Việc tách thửa quyền sử dụng đất cần tuân thủ các quy định về đất đai của từng địa phương

Qua nghiên cứu bài viết “Bất cập trong việc tách thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo Bản án, quyết định của Tòa án” của tác giả Huỳnh Văn Sáng, người viết có trao đổi.

Tách thửa quyền sử dụng đất là quá trình chia nhỏ một thửa đất có diện tích lớn thành các phần nhỏ hơn, mỗi phần được cấp quyền sử dụng đất riêng lẻ cho một chủ sử dụng đất khác nhau. Quá trình này được thực hiện thông qua các thủ tục pháp lý như đăng ký tách thửa và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sử dụng mới.

Việc tách thửa quyền sử dụng đất thường được thực hiện khi một thửa đất có diện tích lớn bị chia sẻ giữa các chủ sử dụng khác nhau hoặc khi một chủ sử dụng muốn  chuyển nhượng một phần đất của mình. Việc tách thửa đất sẽ giúp chủ sử dụng dễ dàng quản lý và sử dụng đất một cách hiệu quả hơn, đồng thời cũng giúp tăng giá trị của đất.

Tuy nhiên, việc tách thửa quyền sử dụng đất cũng cần tuân thủ các quy định pháp lý về đất đai của từng địa phương để đảm bảo tính hợp pháp và tránh các tranh chấp pháp lý trong quá trình sử dụng đất sau này. Tại Đồng Tháp, việc thực hiện tách thửa quyền sử dụng đất phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai và theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 31/8/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp (viết tắt là Quy định số 22). Theo đó, điều kiện được tách thửa tuỳ vào vị trí, mục đích sử dụng đất và các điều kiện khác về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, tiếp giáp giao thông công cộng.

Cụ thể, Điều 7 Quy định số 22 về điều kiện được tách thửa đối với các loại đất như sau:

“Việc tách thửa đất nông nghiệp, đất ở, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện chung về diện tích, kích thước theo Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Quy định này, còn phải đảm bảo thêm các điều kiện sau đây:

1. Căn cứ quy hoạch phân khu (không phân biệt tỷ lệ) hoặc quy hoạch chi tiết (đối với đô thị) và căn cứ quy hoạch chung xây dựng xã hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn (đối với nông thôn) để giải quyết tách thửa đất. Trường hợp chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trường hợp tách thửa đất ở (kể cả trường hợp tách thửa đất nông nghiệp để chuyển mục đích sang đất ở) thì tại vị trí tách thửa ngoài việc đảm bảo phù hợp quy hoạch theo quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải đảm bảo kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong khu vực (đối với khu vực đô thị) hoặc cơ bản đáp ứng hạ tầng kỹ thuật (đối với khu vực nông thôn). Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác định sự phù hợp quy hoạch, đảm bảo kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong khu vực và có ý kiến về việc tách thửa đất theo quy định.

3. Trường hợp tách thửa đất ở, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, thửa đất mới hình thành phải đảm bảo tiếp giáp với đường giao thông công cộng do Nhà nước quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 9 Quy định này. Trường hợp tách thửa đất nông nghiệp thì thửa đất mới hình thành không bắt buộc phải tiếp giáp đường giao thông công cộng”.

Theo khoản 10 Điều 9 Quy định số 22: “Trường hợp thửa đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đa mục đích (đất ở kết hợp với đất nông nghiệp), không xác định được vị trí đất ở với đất nông nghiệp, có nguồn gốc công nhận quyền sử dụng đất (không phải do chuyển mục đích sử dụng đất), nay người sử dụng đất xin tách thành hai hoặc nhiều thửa đất đảm bảo diện tích tối thiểu theo Quy định này và tặng cho người khác để xây dựng nhà ở, nhưng tất cả hoặc một trong số thửa đất mới tách ra không có cạnh tiếp giáp trực tiếp với đường giao thông, lối đi công cộng, công trình công cộng của Nhà nước, người được tặng cho quyền sử dụng đất có nhu cầu thực tế về đất ở, được Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận không còn diện tích đất ở khác trên địa bàn huyện, thì được thực hiện tách thửa và chỉ giải quyết một lần đối với người được nhận tặng cho này”.

Mặt dù tại Điều 10 Quy định số 22 cho phép việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích quy định được phép tách thửa theo quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, trường hợp thừa kế phân chia quyền sử dụng đất đã được pháp luật công nhận, nhưng phải đảm bảo có đủ các điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa theo quy định thì mới được tiến hành thủ tục tách thửa.

Theo người viết, để đảm bảo việc ban hành bản án, quyết định đúng quy định của pháp luật về việc tách thửa quyền sử dụng đất, Toà án cần đề nghị Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền cung cấp thêm thông tin về điều kiện được tách thửa đối với thửa đất đang tranh chấp, tránh trường hợp việc thi hành bản án, quyết định của Toà án gặp vướng mắc, khó khăn sau này, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trên đây là ý kiến cá nhân của người viết, rất mong nhận được trao đổi của tác giả và bạn đọc.

 

Tràm Chim Đồng Tháp - Ảnh: Thái Vũ

Ths LÊ THỊ NGỌC LỢI (Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đồng Tháp)