Việc cử người tiến hành tố tụng thay thế đều phải do Chánh án quyết định
Trong bài “Thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán trong trường hợp ngừng phiên tòa” tác giả Huỳnh Minh Khánh cho rằng trong một vụ án dân sự, sau khi HĐXX tạm ngừng phiên tòa, bị đơn có đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Chánh án, không thuộc thẩm quyền của HĐXX. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết và bổ sung thêm một số luận giải cho quan điểm này.
1.Thế nào là “tạm ngừng phiên tòa”
“Tạm ngừng phiên tòa” được ghi nhận cụ thể tại Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, bao gồm: tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm, tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm, căn cứ tạm ngừng phiên tòa, thời hạn tạm ngừng, thủ tục tiếp tục phiên tòa sau khi tạm ngừng (Điều 259, Điều 304 BLTTDS năm 2015).[1]
Mặc dù pháp luật tố tụng dân sự không đưa ra định nghĩa về tạm ngừng phiên tòa, tuy nhiên, chúng tôi đồng ý với ý kiến cho rằng: “tạm ngừng phiên tòa có thể hiểu là phiên tòa không tiếp tục các hoạt động tố tụng trong thời gian ngắn khi có các căn cứ do pháp luật tố tụng dân sự quy định”.[2] Mặt khác, trên cơ sở các quy định của BLTTDS có thể thấy tạm ngừng phiên tòa về bản chất là việc dừng lại phiên tòa trong khoảng thời gian nhất định khi có các căn cứ dẫn đến HĐXX không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa.
2.Căn cứ vào nội dung quy định tại khoản 2 Điều 56 BLTTDS năm 2015
Khoản 2 Điều 56 BLTTDS năm 2015 đã nêu rõ “2. Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, […] do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, […] thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, […] thay thế người bị thay đổi…”.
Như vậy, theo nội dung như trình bày tại mục 1 và 2 nêu trên thì trong thời hạn tạm ngừng phiên tòa HĐXX không tiếp tục các hoạt động tố tụng. Nghĩa là HĐXX không thể thực hiện các hoạt động nếu đang không “tại phiên tòa”. Do đó, đối với yêu cầu thay đổi thẩm phán được đương sự đưa ra trong thời hạn tạm ngừng phiên tòa nếu cho rằng thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐXX cũng khó có cơ sở để các thành viên của HĐXX thực hiện công việc theo quy định như trên của pháp luật tố tụng dân sự.
3.Khái niệm “tại phiên tòa”
Khái niệm này cần hiểu thống nhất như nội dung hướng dẫn tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019 V/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính.
Xem nội dung hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Phần II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019: “[…] đến ngày mở phiên tòa (được triệu tập) nhưng chưa khai mạc phiên tòa thì chưa coi là “bắt đầu phiên tòa”, chưa coi là “tại phiên tòa”. Nếu nguyên đơn nộp đơn xin rút yêu cầu khởi kiện trước khi khai mạc phiên tòa thì Thẩm phán vẫn có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án chứ không phải là Hội đồng xét xử”.
Như vậy, theo nội dung hướng dẫn nêu trên, quan điểm của TANDTC đối với cách hiểu “tại phiên tòa” phải là đã đến ngày mở phiên tòa và đã có bước “khai mạc phiên tòa” (Điều 239 BLTTDS năm 2015). Ngoài ra, chúng tôi cũng thống nhất với quan điểm của tác giả Huỳnh Minh Khánh là cần phải hiểu rộng khái niệm “tại phiên tòa” theo hướng khác với “ngoài phiên tòa”. Nói cách khác, “tại phiên tòa” là khi có sự tham gia của “mọi người” ở phiên tòa (bao gồm thành viên của hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng (nếu có)). Cách hiểu này cũng phù hợp và thống nhất với hướng dẫn trên tại Công văn số 64/TANDTC-PC.
Áp dụng tương tự nội dung hướng dẫn nêu trên trong tình huống phân tích của bài viết. Rõ ràng rằng, yêu cầu của đương sự về việc thay đổi người trong thời gian tạm ngừng phiên tòa chứ chưa “đến ngày mở phiên tòa (được triệu tập)” nên đương nhiên không thể xem là “tại phiên tòa”. Do đó, thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng trước phiên tòa phải thuộc thẩm quyền của cá nhân (Chánh án) xem xét và quyết định chứ không phải là của tập thể (HĐXX).
Tuy nhiên, quan điểm này có thể bị thách thức nếu có yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng trong thời hạn phiên tòa đang tạm ngừng thì vẫn thuộc thẩm quyền của HĐXX do phiên tòa đã được khai mạc chỉ đang trong thời hạn tạm dừng. Do đó, cần thiết phải đợi đến khi phiên tòa xét xử được mở (triệu tập lại) thì HĐXX sẽ giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng này.
4.Kết luận
Chúng tôi cho rằng không cần thiết phải đợi khi phiên tòa được mở lại sau khi căn cứ tạm ngừng phiên tòa không còn để HĐXX xem xét yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng. Nói cách khác, khi có yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng trong thời hạn phiên tòa đang tạm ngừng thì Tòa án (Chánh án Tòa án) phải xem xét giải quyết ngay yêu cầu này mà không cần thiết phải đợi cho đến khi phiên tòa được mở lại sau khi căn cứ tạm ngừng phiên tòa. Bởi lẽ căn cứ quy định của BLTTDS năm 2015, cụ thể: (i) Căn cứ Điều 240 và đặc biệt nội dung quy định tại khoản 2 Điều 56 BLTTDS năm 2015: “Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, […] thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, […] thay thế người bị thay đổi…”; và (ii) Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTDS năm 2015: “4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoãn phiên tòa, phiên họp, Chánh án Tòa án phải cử người khác thay thế”.
Rõ ràng, quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 56 BLTTDS năm 2015 cho thấy, nếu tại phiên tòa, có cơ sở thay đổi thì HĐXX vẫn phải hoãn phiên tòa và việc thay đổi người tiến hành tố tụng này cũng phải do Chánh án quyết định. Như vậy, vô hình trung, việc quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng tại phiên tòa sau khi được HĐXX xem xét chấp nhận thì người có thẩm quyền cử người khác thay thế vẫn thuộc về Chánh án. Như vậy quá trình giải quyết vụ án lại tiếp tục bị kéo dài không cần thiết.
Tóm lại, một khi đã xem xét thay đổi người tiến hành tố tụng từ phía yêu cầu của đương sự và HĐXX quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng thì cuối cùng việc cử người tiến hành tố tụng thay thế đều phải do Chánh án quyết định. Vì vậy, một khi mà hoàn toàn có cơ sở để Chánh án giải quyết ngay tại thời điểm đương sự có yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng trong thời gian tạm ngừng phiên tòa (được hiểu là “trước phiên tòa”) thì không có lý do gì phải chờ đến khi phiên tòa mở lại để HĐXX giải quyết. Điều này sẽ làm kéo dài việc giải quyết vụ án một cách vô lý và không đáng có.
Cuối cùng, chúng tôi cho rằng vẫn cần thiết TANDTC phải có hướng dẫn cụ thể về việc này để tránh những quan điểm và thực hiện không thống nhất trong thực tiễn xét xử./.
TAND tỉnh An Giang xét xử vụ án dân sự phúc thẩm “Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở” – Ảnh: Duy Bình
[1] Trước đó, BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) cũng đã đề cập đến “tạm ngừng” nhưng chỉ dừng lại ở nội dung quy định ngắn gọn và đơn giản và chỉ dùng cho việc tạm ngừng đối với phiên tòa sơ thẩm quy định tại khoản 2 Điều 197.
[2] Bùi Thị Huyền (2007), “Hoãn và tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm dân sự”, Tạp chí Luật học, số 6, tr. 38.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận