Vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân

Sau khi đọc nội dung bài viết “Tòa án nào có thẩm quyền xét xử vụ án?” của tác giả Nguyễn Thành Giang đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 16/3/2020 và bài trao đổi của bạn đọc, theo quan điểm của cá nhân vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 272 BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì “1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: 

a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân. 

b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.”.

Tinh thần quy định tại mục b khoản 1 Điều 272 BLTTHS năm 2015 đó là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của các chủ thể quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ những thiệt hại đó phải đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS thì tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”, như vậy, tỷ lệ tổn thương cơ thể của khung cơ bản từ 61%, nhưng trong vụ án này tỷ lệ tổn thương cơ thể của quân nhân Hoàng Văn Q chỉ là 31% chưa thỏa mãn khung cơ bản của điều luật, nếu đưa quân nhân Hoàng Văn Q vào tư cách tố tụng là bị hại thì không hợp lý vì chưa đủ điểu kiện về tỷ lệ tổn thương cơ thể để áp khung và nếu Q tham gia với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì thẩm quyền xét xử thuộc về Tòa án nhân dân.

Hơn nữa trong bài viết này quan điểm thứ hai cho rằng cần truy tố Nguyễn Quốc K về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 SĐBS năm 2017 (Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 

Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người”.

Điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 có hậu quả chết người nhưng quân nhân Q chỉ bị thương thì việc truy tố như vậy là bất hợp lý.

Trước đây có quy định tại điểm b tiểu mục 4.1 mục 4 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định của BLHS năm 1999 “Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên”.

Tại điểm b tiểu mục 4.2 của Nghị quyết 02/2003 hướng dẫn “Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này” thì quan điểm thứ hai là phù hợp bởi tỷ lệ tổn thương cơ thể của một người ở khung cơ bản là 31%.

Quan điểm thứ hai cho rằng cần truy tố Nguyễn Quốc K về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 SĐBS năm 2017 quan điểm này chỉ phù hợp khi vận dụng quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhưng trong quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 thì không phù hợp.

Từ những sự phân tích nêu trên thì thẩm quyền xét xử của vụ án thuộc về Tòa án nhân dân./.

Xét xử vụ án tai nạn giao thông gây chết người – Ảnh minh họa của TTo

TRẦN VĂN HÙNG (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4)