VKSNDTC đề nghị tiếp tục duy trì Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát

(TCTA) - Ngày 02/4/2025, Bộ Công an đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Dự thảo luật gồm 9 chương, 54 điều; giảm một chương và 19 điều so với luật hiện hành. Tuy nhiên, trong dự thảo không đề cập đến tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC).

Ngày 20/3/2025, Bộ Công an đã ban hành Công văn số 1001/BCA-V03 đề nghị các cơ quan hữu quan tham gia ý kiến đối với Tờ trình và dự thảo Luật Tổ chức CQĐT Hình sự (sửa đổi) do Bộ này chủ trì soạn thảo.

Trong công văn này, Bộ đưa ra hai phương án: (1) loại bỏ Cơ quan điều tra VKSNDTC, và (2) tiếp tục duy trì để Cơ quan điều tra VKSNDTC điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp và các tội phạm về chức vụ với người phạm tội thuộc các cơ quan tư pháp, nhưng bổ sung với trường hợp là cán bộ Viện kiểm sát (VKS) thì thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an.

Đáp lại, vào ngày 26/3/2025, VKSNDTC đã gửi Công văn số 1296/VKSTC-C1, đề nghị giữ nguyên toàn bộ các quy định hiện hành liên quan đến Cơ quan điều tra VKSNDTC.

Tuy nhiên, trong Tờ trình và dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) mới nhất ngày 02/4/2025, Bộ Công an đã quyết định loại bỏ hoàn toàn các quy định về Cơ quan điều tra VKSNDTC, tức theo phương án (1) đề cập ở trên.

VKSNDTC nhận định việc giữ nguyên các quy định đối với Cơ quan điều tra VKSNDTC như hiện nay cũng phù hợp với các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới.

Thứ nhất, về việc sắp xếp tinh gọn đầu mối Cơ quan điều tra, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị đã nêu: “Giữ nguyên hệ thống tổ chức các cơ quan điều tra chuyên trách tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSNDTC, VKSQS Trung ương như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ”. Như vậy, việc sắp xếp tinh gọn cơ quan điều tra là tinh gọn đầu mối các cơ quan điều tra trong từng cơ quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSNDTC) không phải là gom các cơ quan điều tra trong từng Bộ, ngành lại với nhau, sẽ không bảo đảm sự khách quan, độc lập.

Thứ hai, Viện kiểm sát là cơ quan có chức năng thực thành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn luật định, VKS tham gia tất cả các hoạt động tố tụng tư pháp hình sự (từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cho đến giai đoạn thi hành án hình sự), lĩnh vực tố tụng dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động… (từ khi Tòa án thụ lý vụ án, xét xử đến thi hành án dân sự).

Mặt khác, VKS cũng có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại và tố cáo của các cơ quan tư pháp. Do vậy, VKS là cơ quan duy nhất có điều kiện theo sát, nắm chắc các hoạt động giải quyết vụ việc, vụ án của các chủ thể tiến hành tố tụng. Với tính chất như vậy, VKS có điều kiện để phát hiện, trực tiếp xử lý các tội phạm trong lĩnh vực tư pháp hiệu quả hơn các cơ quan khác. Việc giao cho VKS có thẩm quyền điều tra các tội phạm trong lĩnh vực tư pháp như quy định hiện nay là phù hợp.

Thứ ba, VKS là một hệ thống cơ quan độc lập, Viện trưởng VKSNDTC báo cáo kết quả công tác trực tiếp trước Quốc hội. Với chức năng hiện nay, VKS có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp nói riêng. Việc Cơ quan điều tra VKSNDTC thực hiện nhiệm vụ điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và các tội phạm về tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp nhằm góp phần bảo đảm cho một nền tư pháp trong sạch, bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Thứ tư, về cơ bản, các cơ quan đều thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ khác nhau, như: Bộ Công an vừa thực hiện chức năng điều tra, vừa tiến hành các hoạt động giám định tư pháp về hình sự, chức năng tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Bộ Quốc phòng quản lý toàn bộ hệ thống tư pháp trong quân đội (cả Cơ quan điều tra, VKS và Tòa án quân sự…); Tòa án nhân dân các cấp xét xử khách quan, nghiêm minh đối với người phạm tội, trong đó có cán bộ, công chức vi phạm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng các bộ, ngành đều làm tốt nhiệm vụ được giao và bảo đảm được sự khách quan. Đối với ngành Kiểm sát, kết quả công tác trong những năm qua luôn được Quốc hội ghi nhận, đánh giá thực hiện tốt nhiệm vụ điều tra, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC chịu sự giám sát của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử  (Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội...) và giám sát của xã hội như hoạt động công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong những năm qua, hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC được thực hiện theo quy định pháp luật, bảo đảm khách quan, nghiêm minh. không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không có trường hợp nào Tòa án tuyên không phạm tội và luôn làm tốt công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động tư pháp.

Theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra năm 2015, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã được mở rộng thêm nhiệm vụ điều tra đối với 23 tội phạm thuộc nhóm tội tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp so với trước đây. Với truyền thống 63 năm kể từ khi ngành Kiểm sát thực hiện nhiệm vụ điều tra cho đến nay, Cơ quan điều tra VKSNDTC không ngừng phát triển qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ luôn khẳng định được vvi trò và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.

Thứ năm, kinh nghiệm quốc tế cho thấy: một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Công tố viên/ Kiểm sát viên của Viện Công tố/Viện kiểm sát thực hiện hoạt động điều tra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Đặc biệt ở Trung Quốc, tổ chức hệ thống cơ quan điều tra của VKS từ cấp trung ương đến một số tỉnh để thực hiện thẩm quyền điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Điều này xuất phát từ nguyên lý công tố bám sát, chỉ đạo điều tra, trực tiếp tiến hành điều tra trong trường hợp cần thiết, nhằm mục đích phòng ngừa oan sai, chống vi phạm trong hoạt động tố tụng tư pháp.

Ở Việt Nam, hoạt động điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp của VKSND là công tác “nối dài” của chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp, tuân thủ pháp luật, góp phần hiệu quả trong đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng, chức vụ nói chung và tham nhũng, chức vụ và xâm phạm hoạt động tư pháp nói riêng, góp phần xây dựng nền tư pháp liêm chính, trong sạch.

Từ những quan điểm nêu trên, VKSNDTC đề nghị tiếp tục quy định Cơ quan điều tra VKSNDTC tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp.

QUANG PHÚC

Trụ sở VKSNDTC. Nguồn ảnh Internet.