Võ Thị Ngọc B phạm tội Không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 BLHS
Sau khi nghiên cứu bài viết "Võ Thị Ngọc B có phạm tội hay không?" của tác giả Trần Huy Phục đăng ngày 27/5/2022, tôi cho rằng Võ Thị Ngọc B phạm tội Không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 BLHS.
Đối với quan điểm cho rằng, Võ Thị Ngọc B phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm, tôi không đồng tình với quan điểm này. Đồng phạm được coi là một hình thức phạm tội đặc biệt, đó là trường hợp “có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Theo đó, đồng phạm đòi hỏi có những dấu hiệu sau:
Thứ nhất, về mặt khách quan: Đồng phạm phải có hai dấu hiệu đó là có từ hai người trở lên và dấu hiệu cùng thực hiện một tội phạm. Đối với dấu hiệu có hai người trở lên thì các đối tượng phải có đủ điều kiện của chủ thể tội phạm - đó là có năng lực trách nhiệm hình sự. Dấu hiệu chủ thể đặc biệt chỉ yêu cầu đối với đồng phạm đóng vai trò là người thực hành. Đối với dấu hiệu cùng thực hiện một tội phạm được hiểu là người đồng phạm tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi sau:
-Hành vi thực hiện tội phạm (thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm). Người có hành vi này được gọi là người thực hành. Người thực hành trực tiếp thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, có hai trường hợp được coi là trực tiếp thực hiện tội phạm. Trường hợp thứ nhất là trường hợp tự mình thực hiện hành vi phạm tội, trường hợp thứ hai là trường hợp không tự mình thực hiện hành vi phạm tội mà chỉ có hành động cố ý tác động người khác để người này thực hiện hành vi nhưng họ không phải chịu TNHS vì các lí do như không có năng lực TNHS, không có lỗi hoặc chỉ có lỗi vô ý do sai lầm, được loại trừ TNHS do bị cưỡng bức tinh thần.
-Hành vi tổ chức thực hiện tội phạm (tổ chức thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm). Người có hành vi này được gọi là người tổ chức. Người tổ chức là người chủ mưu, người cầm đầu hoặc người chỉ huy.
-Hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm (xúi giục người khác thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Người có hành vi này được gọi là người xúi giục. Việc xúi giục phải nhằm vào một hoặc một số người nhất định, việc hô hào phạm tội không hướng tới người xác định thì không được coi là hành vi xúi giục.
-Hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm ( giúp sức người khác thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm). Người thực hiện hành vi này được gọi là người giúp sức. Người giúp sức có thể tạo điều kiện về mặt vật chất như cung cấp công cụ, phương tiện phạm tội,… có thể tạo điều kiện về mặt tinh thần như hứa hẹn sẽ che giấu tội phạm,…
Thứ hai, về mặt chủ quan: Chỉ được coi là đồng phạm khi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý.
Như vậy, quay trở lại vụ án, Võ Thị Ngọc B đi cùng với Quách Văn A mua ma túy về để cùng sử dụng. Sau khi sử dụng xong, còn lại một ít A cất vào người rồi lên xe chở B về. Đến cửa nhà B, A nói còn một ít ma túy, khi nào sử dụng A sẽ gọi B đến sử dụng cùng. Xem xét các dấu hiệu của đồng phạm, hành vi của Võ Thị Ngọc B không thỏa mãn dấu hiệu cùng thực hiện một tội phạm. Bởi về hành vi thực hiện tội phạm - đó là tàng trữ trái phép chất ma túy do Quách Văn A thực hiện. Võ Thị Ngọc B không thực hiện hành vi này. Võ Thị Ngọc B cũng không phải là người tổ chức thực hiện bởi việc tàng trữ ma túy là do A tự thực hiện. B cũng không xúi giục hay giúp sức cho A trong quá trình A thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy của mình. Do đó, Võ Thị Ngọc B không phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy với vai trò là đồng phạm.
Những hành vi liên quan đến tội phạm nhưng không phải là hành vi cùng thực hiện đều không phải là hành vi đồng phạm mà chỉ có thể cấu thành tội phạm khác trong trường hợp được luật quy định. Đó là không tố giác tội phạm và che giấu tội phạm. Che giấu tội phạm là hành vi không hứa hẹn trước nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Võ Thị Ngọc B không có hành vi che giấu người phạm tội, dấu vết tang vật hay cản trở việc phát hiện tội phạm nên không phải là che giấu tội phạm.
Không tố giác tội phạm là hành vi biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác. Hành vi này được thực hiện bằng hình thức không hành động, lỗi của người không tố giác là lỗi cố ý trực tiếp. Tuy nhiên, hành vi không tố giác chỉ được cấu thành tội không tố giác khi không tố giác những tội nhất định quy định tại Điều 390 BLHS.
Ngoài ra, khoản 2, 3 Điều 19 BLHS còn giới hạn những chủ thể không phải chịu TNHS về tội này (trừ che giấu các tội về an ninh quốc gia và các tội khác thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng) đó là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội và người bào chữa cho người phạm tội (về tội phạm do chính người mà mình đang bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa).
Trong vụ án trên, Võ Thị Ngọc B được A nói cho biết rằng còn một ít ma túy A đang cất giữ, khi nào sử dụng sẽ gọi B đến cùng sử dụng. Do vậy, B biết rõ A đang thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng cố ý không tố giác tội phạm. Hơn nữa, Võ Thị Ngọc B không thuộc các trường hợp được miễn TNHS nêu trên. Do vậy, Võ Thị Ngọc B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm.
LS Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng có bài trao đổi, đồng quan điểm B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm.
Tòa án nhân dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm vụ án Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS và Không tố giác tội phạm - Ảnh: Nguyễn Huyền Trang
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận