Về tố tụng công bằng trong tố tụng hình sự Việt Nam
Các văn kiện quốc tế đã quy định về chuẩn mực cho thủ tục tố tụng được coi là công bằng ở mức độ nguyên tắc cho dù tố tụng theo mô hình nào cũng cần đáp ứng. Việc cụ thể hóa các nguyên tắc này là câu chuyện của pháp luật tố tụng hình sự các quốc gia trong đó có Việt Nam.
1.Nội dung của thủ tục tố tụng công bằng
Trong tố tụng nói chung và tố tụng hình sự (TTHS) nói riêng, hai khái niệm quyền xét xử công bằng (right fair- trial) và thủ tục công bằng (due process of law) có nội dung và những biểu hiện khác nhau cho dù đều liên quan đến chuẩn mực xét xử công bằng của tư pháp. Bởi lẽ, quyền xét xử công bằng được tiếp cận dưới góc độ là một hệ thống quyền của người bị buộc tội trong TTHS đòi hỏi nhà nước phải đảm bảo. Dues process of law được dịch ra tiếng Việt với các tên gọi khác nhau như: Nguyên tắc xét xử công bằng, quy trình tố tụng chuẩn, nguyên tắc thủ tục công bằng, phương thức đúng đắn về thủ tục… Dù được dịch theo cách nào thì nội dung của nó đều là tiêu chuẩn (chuẩn mực) đặt ra đối với thủ tục tố tụng mà pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật phải quy định bằng việc cụ thể hóa và tuân thủ khi thực hiện các hoạt động TTHS. Nếu xây dựng được và thực hiện đúng thủ tục công bằng sẽ đảm bảo được quyền xét xử công bằng và rộng hơn là quyền con người trong TTHS và cuối cùng đảm bảo được mục đích của TTHS: phát hiện, xử lý tội phạm, không bỏ lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội. Ví dụ: quyền được bào chữa trong TTHS là một quyền thuộc nội dung của quyền xét xử công bằng nhưng thủ tục đảm bảo cho việc bào chữa được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả cụ thể là nội dung của nguyên tắc thủ tục công bằng. Nói cách khác, quyền xét xử công bằng thuộc phạm trù nội dung, nguyên tắc trình tự công bằng thuộc phạm trù hình thức. Điều này được chứng minh bằng một điều khoản của Hiến chương Magne Carta: Không một người tự do nào bị cầm tù hoặc tước đoạt tài sản, tự do, phong tục, hoặc bị ngăn cấm, đày ải, đối xử tàn ác và cũng không ai bị ép buộc thực hiện những điều đó, mà không dựa trên một phán quyết hợp pháp của những thành viên cộng đồng hoặc theo luật pháp của quốc gia. Tu chính án 5 (năm 1791) tuyên bố: “Không ai bị… tước bỏ tính mạng, tự do và tài sản mà không dựa trên trình tự pháp luật công bằng”[1]. Cả hai văn kiện này đều nhấn mạnh trình tự pháp luật công bằng (có thể gọi cách khác là thủ tục công bằng) của các phán quyết của quan tòa.
Dưới góc độ lý luận chung về pháp luật, TTHS cũng giống như thủ tục khác bao giờ cũng đề cập đến các vấn đề: Mục đích, nguyên tắc, trình tự các bước, chủ thể thực hiện và tham gia, các biện pháp thực hiện, hồ sơ, thẩm quyền. Tất cả các nội dung này của thủ tục nhằm để thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự đối với vụ án hình sự (VAHS) trên thực tế. Các văn kiện quốc tế đã quy định về chuẩn mực cho thủ tục tố tụng được coi là công bằng ở mức độ nguyên tắc cho dù tố tụng theo mô hình nào cũng cần đáp ứng. Việc cụ thể hóa các nguyên tắc này là câu chuyện của pháp luật TTHS các quốc gia trong đó có TTHS Việt Nam.
Có quan điểm cho rằng tiêu chuẩn của thủ tục công bằng là: Công bằng (fairness), vô tư (impartiality), độc lập (independence), bình đẳng (equality), công khai (openness), hợp lý (rationality), chắc chắn (certainty) và phổ quát (universality)[2]. Chúng tôi cho rằng, các tiêu chuẩn này chủ yếu bao gồm các yêu cầu đối với nội dung của thủ tục. Trong khi đó, thủ tục đòi hỏi các yêu cầu về hình thức (procedural due process) như khoa học, công khai, hợp lý, chặt chẽ, đúng trình tự, đặc biệt là tính hợp pháp của thủ tục. Quy trình của TTHS Hoa Kỳ được nhắc đến nhiều khi bàn đến tố tụng công bằng. Để đảm bảo tiêu chuẩn bình đẳng, họ áp dụng mô hình tố tụng tranh tụng ở đó bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng về quyền; để đảm bảo tiêu chuẩn công khai, họ quy định quyền tiếp cận hồ sơ của người bị buộc tội, người bào chữa; để đảm bảo tiêu chuẩn vô tư, họ quy định các tiêu chuẩn của Thẩm phán về trình tự diễn ra phiên tòa, đặc biệt Hoa Kỳ có đạo Luật riêng về chứng cứ trong đó quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính hình thức, tính hợp pháp và quy trình thu thập chứng cứ…[3]. Điều này có thể lý giải Hoa Kỳ là quốc gia theo hệ thống thông luật (common law) ghi nhận học thuyết về công lý tự nhiên hay còn gọi là công lý bản thể (natural justice), phản ánh sự công bằng về thủ tục. Đặc trưng của công lý tự nhiên đó chính là đề cao vai trò của thủ tục đặc biệt là tính hợp pháp[4]. Công lý theo thủ tục đòi hỏi quy trình tố tụng phải đảm bảo tính chính đáng, tính hợp lý và hợp pháp.
2.Thủ tục tố tụng công bằng nhằm đáp ứng mục đích và yêu cầu của TTHS
Mục đích của TTHS trong nhà nước pháp quyền là phát hiện, xử lý mọi hành vi phạm tội nhưng để thực hiện mục đích này phải bảo vệ được quyền con người trong TTHS. Ở phương diện chung nhất, thủ tục là cách thức, phương pháp, quy trình, quy tắc thực hiện một công việc. Ở phương diện TTHS, thủ tục TTHS là quá trình, cách thức đi chứng minh sự thật của vụ án (toàn bộ sự kiện phạm tội xảy ra trong quá khứ) làm cơ sở để áp dụng pháp luật nội dung (luật hình sự). Quá trình đó phải là sử dụng các tri thức và phương pháp của các khoa học khác nhau, ví dụ khoa học điều tra, khoa học giám định, y pháp… Đưa các tri thức này vào trong nội dung của thủ tục sẽ đảm bảo được mục đích chứng minh của TTHS[5]. Thủ tục không đơn giản chỉ là hình thức mà rõ ràng nó có quyết định đến nội dung theo nguyên lý chung của nhận thức: Nếu phương pháp, cách thức đúng được suy luận rằng kết quả tin cậy.
Yêu cầu của thủ tục TTHS trong nhà nước pháp quyền là phải bảo vệ được quyền con người trong TTHS. Như trên đã nói, TTHS có mục đích tìm ra sự thật của vụ án bằng phương pháp chứng minh, nhưng nó khác với lĩnh vực khác đó là không được chứng minh bằng mọi giá cách mà phải bảo vệ được quyền con người. Bởi lẽ, TTHS là một hoạt động mang tính chất quyền lực nhà nước rõ rệt nhất. Ở đó luôn xuất hiện sự mất quân bình về thế và lực giữa một bên là cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) hùng mạnh được hậu thuẫn bằng quyền lực nhà nước, bên kia yếu thế hơn là những người bị buộc tội. Lạm quyền của nhà nước là tất yếu và trong TTHS không phải là một ngoại lệ. Thủ tục tố tụng công bằng với yêu cầu chặt chẽ, hợp lý, khoa học và hợp pháp sẽ bảo vệ được quyền con người trong TTHS. Chính vì vậy có quan điểm cho rằng: Học thuyết due process có mục đích tối thượng là bảo vệ người dân trước nguy cơ lạm quyền của nhà nước[6].
3.Thủ tục TTHS với nhà nước pháp quyền và mô hình TTHS
Nhà nước pháp quyền là trạng thái nhà nước mà ở đó quyền lực nhà nước bị hạn chế bằng việc đề cao quyền lực của pháp luật từ đó bảo vệ quyền con người. Để hạn chế sự lạm quyền của nhà nước trong TTHS đòi hỏi thủ tục TTHS phải thiết kế được cơ chế tránh sự lạm quyền đó . Ở bình diện chung, Nhà nước pháp quyền đòi hỏi quyền lực nhà nước phải bị hạn chế và ràng buộc bởi pháp luật trong đó có đòi hỏi hoạt động của nhà nước phải bị ràng buộc và hạn chế bằng pháp luật trong đó có pháp luật thủ tục.
Ở phương diện TTHS, Nhà nước pháp quyền trong việc phát hiện xử lý tội phạm đòi hỏi nhà nước phải tuân thủ pháp luật trong TTHS[7]. Người ta tìm thấy điều này ở mô hình tố tụng tranh tụng. Ở đó, các chức năng buộc tội, bào chữa, xét xử độc lập với nhau ở cả tính chất và tổ chức. Mô hình tố tụng tranh tụng dựa trên quan điểm cho rằng, tố tụng là một cuộc tranh đấu tại Tòa án giữa một bên là Nhà nước (thông qua đại diện) và một bên là công dân bị nghi thực hiện tội phạm; mà đã là cuộc tranh đấu thì hai bên đều được sử dụng các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ, phân tích và đưa ra các kết luận đối với những việc cụ thể. Ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình tố tụng đòi hỏi phải rất chính xác và tố tụng có vai trò đặc biệt quan trọng đến mức nhiều người cho rằng, tố tụng tranh tụng là hệ thống coi trọng luật tố tụng hơn luật nội dung. Chính sự độc lập này cùng với sự vô tư của Tòa án, sự bình đẳng của bên bào chữa sẽ hạn chế sự lạm quyền của phía công tố trong quá trình tố tụng.
Ngoài ra, người ta còn có cách phân loại mô hình tố tụng theo mục đích của TTHS thì có mô hình tố tụng công bằng (due process model) và mô hình kiểm soát tội phạm (crime controll model)[8]. Hai mô hình này, phân biệt với nhau bởi mục đích TTHS. Theo đó, tố tụng công bằng nhấn mạnh mục đích bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị buộc tội theo nguyên tắc thà bỏ lọt tội phạm còn hơn bắt nhầm. Mô hình này nhấn mạnh tính chất hình thức của tố tụng bao gồm tính hợp pháp và thủ tục tranh tụng. Ngược lại, mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm cho rằng mục đích của TTHS là trấn áp tội phạm, chính vì vậy, nó cho phép TTHS có thể bắt nhầm hơn bỏ lọt tội phạm. Chính vì vậy, đặc trưng của mô hình này là đề cao vai trò của quyền lực Nhà nước trong TTHS
4.Pháp luật TTHS Việt Nam với việc đảm bảo nguyên tắc thủ tục công bằng.
Trong TTHS Việt Nam có nguyên tắc tiếp cận với nguyên tắc dues process đó chính là nguyên tắc pháp chế. Nguyên tắc này đòi hỏi mọi hoạt động TTHS phải hợp pháp. Tuy nhiên, nghiên cứu TTHS Việt Nam, đối chiếu với lý thuyết về nguyên tắc trình tự công bằng có thể đưa ra nhận xét khái quát: TTHS Việt Nam trong thời gian dài chú trọng đến Công lý nội dung mà chưa chú ý đến Công lý thủ tục. Thể hiện ở hai phương diện (1) chú trọng quá đến luật nội dung mà bỏ qua luật thủ tục; (2) quan tâm đến kết quả của TTHS là phát hiện xử lý tội phạm mà không chú ý đến kết quả đó có được từ thủ tục hợp pháp hay không? Chính vì vậy, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đánh giá rất đúng là: “Pháp luật về tố tụng tư pháp còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung”. Từ đó đặt ra yêu cầu của cải cách tư pháp là: “Hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”. Nội dung của cải cách tư pháp và thực tiễn cải cách tư pháp ở Việt Nam trong thời gian qua cũng chủ yếu tập trung mạnh mẽ vào việc cải cách thủ tục tư pháp trong đó có thủ tục TTHS. Bên cạnh đó, trong TTHS tpaj trung chú ý đến việc quy định hệ thống quyền của người bị buộc tội mà chưa thiết kế bộ thủ tục để thực hiện quyền đó đặc biệt là chế tài nếu thủ tục bị vi phạm[9]. Việc không chú ý thỏa đáng vai trò của luật thủ tục tất yếu sẽ dẫn đến TTHS chẳng những không đạt mục đích của nó đồng thời cũng không bảo vệ được quyền con người xét trong quan hệ giữa thủ tục TTHS và mục đích, yêu cầu của TTHS trong Nhà nước pháp quyền đã nói ở trên[10]. Nguyên nhân của thực tế này có thể do TTHS Việt Nam ghi nhận nguyên tắc: xác định sự thật của vụ án. Xác định sự thật là mục đích cao nhất của TTHS dễ dẫn đến người ta quan tâm đến kết quả của quá trình tố tụng hơn là tuân thủ thủ tục tố tụng cho dù nguyên tắc này đòi hỏi các biện pháp xác định sự thật phải hợp pháp.
Đi vào cụ thể, xin đưa ra một số nhận xét và đề xuất cho TTHS Việt Nam từ phương diện tiêu chuẩn của trình tự tố tụng công bằng như sau:
Thứ nhất, Cần xác định lại mục đích của TTHS Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng nhất của hệ thống TTHS của một quốc gia bởi lẽ mục đích của TTHS sẽ chi phối các nguyên tắc TTHS, mô hình TTHS, chức năng của TTHS và các chế định khác của Luật TTHS. Như trên đã nói, hiện có hai mô hình tố tụng là kiểm soát tội phạm và tố tụng công bằng. Tương ứng với nó là hai mục đích khác nhau: Nhấn mạnh sự kiểm soát tội phạm theo hướng nhấn mạnh mục đích không bỏ lọt tội phạm và mục đích thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội. Trong bối cảnh đó, Bộ luật TTHS Liên bang Nga mà Luật TTHS Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ đã cải tổ theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, từ bỏ những mục tiêu ít khả thi, có tính phô trương duy ý chí (như khám phá mọi tội phạm và kẻ phạm tội)[11]. Đồng thời cân bằng hai mục đích đảm bảo công bằng và và hạn chế tội phạm. Điều 6 Bộ luật TTHS Nga quy định: Mục đích của TTHS là: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức bị thiệt hại bởi tội phạm và bảo vệ các cá nhân khỏi viêc buộc tội trái pháp luật và vô căn cứ, xâm phạm hoặc hạn chế các quyền và tự do cơ bản của họ[12]. TTHS Việt Nam thể hiện mục đích của mình bằng Điều 2 BLTTH 2015 quy định về nhiệm vụ của Bộ luật TTHS. Trong khi đó, mục đích và nhiệm vụ là 2 vấn đề khác nhau cần minh định.
Theo Điều 2 cũng như toàn bộ mô hình TTHS Việt Nam cho thấy TTHS Việt Nam cho thấy 2 mục đích trực tiếp và mục đích gián tiếp: Mục đích trực tiếp là phát hiện và xử lý tội phạm. Mục đích gián tiếp là bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ, các lợi ích và bảo công lý… Mục đích bảo vệ quyền con người là rất chung trong khi TTHS (như LB Nga) chỉ rõ bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội. Để làm rõ vấn đề mục đích của TTHS cần giải đáp câu hỏi: TTHS đặt ra để làm gì? TTHS nào cũng đặt ra để phát hiện, xử lý tội phạm nói dưới góc độ áp dụng pháp luật là để áp dụng quy định của pháp luật nội dung về tội phạm và hình phạt đối với các trường hợp phạm tội trong thực tế. Bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội trong TTHS không phải là mục đích mà là yêu cầu tối cao của TTHS. Nó không cho phép Nhà nước phát hiện tội phạm bằng bất cứ giá nào mà phải trên nguyên tắc không được xâm phạm đến quyền con người của người bị buộc tội. Để thực hiện mục đích đó, hàng loạt các nhiệm vụ đặt ra cho hoạt động tố tụng trong đó nhiệm vụ bao trùm nhất là tìm ra sự thật của vụ án trên cơ sở đó xử lý tội phạm. Chính vì vậy, cải cách pháp luật TTHS cần xác định mục đích phát hiện xử lý tội phạm của TTHS và khẳng định mạnh mẽ yêu cầu bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội trong TTHS để đảm bảo cho yêu cầu đó chính là thừa nhận và tôn trong nguyên tắc thủ tục công bằng. Từ mục đích và yêu cầu đó sẽ làm nền tảng để cái cách chức năng TTHS trong đó rành mạch chức năng buộc tội, gỡ tội và xét xử, hoàn thiện nguyên tắc của TTHS, vấn đề chứng minh, chứng cứ trong TTHS.
Thứ hai, Về mô hình tố tụng. Như trên đã nói mô hình tố tụng có tác động rất lớn đến việc thực hiện nguyên tắc tố tụng công bằng. Mô hình tố tụng của Việt Nam hiện này là mô hình tố tụng xét hỏi có cài đặt những yếu tố tranh tụng. Với việc dồn toàn bộ gánh nặng chứng minh lên Nhà nước thể hiện là các CQTHTT. Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tích cực thể hiện rõ nhất là khả năng phát hiện tội phạm (kiểm soát tội phạm) ở mức độ rất cao. Tuy nhiên, nó vẫn cho thấy sự mờ nhạt, thụ động của các chủ thể khác ngoài cơ quan THTT trong việc đi tìm sự thật của vụ án từ đó dẫn đến “sự độc quyền về xác định chân lý” [13] mà chân lý không thể độc quyền. Đó chính là điểm hạn chế đầu tiên của mô hình tố tụng Việt Nam hiện nay. Hạn chế này cho thấy chẳng những nó hạn chế khả năng xác định sự thật của vụ án mà còn ảnh hưởng tới các nguyên tắc khác của TTHS, ví dụ đảm bảo quyền con người trong TTHS.
Bên cạnh đó, mô hình tố tụng hiện này còn cho thấy nó chưa có sự phân biệt rõ ràng, rành mạch các chức năng của tố tụng là chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử. Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) không theo chức năng này mà theo thẩm quyền của từng cơ quan trong quá trình TTHS được phân chia thành các giai đoạn. Chính vì không có sự rành mạch về chức năng dẫn đến sự chồng lấn trong chức năng, ví dụ Toà án có chức năng buộc tội như trả hồ sơ để điều tra bổ sung, khởi tố VAHS. BLTTHS 2015 đã cho thấy những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhưng nhìn chung chưa cho thấy sự thay đổi về mô hình tố tụng. Tố tụng của chúng ta vẫn là tố tụng xét hỏi có cài đặt yếu tố tranh tụng bằng việc quy định nguyên tắc tranh tụng và bổ sung thêm các quy định nhằm tăng cường tranh tụng. Tuy nhiên, nhiều quy định, đặc biệt là quy định các quyền tố tụng của các chủ thể có trong mô hình tranh tụng được bổ sung nhưng thực tế cho thấy sự cài đặt này là không nhuần nhuyễn. Những quyền tố tụng ví dụ quyền bào chữa chỉ phát huy hiệu quả cao khi và chỉ khi nó được đặt trong môi trường tranh tụng thực chất.
Thứ ba, Về nguyên tắc của TTHS. TTHS Việt Nam thể hiện rõ yêu cầu tuân thủ về mặt hình thức của thủ tục tố tụng đó chính là nguyên tắc pháp chế. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi tính hợp pháp của các hoạt động tố tụng thể hiện ở việc các hoạt động tố tụng nhằm xác định sự thật của vụ án nói riêng và giải quyết VAHS nói chung phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trước hết là các quy định của BLTTHS. Tuy nhiên, quá trình giải quyết VAHS không chỉ bị điều chỉnh bởi luật hình thức mà còn cả luật nội dung là luật hình sự. Chính vì vậy, tuân thủ pháp luật, đảm bảo pháp chế ở đây cần phải hiểu là tuân thủ các quy định của luật hình sự. Trong luật TTHS một số nước có sự phân biệt giữa “phạm tội thực tế” và “phạm tội pháp lý”[14]. Phạm tội trên thực tế là xác định được có tội phạm xảy ra thậm chí có người thực hiện tội phạm trên thực tế nhưng trong quá trình chứng minh vì nhiều lý do: trình độ, năng lực điều tra yếu không thu thập kịp thời chứng cứ, không có người làm chứng khách quan, vô tư hoặc quá trình chứng minh vi phạm thủ tục tố tụng thì toàn bộ quá trình tố tụng bị coi là vô hiệu và người bị tình nghi vẫn được coi là không có tội.
Tuy nhấn mạnh tính hợp pháp của thủ tục nhưng dường như TTHS Việt Nam chưa tiếp cận với học thuyết Công lý tự nhiên ở chỗ không tìm thấy hậu quả của việc vi phạm thủ tục.
Có giả thuyết cho rằng, sở dĩ TTHS Việt Nam chưa quan tâm đến thủ tục là do nó ghi nhận nguyên tắc xác định sự thật của vụ án. Sự thật ở đây là sự thật khách quan. Hay còn gọi là chân lý vật chất. Đó là toàn bộ sự phản ánh của tội phạm vào thế giới khách quan đã được cơ quan THTT xác định bằng các chứng cứ dựa vào các biện pháp hợp pháp và đã được đánh giá dưới góc độ pháp lý hình sự [15]. Trong khi đó, mô hình tố tụng tranh tụng cho rằng sự thật ở đây là sự thật pháp lý. Đó là những thông tin về vụ án có được sau khi áp dụng thủ tục tố tụng công bằng. Chúng tôi cho rằng cho dù có sự khác nhau nhưng sự thật khách quan hay sự thật pháp lý đều đặt ra yêu cầu tính hợp pháp của thủ tục. Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu rất cao về tính hợp pháp của các biện pháp tố tụng, đặc biệt là các biện pháp điều tra. Nguyên tắc này đòi hỏi cách thức xác định sự thật là áp dụng mọi biện pháp hợp pháp: Mọi biện pháp hợp pháp ở đây được hiểu là các biện pháp được quy định trong BLTTHS. Điều này bị quy định bởi tính chất pháp lý của chân lý trong TTHS. Chân lý trong TTHS là những nhận thức về vụ án nhưng nhận thức đó không phải là kết quả của mọi biện pháp kể cả bất hợp pháp mà nhận thức đó phải trên nền tảng, bị ràng buộc bởi pháp luật. Tính hợp pháp ở đây thể hiện việc tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh trên bốn nội dung, đó là thẩm quyền áp dụng, căn cứ áp dụng, trình tự áp dụng và đối tượng áp dụng. Trong nhiều trường hợp, biện pháp áp dụng còn phải đảm bảo những điều kiện khác mới thỏa mãn tính hợp pháp, ví dụ như hỏi cung phải có sự tham gia của luật sư khi được yêu cầu, khám xét phải có người làm chứng… Việc quy định về tính hợp pháp của các biện pháp là sự giới hạn phạm vi cho phép về quyền của CQTHTT và người tiến hành tố tụng. Nhưng mặt khác, nguyên tắc cũng nhấn mạnh đến quyền áp dụng mọi biện pháp cho thấy: Nguyên tắc này không bao hàm đòi hỏi phải tìm bằng được chân lý khách quan trong vụ án mà chân lý chỉ có thể là kết quả của những gì có thể làm được để có kết quả trong vụ án và pháp luật đã tạo những điều kiện tối đa để CQTHTT, người tiến hành tố tụng có thể đạt được đến giới hạn chứng minh cao nhất nhằm đảm bảo cho sự thật vụ án được xác định ngày một tiệm cận hơn đến chân lý. Nói cách khác, TTHS Việt Nam không đòi hỏi phải tìm bằng được sự thật mà yêu cầu các CQTHTT phải sử dụng mọi biện pháp luật định để tìm sự thật của vụ án. Nguyên tắc là như vậy, vấn đề vẫn nằm ở sự cụ thể hóa nguyên tắc này trong TTHS và tuân thủ trong thực tiễn TTHS.
Kết quả lý tưởng cho việc giải quyết một vụ án hình sự là tìm ra được sự thật khách quan trên cở sở áp dụng thủ tục tố tụng công bằng- vừa chính xác vừa hợp pháp. Vấn đề đặt ra ở đây trong quá trình xác định sự thật của vụ án chưa đảm bảo tính hợp pháp thì vấn đề “phạm tộ thực tế” và “phạm tội pháp lý”thì chúng ta chấp nhận sự thật nào?. Nếu thừa nhận thủ tục tố tụng công bằng thì rõ ràng tính hợp pháp phải được ưu tiên.
BLTTHS 2015 mới đây có quy định rất hay thể hiện tinh thần của nguyên tắc thủ tục tố tụng công bằng liên quan đến chứng cứ bằng việc khẳng định: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”. Quy định này tiếp cận với due process of law bởi nhấn mạnh tính hợp pháp của chứng cứ hay còn gọi là nguyên tắc loại trừ chứng cứ. Nguyên tắc loại trừ chứng cứ được áp dụng trong vụ Weeks kiện Hoa Kỳ[16]. Ngày 21 tháng 12 năm 1911, cảnh sát ở Kansas City, Missouri đã bắt giữ Fremont Weekks vì vận chuyển bất hợp pháp vé số. sau đó, Cảnh sát đã đến nhà Weeks để khám xét, thu giữ nhiều đồ vật và quan trọng là không có lệnh. Week kiện cảnh sát vì đã sử dụng các tài liệu bất hợp pháp để kết tội anh ta. Tòa án Tối cao hoa kỳ đã tuyên Week s thắng kiện và phán quyết đó trở thành nguyên tắc “loại trừ chứng cứ” được áp dụng trong TTHS Hoa Kỳ: Nếu một chứng cứ mà nhà nước đưa ra để buộc tội được thu thập một cách trái phép vi phạm các quyền hiến định của bị can thì chứng cứ đó sẽ bị loại khỏi quá trình xét xử và không được dùng làm chứng cứ chống lại bị can
Tuy nhiên, quy trình thu thập chứng cứ và thuộc tính phù hợp với nguyên tắc thủ tục công bằng chưa thể hiện rõ trong TTHS Việt Nam. Thể hiện, CQTHTT vẫn là chủ thể có quyền chủ động hoàn toàn trong toàn bộ quá trình tố tụng nói chung và trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và hồ sơ vụ án là căn cứ duy nhất và hợp pháp để phán quyết một người có tội hay không có tội. Do đó, TTHS Việt Nam cần hoàn thiện nguyên tắc pháp chế theo hướng không chỉ nhấn mạnh tính hợp pháp của các hoạt động tố tụng của bản án, quyết định mà cần khẳng định hậu quả pháp lý của việc vi phạm pháp chế bằng cách bổ sung nội dung: Mọi hoạt động tố tụng, chứng cứ sẽ không được thừa nhận nếu không được thực hiện một cách hợp pháp. Với nội dung này, chẳng những đạt được mục đích bảo vệ quyền con người trong TTHS trong nhà nước pháp quyền nói chung, mà còn đảm bảo cho TTHS xác định được sự thật của vụ án, làm cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề khác của TTHS. Bên cạnh đó, cần thiết cụ thể hóa chế định chứng cứ trong luật TTHS bằng một Đạo luật về Chứng cứ và chứng minh riêng. Trong đó, điều chỉnh cụ thể các nguyên tắc như bình đằng bao gồm bình đẳng trong thu thập chứng cứ của các chủ thể tiến hành và tham giá tố tụng, bình đẳng về giá trị của chứng cứ mà các bên cung cấp; ghi nhận nguyên tắc tự do đánh giá chứng cứ; khẳng định vai trò kết luận cuối cùng của Tòa án đối với chứng cứ mà các bên cung cấp…..
Luật tố tụng hình sự có thể chia thành các nhóm: quy tắc chứng cứ; quy tắc khám xét, bắt giữ; quy tắc quyền của người bị buộc tội; quy tắc điều tra; quy tắc về xét xử. Ngoài những vấn đề về chứng cứ như trên đã trình bày, vấn đề khám xét, bắt giữ (TTHS Việt Nam gọi là chế định các biện pháp cưỡng chế TTHS). Các biện pháp ngăn chặn hiện nay ở Việt Nam đã được quy định khá chặt chẽ về căn cứ, thủ tục, thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu tiếp cận dưới góc độ quyền con người thì bản chất của các biện pháp cưỡng chế TTHS là việc nhà nước hạn chế quyền con người của người bị tình nghi nhằm thực hiện mục đích của TTHS. Việc hạn chế quyền con người này sẽ không bị coi là xâm phạm quyền con người nếu nó có căn cứ và hợp pháp về mặt thủ tục. Các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của luật TTHS Việt Nam hiện nay còn chưa tương thích với mục đích của biện pháp ngăn chặn. Dựa vào luật thực định, Điều 79 BLTTHS 2003, có quan điểm cho rằng biện pháp tạm giữ, tạm giam có hai mục đích: một là, ngăn chặn không cho tội phạm tiếp tục xảy ra gây thiệt hại cho xã hội, không để người phạm tội trốn hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mà trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, hai là tạo điều kiện thuận lợi để CQTHTT giải quyết vụ án như không để người phạm tội xóa dấu vết, tiêu hủy chứng cứ, thông cung giữa những người phạm tội với nhau, bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo khi có yêu cầu của CQTHTT. Chúng tôi cho rằng, mục đích của biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam là mang tính ngăn ngừa tiếp tục phạm tội, bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ và đảm bảo sự có mặt của họ tại CQTHTT khi được yêu cầu. Như vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết vụ án không phải là mục đích của biện pháp tạm giữ, tạm giam. Với mục đích quá rộng như vậy sẽ dẫn đến tình trạng coi biện pháp tạm giữ, tạm giam là biện pháp điều tra dẫn đến sự lạm dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam xâm phạm đến quyền con người trong khi đó ngoài biện pháp tạm giữ, tạm giam còn có nhiều biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khỏi nơi cứ trú, bảo lãnh, đặt tiền, tài sản để đảm bảo. Với mục đích như vậy, rõ ràng quy định về căn cứ tạm giam tại khoản 1 Điều 119 chỉ dựa vào loại tội để tạm giam mà không cần các căn cứ khác là chưa đúng với mục đích của biện pháp cướng chế TTHS. Bên cạnh đó, biện pháp tạm giam hạn chế quyền tự do cơ bản của con người nên để nó thể hiện được mục đích và bảo vệ quyền con người thì đòi hỏi cao về thủ tục. Chính vì vậy, trong TTHS nhiều quốc gia, thẩm quyền tạm giam được giao cho Tòa án quyết định. Đây cũng là kinh nghiệm cần tham khảo đối với TTHS Việt Nam trong thời gian tới ít nhất là giao Tòa án quyết định tạm giam đối với các trường hợp tình nghi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu luật nội dung như chiếc xe thì luật thủ tục giống như con đường. Chỉ chú ý đến luật nội dung mà không chú ý đến luật thủ tục thì không khác gì mua xe nhưng không làm đường. Nói như Mác trong cuốn Luật hái trộm củi rừng: Các quy phạm nội dung không có các quy phạm thủ tục sẽ chết cứng. Nhưng thủ tục phải được xây dựng trên nền tảng những nguyên lý nhất định. Nguyên tắc thủ tục tố tụng công bằng có thể coi là chuẩn mực cho tố tụng nói chung và TTHS nói riêng. Với đòi hỏi TTHS phải thực hiện trên quy trình chuẩn đảm tính khoa học, hợp pháp nó có giá trị ràng buộc nhà nước phải tuân thủ, tránh sự tùy tiện, lạm quyền xâm phạm đến quyền con người trong TTHS. Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra yêu cầu hoàn thiện thủ tục tố tụng, sắp tới vấn đề thủ tục tố tụng cần tiếp tục đưa vào định hướng cho cải cách tư pháp trong giai đoạn mới với yêu cầu đảm bảo trình tự thủ tục công bằng./.
Luật sư tranh tụng tại phiên tòa
[1] Bùi Tiến Đạt, Học thuyết trình tự công bằng và việc bảo vệ quyền con người – Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 6/2015.
[2] Bùi Tiến Đạt, Học thuyết trình tự công bằng và việc bảo vệ quyền con người – Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 6/2015.
[3] Các đạo luật về tố tụng hình sự Hoa Kỳ đều thể hiện dưới dạng các quy tắc như: Quy tắc TTHS Liên bang, Quy tắc tố tụng phúc thẩm liên bang, Quy tắc của Tòa án tối cao, Quy tắc về bằng chứng của liên bang, hàng loạt các đạo luật của liên bang và các quyết định hợp hiến của Tòa tối cao, Quy tắc nội bộ của cơ quan điều tra (Quy tắc Miranda).
[4] Thậm chí công lý thủ tục có thể phủ nhận công lý nội dung. Ví dụ là nếu hoạt động tố tụng không được thực hiện một cách hợp pháp thì toàn bộ kết quả của thủ đó không được thừa nhận.
[5] Không phải ngẫu nhiên khoản 2 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam 2015 quy định thủ tục giám định bắt buộc đối với một số trường hợp. Bởi lẽ, chỉ bằng thủ tục đó (giám định) mới xác định sự thật của vụ án.
[6] Bùi Tiến Đạt, tlđd.
[7] Hiến chương Magna Carta nhấn mạnh là: tính hợp pháp của phán quyết, Tu chính án thứ 14 Hoa Kỳ nhấn mạnh trình tự pháp luật công bằng.
[8] Philip Reichel, Tư pháp hình sự so sánh, Viện Khoa học pháp lý 1999.
[9] Luật TTHS Việt Nam 2015 quy định người bào chữa được thu thập chứng cứ. Nhưng quy trình thủ tục, giá trị của chứng cứ mà người bào chữa có được như thế nào thì vẫn bỏ ngỏ.
[10] Tờ trình Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đặt ra yêu cầu: hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
[11] https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/145
[12] Wilian Burham, Mô hình TTHS Liên bang Nga, trong sách: Những Mô hình TTHS điển hình trên thế giới, Bộ Tư pháp Việt nam và Liên Minh Châu Aauu, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2012, tr.145
[13] Đào Trí Úc, Tố tụng hình sự Việt Nam cần được đổi mới và hoàn thiện theo hướng nào?, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15 (200), tháng 8/2011.
[14] Nguyễn Quốc Hưng, Hình sự tố tụng, NXB. Khai trí Sài Gòn 1967, tr.48.
[15] Đinh Thế Hưng, Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án trong TTHS Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, bỏ vệ 2017, tr. 33
[16] Weeks v. United States, 232 U.S. 383 (1914) Weeks v. United States No. 461 Argued December 2, 3, 1913 Decided February 24,1914 232 U.S. 383. https://supreme.justia.com/cases/federal/us/232/383/. Quy tắc này còn được các Tòa án gọi là “quả của cây độc thì không dùng được”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận