Về tình tiết định khung tăng nặng “đối với 02 người trở lên” trong “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”
Tình tiết định khung tăng nặng “đối với 02 người trở lên” trong “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” đã được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng đối với tình tiết này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
1. Quy định về tình tiết định khung tăng nặng “đối với 02 người trở lên” trong “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”
Theo BLHS năm 2015, người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thì cấu thành tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. BLHS năm 2015 không liệt kê hình thức nào được xem là tổ chức. Trong khoa học pháp lý, có quan điểm cho rằng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là hành vi chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác hoặc chuẩn bị cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy1. Quan điểm khác nhận định, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào. Quan điểm này cũng nhận định, việc đưa ra một định nghĩa chính xác cho hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một việc vô cùng khó khăn2.
Trước đây, theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015) hướng dẫn Điều 197 BLHS năm 1999:3
Thứ nhất, về hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Thực hiện một trong các hành vi sau đây: (i) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; (ii) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.
Thứ hai, về một số trường hợp đặc biệt. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:
(i) Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy;
(ii) Người nào thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà còn thực hiện một hay nhiều hành vi phạm tội khác về ma túy quy định tại các điều luật tương ứng của BLHS, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 của BLHS, tùy từng trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác đã thực hiện quy định tại điều luật tương ứng của BLHS.
Đối với tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” theo Điều 197 của BLHS năm 1999, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/ TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP) cũng giải thích, là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ: Trong một lần phạm tội tổ chức cho từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy)4.
Hiện nay, đối với “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo hướng dẫn tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử thể hiện: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của BLHS thì “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ…để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng có đồng phạm nhưng đồng phạm ở đây được hiểu là thực hiện theo sự chỉ huy, phân công điều hành (không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm). Do đó, hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của BLHS5.
Như vậy, về cơ bản, hiện nay pháp luật đã quy định các dấu hiệu cơ bản để xác định “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Đồng thời, quy định 08 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này theo khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, đối với tình tiết định khung tăng nặng “đối với 02 người trở lên” thực tiễn vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
2. Thực tiễn áp dụng và các vấn đề pháp lý đặt ra
Vấn đề tình tiết định khung tăng nặng “đối với 02 người trở lên” được phân tích qua tình huống thực tế sau đây:
Vào khoảng hơn 23 giờ, ngày 01/01/2024, do nghiện ma túy nên Nguyễn Văn L đã đưa 400.000 đồng kêu Nguyễn Văn M liên hệ mua ma túy loại Methamphetamine của người khác (chưa rõ lai lịch), rồi về nhà của M để sử dụng. Khi đến nhà, M lấy chai nước suối đã uống hết nước và đổ nước lọc vào, dùng đũa dùi 02 lỗ trên nắp chai, lấy ống hút và nỏ thuỷ tinh cắm vào 02 lỗ trên nắp chai nước suối và đổ hết gói ma túy vào cái nỏ, dùng hột quẹt vừa mua để đốt ma túy sử dụng. Trong lúc sử dụng ma túy, M hỏi Nguyễn Văn N có sử dụng ma túy không thì N đồng ý. M là người hút ma túy đầu tiên, hút xong thì M đưa cho N hút rồi tới lượt L hút ma túy, mỗi người thay phiên hút khoảng 10 hơi thì hết ma túy. Cả L, M, N đều là người nghiện ma túy.
Xuất phát từ tình huống này, việc xác định L và M có phạm “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” với tình tiết định khung tăng nặng “đối với 02 người trở lên” vẫn còn một số quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi của L và M phạm “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” nhưng không thuộc trường hợp “đối với 02 người trở lên”, bởi lẽ, tình tiết này được hiểu là trong 01 lần thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội tổ chức cho 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy, 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy không có hành vi đồng phạm với người phạm tội (người chủ mưu, cầm đầu và đồng phạm khác) và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”6. Như vậy, theo quan điểm này, không áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên” đối với L và M vì L và M là đồng phạm trong “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, chỉ tổ chức cho một mình N sử dụng trái phép chất ma túy.
Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của L và M phạm “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” thuộc trường hợp “đối với 02 người trở lên”. Theo đó, để xác định phạm tội “đối với 02 người trở lên” thì phải xác định người phạm tội đã tổ chức cho 02 người khác (không bao gồm bản thân người phạm tội) sử dụng trái phép chất ma túy. Trường hợp có nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm thì phải căn cứ xác định số người sử dụng ma túy ít nhất từ 02 người trở lên (không bao gồm người phạm tội) và 02 người trở lên sử dụng ma túy này có thể là không phạm tội hoặc đồng phạm về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” thì bị áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên”7. Như vậy, theo quan điểm này, áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên” đối với L và M vì mặc dù chỉ tổ chức cho một mình N sử dụng trái phép chất ma túy nhưng L và M là đồng phạm trong “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” cùng sử dụng ma túy chung với N.
Quan điểm của tác giả, thống nhất với quan điểm thứ nhất hành vi của L và M phạm “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” nhưng không thuộc trường hợp “đối với 02 người trở lên”. Bởi lẽ, mặc dù L và M không có sự phân công rõ ràng, chặt chẽ vai trò của từng người nhưng có tính chất đồng phạm giản đơn, L và M là những người cùng thực hiện tội phạm. Như vậy, trong tình huống nêu trên L và M là những chủ thể chỉ tổ chức cho 01 người là N sử dụng trái phép chất ma túy. Cần lưu ý, đặc thù của “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” có thể do một người thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ, A là người đi mua ma túy về (B không biết A mua ma túy). Sau đó A và B đến nhà C chơi. Khi đến nhà C, A mới bỏ ma túy ra và bảo “ai chơi thì chơi”. Lúc này cả 03 người cùng sử dụng ma túy, sau đó D đến nhà C và thấy ma túy trên bàn nên đã tự lấy sử dụng. A, B, C và D đều là người nghiện ma túy. Đối với trường hợp này theo hướng dẫn của TANDTC thì A là người cung cấp ma túy cho B, C, D để họ thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 của BLHS8.
Từ những phân tích nêu trên, tác giả cho rằng hành vi của L và M phạm “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” nhưng không thuộc trường hợp “đối với 02 người trở lên”.
1 Đoàn Tiến Minh, Nguyễn Ngọc Điệp, Phương pháp định tội danh với 538 tội phạm quy định trong BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, NXB. Lao động, năm 2019, tr.345.
2 Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học BLHS, phần các tội phạm tập IV, các tội phạm về ma túy, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.187.
3 Mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (được bổ sung, sửa đổi bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/ TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP).
4 Điểm 2.4 Mục 2 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP.
5 Mục 1 Phần I Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.
6 Tham khảo Công văn số 1797/VKSTC-V14 ngày 25/5/2022 của VKSNDTC giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Điều 255 BLHS.
7 Tham khảo Công văn số 20/VKSTC-V4 ngày 04/01/2023 của VKSNDTC về việc áp dụng tình tiết phạm tội đối với 02 người trở lên.
8 Mục 7 Phần I Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC giải đáp một số vướng mắc trong xét xử.
Tòa án nhân dân huyện Quỳ Châu, Nghệ Anxét xử lưu động các vụ án liên quan đến sử dụng, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy - Ảnh: Bé Vinh
Bài liên quan
-
Nguyễn Văn B phạm tội tàng trữ trái phép súng săn
-
Khánh Hòa dẫn đầu tăng trưởng quan tâm, khởi động chu kỳ mới của thị trường
-
Về các tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Tỉnh Bạc Liêu tăng trưởng kinh tế nhiều lĩnh vực
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận