nhận định cụ thể.
Trên đây là những trao đổi, phân tích theo quan điểm riêng của tác giả từ một vụ án cụ thể trong thực tiễn khi áp dụng các Điều 207, 208 và 209 BLTTDS 2015. Tác giả hy vọng nhận được các ý kiến chuyên môn trao đổi về những vấn đề còn gây tranh cãi này. Tác giả cũng mong muốn TANDTC sớm có văn bản hướng dẫn giải quyết các vướng mắc nêu trên để giúp cho việc áp dụng hiệu quả và thống nhất của các Tòa án – đặc biệt đối với các quy định mới bổ sung của BLTTDS 2015./.
[1] Các dẫn chiếu đến các điều luật ở các phần dưới đây là dẫn chiếu đến các điều luật của BLTTDS 2015.
[2] Vụ án dân sự thụ lý số 227/2016/TLST-DS ngày 31 tháng 5 năm 2016 về việc “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà- đất” của Tòa án nhân dân quận X, Thành phố Y.
[3] Nội dung này được ghi nhận tại Bản án phúc thẩm số 14/2017/DS-PT ngày 05/01/2017.
[4] Bởi lẽ, nếu đương sự vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng mà Tòa án đã coi đây là trường hợp không tiến hành hòa giải được để áp dụng ngay quy định tại khoản 2 Điều 208 sẽ làm vô hiệu quy định tại khoản 3 Điều 209.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận