Về thực hiện nguyên tắc đảm bảo tranh tụng theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành
“Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” được quy định tại 5 Điều 163 Hiến pháp năm 2013; được cụ thể hóa tại Điều 12 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả nêu ba vấn đề trọng tâm có ảnh hưởng quyết định đến việc thực thi hiệu quả mô hình tố tụng tranh tụng.
1. Quy định của pháp luật
Điều 24 BLTTDS năm 2015 quy định về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử như sau:
“1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.
2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.
3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.”
So với BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì đây là nội dung mới được hiệu đính từ quy định về nguyên tắc đảm bảo quyền tranh luận trong tố tụng dân sự tại Điều 23a về Bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự, quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.”
Như vậy, có thể thấy, pháp luật Việt Nam đã khẳng định cải cách theo xu hướng của mô hình tố tụng tranh tụng. Chúng tôi cho rằng xu hướng này là hoàn toàn phù hợp - đặc biệt trong giải quyết các tranh chấp dân sự và nên xem xét để không ngừng hoàn thiện. Bởi lẽ, việc tìm ra sự thật, giải quyết tranh chấp dân sự bảo vệ quyền lợi của các bên đương sự hơn hết, chính các bên/luật sư các bên là người thấu hiểu để xử lý và giải quyết các tranh chấp này. Tòa án cũng như trọng tài cần xem đây là bên thứ ba trung gian giúp các bên giải quyết tranh chấp của chính họ.
BLTTDS năm 2015 cũng có quy định mới và hoàn thiện hơn về thời hạn giao nộp chứng cứ, về phiên họp giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải nhằm để triển khai có hiệu quả và đáp ứng nội dung quy định của nguyên tắc tranh tụng…
Qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng có 03 vấn đề trọng tâm có mối liên hệ với nhau và có ảnh hưởng mạnh mẽ và quyết định đến việc thực thi hiệu quả mô hình tố tụng tranh tụng này, đó là: (1) khẳng định vai trò của Tòa án chỉ là bên thứ ba trung gian để giúp các đương sự tìm ra sự thật và giải quyết tranh chấp; (2) mối tương quan về quy định ấn định thời hạn đương sự giao nộp chứng cứ cho Tòa án với việc tổ chức và tiến hành phiên họp giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải; và (3) việc xác định cái nào đương sự đã xác nhận không có tranh chấp và ngược lại, cái nào còn tranh chấp để chuẩn bị cho việc xét xử tại phiên tòa cũng như cho việc triển khai có hiệu quả bước thẩm vấn tại phiên tòa sơ thẩm.
2.Tòa án là bên thứ ba trung gian để giúp các đương sự tìm ra sự thật và giải quyết tranh chấp
Trong quá trình triển khai xây dựng pháp luật huớng dẫn áp dụng thống nhất cũng như trong thực tiễn xét xử cần thiết phải khẳng định mạnh mẽ vai trò thứ ba trung gian của Tòa án vào quá trình giải quyết tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp về kinh doanh, thương mại tại Tòa án nói riêng. Để làm được điều này, cần thiết áp dụng và triển khai thống nhất, phổ biến và quán triệt quy định tại Điều 5 BLTTDS năm 2015 về nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự vào trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự.
Các nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong quá trình xem xét và giải quyết vụ việc dân sự (khoản 2 Điều 203 BLTTDS năm 2015) cũng phải được thực hiện dựa trên nền tảng quan điểm của nguyên tắc này để đảm bảo cho đương sự có quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ tại Tòa án. Nói rõ hơn, chính các bên đương sự là chủ thể xác định các vấn đề tranh chấp, phạm vi xét xử của vụ án dân sự.
2.Xác định chứng cứ giao nộp và việc ấn định thời hạn đương sự giao nộp chứng cứ
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án (Khoản 1 Điều 96 BLTTDS năm 2015), thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm (Quy định tại Khoản 4 Điều 96 BLTTDS năm 2015). Như vậy, đương sự được phép giao nộp tài liệu, chứng cứ cho đến khi nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử (theo Khoản 3 Điều 203 BLTTDS năm 2015).
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 203 BLTTDS năm 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán phải tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ (Phiên họp). Phiên họp này được tổ chức trước khi Thẩm phán ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Như vậy, thì việc giao nộp tài liệu, chứng cứ có thể được phép thực hiện sau phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Điều này không phù hợp với mục đích của quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ là để các bên được tiếp cận với tất cả chứng của các bên khác trước khi tổ chức phiên tòa sơ thẩm.
Đây là điểm rất mấu chốt và quan trọng, đặc biệt để áp dụng hiệu quả mô hình tố tụng tranh tụng. Việc ấn định thời điểm phù hợp không chỉ có ý nghĩa thuận lợi trong quá trình tố tụng mà quan trọng hơn cả là sẽ giúp cho các đương sự thể hiện đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của họ trong việc chủ động cung cấp chứng cứ, tài liệu làm cơ sở cho Tòa án giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ tranh chấp. Ngoài ra, điều này hoàn toàn phù hợp để Tòa án và các đương sự có điều kiện xem xét các chứng cứ, tài liệu một cách công khai tại Phiên họp. Có như vậy Tòa án mới có điều kiện xem xét tổng thể các tài liệu chứng cứ tại Phiên họp đồng thời chốt các vấn đề còn tranh chấp trước khi tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Do đó, chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng cần có hướng dẫn quy định này của BLTTDS năm 2015 theo hướng thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ chỉ được tính cho đến trước khi Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ (quan điểm của tác giả Trần Thị Huyền Vân trong bài viết “Giao nộp tài liệu, chứng cứ và việc hủy án sơ thẩm liên quan đến thu thập chứng cứ” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10 – 2021).
Vấn đề về việc giao nộp tài liệu, chứng cứ sau thời hạn quy định, cụ thể là sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử: Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm (theo quy định tại Khoản 4 Điều 96 BLTTDS năm 2015).
Theo quy định nêu trên, đối với những chứng cứ mà Tòa án không yêu cầu giao nộp mà đương sự đã biết hoặc đã có thể biết trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, thì đương sự vẫn có quyền giao nộp và trình bày tại phiên tòa sơ thẩm. Với quy định trách nhiệm của đương sự phải trình bày về việc giao nộp chứng cứ đó có thể hiểu rằng việc trình bày là để giải trình lý do tại sao đương sự cung cấp chứng cứ muộn, trong khi đó BLTTDS năm 2015 không có quy định về việc khi nào thì Tòa án chấp nhận hoặc không chấp nhận.
Như vậy, cần phải có hướng dẫn cụ thể theo hướng sau khi nghe đương sự trình bày, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm có quyền và có trách nhiệm chấp nhận chứng cứ đó hay không; Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận trong trường hợp đương sự chứng minh được việc không thể giao nộp chứng cứ đó trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử là do đương sự đã không biết và đã không thể biết về việc tồn tại chứng cứ đó.
4. Chuẩn bị cho việc xét xử tại phiên tòa
Đây là điểm rất mới và quan trọng mà quy định của pháp luật tố tụng dân sự tại Việt Nam chưa xác định rõ và giải thích một cách khoa học, biện chứng trong mối tương quan giữa việc tổ chức Phiên họp trước khi mở phiên tòa sơ thẩm với việc tổ chức phiên tòa sơ thẩm sau đó. Cụ thể:
Cần phải có hướng dẫn cụ thể về việc thủ tục tiến hành Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ như phiên tòa nhỏ mà ở đó, các bên đương sự có điều kiện, cơ hội và trách nhiệm phải trình bày, công bố và xem xét tất cả các vấn đề tranh chấp của vụ án… Việc tiến hành phiên họp này cần phải được Tòa án (Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đó) hỗ trợ tiến hành không giới hạn về thời gian. Thẩm phán phải được ghi nhận là người thứ ba, trung gian, chứng kiến, khuyến khích, đánh giá các chứng cứ, tài liệu do các bên cung cấp;
Đồng thời, cũng cần phải có quy định về khung định câu hỏi buộc đương sự phải khẳng định (có/không) tránh trường hợp như thực tiễn xét xử hiện nay có Tòa án vận dụng nguyên tắc quyền im lặng để cho phép một bên đương sự không trả lời câu hỏi về xác định sự thật khách quan, sự kiện thực tế làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án. Chính điều này đã làm cho nhiều vụ án bị kéo dài do một bên đương sự cố tình không hợp tác.
Như vậy, nếu giải quyết được vấn đề trên, cũng sẽ góp phần cho việc rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, các đương sự “tâm phục khẩu phục” với quyết định của Tòa án vì hơn ai hết, họ hiểu rằng, kết quả việc giải quyết tranh chấp là do chính họ là người kiểm soát, quyết định và định đoạt trên cơ sở có sự hỗ trợ của Tòa án với tư cách là bên thứ ba - trung gian giúp họ hóa giải mâu thuẫn không chỉ được thực hiện ở tại phiên tòa xét xử sơ thẩm mà còn được thực hiện trước đó trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.
Cuối cùng, chúng tôi cho rằng, cần thiết phải quán triệt và có những hướng dẫn mang tính đột phá thì mới có thể đánh giá được tính hiệu quả của mô hình tố tụng mới nhằm thực hiện hiệu quả nguyên tắc tranh tụng này. Trong đó điểm mấu chốt vẫn là xác định rõ ràng vai trò của Tòa án (Thẩm phán) “ở đâu” để từ đó có thể trao quyền tự chủ, quyết định cho đương sự trong việc giải quyết tranh chấp của chính họ.
Theo kiemsat.vn
Tòa án nhân dân huyện Mường Tè, Lai Châu xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Bùi Ngọc Chín
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận