
Vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
(TCTA) - Sau khi nghiên cứu bài viết “Vụ án có thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự không?” của tác giả Ngô Anh Dũng đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 28/04/2025, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai của tác giả.
1. Về thẩm quyền xét xử
Đầu tiên, muốn xác định được vụ án có thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự hay không cần phải dựa vào căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo đối tượng. Áp dụng quy định này đối với vụ án được nêu ở bài viết:
Thứ nhất, H và A được đơn vị giải quyết xuất ngũ do đã hết thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự đồng nghĩa với việc H và A không thuộc đối tượng mà Tòa án quân sự có thẩm quyền giải quyết là “quân nhân tại ngũ” theo điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC.
Thứ hai, hành vi “Cố ý gây thương tích” của H và A không liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC. Do đó, H và A không thuộc đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo điều luật này.
Thứ ba, khoản 3 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC quy định:
“Đối với người đang phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử tất cả các vụ án mà người đó phạm tội, không phân biệt loại tội và thời điểm họ thực hiện tội phạm.
Đối với người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm do họ thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử những tội phạm hướng dẫn tại khoản 2 Điều này; những tội phạm khác do Tòa án nhân dân xét xử.”
Điểm a khoản 4 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC quy định về thời điểm bắt đầu thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự: “Đối với tuyển quân hằng năm đi nghĩa vụ quân sự là thời điểm giao nhận quân”.
Theo điểm a khoản 5 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC, thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được xác định đối với trường hợp nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, thôi việc, nghỉ theo chế độ bệnh binh, chuyển ngành là ngày quyết định có hiệu lực thi hành.
Nhìn lại vụ án được nêu ở bài viết, hành vi “Cố ý gây thương tích” của H và A được thực hiện trước khi nhập ngũ, không phải trong thời gian phục vụ trong Quân đội. Cụ thể, thời điểm H và A được coi là bắt đầu phục vụ trong Quân đội được tính từ thời điểm giao nhận quân, tức là tính từ tháng 02/2023, và thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội của H và A là ngày quyết định giải quyết xuất ngũ có hiệu lực thi hành, tức là trong thời gian chuẩn bị xét xử. Do đó, có thể xác định H và A không còn là người phục vụ trong quân đội, đồng thời hành vi của 2 đối tượng này không liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC. Như vậy, H và A không phải là đối tượng mà Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC.
Từ những phân tích trên, xác định Tòa án quân sự không có thẩm quyền xét xử đối với 2 đối tượng H và A.
2. Về ý kiến Tòa án quân sự cần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát quân sự để điều tra bổ sung và đề nghị cấp có thẩm quyền hủy bỏ các quyết định ra quân đối với H và A
Khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định:
“Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
b) Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;
c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.”
Mặc dù việc đơn vị Quân đội giải quyết xuất ngũ cho H và A là trái quy định tại khoản 10 Điều 4 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27/12/2023 quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam: “ … Người thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, đơn vị không giảm quân số quản lý mà chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra trong Quân đội để xử lý theo quy định của pháp luật ... chỉ giải quyết chế độ, chính sách sau khi bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật …”. Tuy nhiên, việc này lại không thuộc các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 280 nêu trên. Như vậy, ý kiến Tòa án quân sự cần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát quân sự để điều tra bổ sung và đề nghị cấp có thẩm quyền hủy bỏ các quyết định ra quân đối với H và A là không có căn cứ.
Như vậy, đối với vụ án nêu trên không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Trường hợp này, cần phải trả hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trên đây là quan điểm của tác giả đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.
Ảnh minh họa/ Nguyễn Vũ Hoàng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bổ sung thẩm quyền của TAND khu vực, TAND cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao
-
Bàn về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự Quân đội
-
Khai giảng lớp đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án khu vực phía Nam năm 2025
-
Nghị quyết số 178/2025/QH15 về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội
-
Vụ án Ga Phạm Xá – cuộc hội ngộ của người trong cuộc
Bình luận