Vũ Công T và Phạm Duy D đều phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội hai lần trở lên”
Sau khi đọc bài viết “Vũ Công T có bị áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên”” của tác giả Thanh Thịnh, tôi cho rằng, với tình tiết vụ việc như tác giả nêu thì cả Vũ Công T và Phạm Duy D đều phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 256 BLHS.
- Thứ nhất, cấu thành cơ bản của tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 1 Điều 256 BLHS thể hiện “Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt...”. Theo tinh thần quy định tại tiết 7.1 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn: "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy”.
Theo quy định này, thì bất kỳ người nào cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm do mình sở hữu, quản lý thì phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”. Quán Karaoke thuộc quyền sở hữu của Phạm Duy D, Vũ Công T được D thuê để quản lý quán, quá trình quản lý quán T được D chỉ đạo để cho khách đến quán sử dụng trái phép chất ma túy. Việc sử dụng trái phép chất ma túy tại quán đều được D và T biết và cho phép khách sử dụng tại đây. D chỉ đạo T về việc cho khách sử dụng trái phép chất ma túy nên D phạm tội với vai trò là người tổ chức, T thực hiện theo chỉ đạo của D nên T là người thực hành.
- Thứ hai, đối với các tội phạm về ma túy thường việc bắt quả tang người phạm tội rất khó, nên phần lớn việc xét xử các tội phạm về ma túy thông qua các chứng cứ chứng minh cụ thể để kết tội. Trong vụ việc, Vũ Công T khai nhận đã nhiều lần cho khách sử dụng trái phép chất ma túy tại quán; bên cạnh đó, các nhân viên của quán cũng khai theo chỉ đạo của D, khách đến quán nhiều lần sử dụng trái phép chất ma túy. Các chứng cứ này đủ cơ sở để xác định T và D đã nhiều lần cho khách sử dụng trái phép chất ma túy tại quán Karaoke. Như vậy, đã có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự D và T phạm tội theo điểm b khoản 2 Điều 256 BLHS.
Việc xác định cụ thể những ai đã sử dụng trái phép chất ma túy tại quán không phải là chứng cứ quan trọng để xác định các lần T và D cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, trong vụ việc này nếu có căn cứ thì có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung T và D đã cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy bao nhiêu lần để làm căn cứ lượng hình trong khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 256 BLHS.
Trên đây là quan điểm của cá nhân về xác định khung hình phạt trong vụ việc Tác giả nêu, mong bạn đọc cùng bàn luận làm rõ.
Tòa án Tp Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk xét xử vụ án tàng trữ trái phép các chất ma túy - Ảnh: Mỹ Hạnh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận