Việc xác định trách nhiệm hình sự của Cường cần phải xem xét lại
Sau khi nghiên cứu bài đăng “Cường có phạm tội hay không?” của tác giả Cao Thanh Loan đăng ngày 24/7/2022, bàn về vấn đề khi chưa thực hiện xong việc trao súng và nhận tiền thì trách nhiệm của Cường trong trường hợp này được xác định như thế nào, tôi xin trao đổi quan điểm của mình.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Cường phạm tội Mua bán trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 304 BLHS, tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm hình sự của Cường thì cần phải được xem xét lại.
1. Làm rõ khái niệm liên quan
Trước hết, cần làm rõ hai khái niệm: (i) Vũ khí quân dụng là gì? (ii) Mua bán trái phép vũ khí quân dụng là gì? để làm cơ sở xác định các yếu tố cấu thành tội phạm của tội Mua bán trái phép vũ khí quân dụng.
(i) Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: “Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy đinh của Luật này để thi hành công vụ”. Theo nội dung tình huống được đưa ra “Cơ quan giám định kết luận câu súng bút là vũ khí được chế tác thủ công, có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng”. Do vậy, ta xác định, cây súng bút được Bảo và Cường mang ra thỏa thuận mua bán là vũ khí quân dụng theo quy định của Luật.
(ii) Hiện chưa có quy định giải thích khái niệm Mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, có thể tham khảo tại Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số điều quy định tại Điều 304, 306, 307, 308 của BLHS, theo đó: “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng là các hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không đòi hỏi phải có đủ cả hai hành vi mua và bán mà chỉ cần có một trong hai hành vi đó người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 BLHS”.
2. Xác định các yếu tố cấu thành tội phạm và xác định Cường có phạm tội hay không?
Trên cơ sở hai khái niệm trên, ta xét đến các yếu tố cấu thành tội phạm của tội Mua bán trái phép vũ khí quân dụng
- Khách thể: Hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội thông qua việc xâm phạm vào các quy định độc quyền của nhà nước về chế tạo, quản lý vũ khí quân dụng, đe dọa đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
- Chủ thể: Hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng được thực hiện bởi những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Theo đó, trong tình huống không đề cấp đến vấn đề năng lực trách nhiệm hình sự hay độ tuổi của Cường nên ta mặc định Cường thỏa mãn yếu tố chủ thể của tội phạm.
- Mặt khách quan: Hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng là đưa vũ khí quân dụng ra buôn bán, trao đổi bằng tiền hoặc những lợi ích vật chất khác khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, trong tình huống, Bảo và Cường đã nhắn tin trao đổi với nhau qua Zalo về việc mua bán cây súng bút (đã được cơ quan giám định là vũ khí quân dụng), trong đó đã thỏa thuận về giá cả, địa điểm giao nhận…
- Mặt chủ quan: Hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, động cơ mục đích đa dạng nhưng không có mục đích chống chính quyền nhân dân. Theo đó, trong tình huống, Cường mua súng với mục đích phòng thân và biết rõ mức độ gây nguy hiểm của cây súng bút cho các chủ thể khác và xâm phạm trật tự, an toàn xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi mua (bằng việc nhắn tin trả lời Bảo và khẳng định “nhất định sẽ mua. Mai mua luôn”).
Từ phân tích trên, hành vi của Cường đã có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm Mua bán trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 304 BLHS.
3. Xác định trách nhiệm hình sự của Cường
Trước hết, cần làm rõ khái niệm Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Căn cứ quy định tại Điều 16 BLHS “Tự ý chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”. Theo đó, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, người phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm hoặc đã thực hiện nếu đã tự ý dừng lại không thực hiệp tiếp tội phạm đến cùng nữa mà không có sự tác động của điều kiện khách quan.
Trong tình huống trên, mặc dù Cường và Bảo đã thỏa thuận với nhau về giá cả, địa điểm giao nhận súng bút, tuy nhiên, đến cuối cùng, dù không có bất kỳ sự tác động nào khác, Cường vẫn không thực hiện hành vi mua súng bút như đã thỏa thuận trong tin nhắn với Bảo. Cụ thể là vào thời điểm giao nhận bút mà hai bên đã thỏa thuận, Cường không đến nhà Bảo để nhận, đồng thời Cường cũng không có động thái chuyển tiền hay thanh toán khoản tiền 1,8 triệu đồng mà hai bên đã thỏa thuận. Kể cả ngày sau đó, Cường cũng chỉ tình cờ đi ngang qua nhà Bảo mà không nhằm mục đích vào nhà Bảo để nhận bút theo thỏa thuận mua bán từ trước đó. Do vậy, theo quan điểm cá nhân của tác giả, trong tình huống này, Cường đã tự ý chấm dứt việc phạm tội. Do vậy, căn cứ theo quy định Điều 16 BLHS, Cường được miễn trách nhiệm hình sự.
4. Kết luận
Hành vi của Cường đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Cường đã tự ý chấm dứt việc phạm tội của mình. Do vậy, Cường không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là nội dung trao đổi về vụ án, rất mong nhận được sự góp ý từ bạn đọc và đồng nghiệp.
Tòa án huyện Lắk, Đắk Lắk xét xử hai bị cáo bị truy tố về tội “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” - Ảnh: Lê Lý
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận