Vụ thả người trái pháp luật: Cựu đại tá Công an Phùng Anh Lê bị tuyên án 7 năm 6 tháng tù
HĐXX khẳng định cáo trạng truy tố của VKS đối với bị cáo Phùng Anh Lê là có cơ sở, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo cựu Đại tá Công an Phùng Anh Lê mức án 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”.
Sau hai xét xử và nghị án, ngày 14/8, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên án đối với bị cáo Phùng Anh Lê (cựu Đại tá Công an, cựu Trưởng công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội) và 3 bị cáo là cựu cán bộ thuộc Công an quận Tây Hồ.
Theo đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Phùng Anh Lê lĩnh án 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”.
Các bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) bị tuyên phạt 10 tháng 28 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam), trả tự do cho bị cáo tại tòa; Bị cáo Vũ Công Ngọc (cựu Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) bị tuyên phạt mức án 6 tháng tù treo; Lê Đình Trung (Phó đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp) lĩnh án 4 tháng 12 ngày tù cùng về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.
Đúng người, đúng tội, không oan
Theo nhận định của HĐXX, mặc dù bị cáo Phùng Anh Lê phủ nhận nhưng những người liên quan khác đều có lời khai phù hợp với diễn biến logic của sự việc.
Trên cơ sở đó, HĐXX có đủ căn cứ kết luận đêm 22/9/2016, tại phòng làm việc của mình, Phùng Anh Lê đã nhận 110 triệu đồng từ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của Lê). Sau đó, bị cáo chỉ đạo thuộc cấp thả Nguyễn Hữu Tài ra về dù biết vụ việc này đã được Công an quận Tây Hồ thụ lý. Như vậy, cáo trạng của VKS truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội và không oan.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo đã vi phạm quy định pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng uy tín của cơ quan tố tụng…
Bản án sơ thẩm xác định người chịu trách nhiệm chính trong vụ án này là Phùng Anh Lê. HĐXX nhận định lẽ ra bị cáo Lê phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nêu gương với tư cách người đứng đầu Công an quận Tây Hồ, nhưng bị cáo đã vì động cơ, vụ lợi mà phạm tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, khi lượng hình, HĐXX đã xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ về nhân thân, thành tích của bị cáo.
Về các bị cáo còn lại, HĐXX thấy rằng các bị cáo Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung, Vũ Công Ngọc là cấp dưới, biết chỉ đạo của Phùng Anh Lê sai quy định nhưng vẫn thực hiện. Tuy nhiên, HĐXX đánh giá 3 bị cáo này đều có thái độ ăn năn, hối cải và khai báo thành khẩn nên nhận thấy đề nghị của VKS là có căn cứ.
Ngoài tuyên mức án, HĐXX còn tuyên buộc bị cáo Phùng Anh Lê phải nộp lại 110 triệu đồng để sung công quỹ nhà nước.
Phùng Anh Lê: “Sẽ kêu oan đến lúc chết”
Trước đó, tự bào chữa trước HĐXX tại phiên toà ngày 13/8, bị cáo Phùng Anh Lê khẳng định bản thân không có tội và sẽ kêu oan đến lúc chết. Bị cáo Lê kiên quyết cho rằng bản thân không nhận số tiền 110 triệu đồng như bản cáo trạng của VKSNDTC quy kết, không có chuyện chỉ đạo thả nghi phạm Nguyễn Hữu Tài như lời khai của thuộc cấp.
Bị cáo Lê cho rằng nhân chứng Phùng Văn Bảy (chú họ của Phùng Anh Lê) đã khai không trung thực và bị người khác đổ tội.
Nói sau cùng, cựu đại tá Phùng Anh Lê trình bày: “Việc đại diện VKS truy tố tôi tội "Nhận hối lộ", tôi khẳng định không có. Quy kết tôi chủ mưu trong việc tha người trái pháp luật cũng không đúng quy định của pháp luật. Tôi chỉ mong HĐXX tuyên một bản án cho anh Châu, Trung Ngọc không phạm tội tha người trái pháp luật”.
Nói lời sau cùng, các bị cáo còn lại mong tòa xem xét toàn diện các chứng cứ, hành vi và lời khai tại tòa để có bản án thấu tình đạt lý.
Trong phần luận tội trước đó, đại diện VKS nhận thấy trong vụ án này, bị cáo Phùng Anh Lê giữ vai trò chính, chủ mưu. Bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và vị trí công tác, chủ động gợi ý nhận 110 triệu đồng từ ông Bảy. Sau đó, bị cáo trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện tha trái pháp luật Nguyễn Hữu Tài.
Còn các bị cáo Vũ Công Ngọc, Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung biết việc thả nghi phạm là vi phạm, nhưng đã không báo cáo lên cấp trên hoặc viện kiểm sát cùng cấp, mà vẫn thực hiện theo chỉ đạo.
VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo Lê từ 9 - 10 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, tịch thu 110 triệu đồng mà bị cáo Lê bị cáo buộc chiếm hưởng để sung công quỹ.
Theo hồ sơ vụ án, nguồn từ tháng 9/2016, Nguyễn Hữu Tài (trú quận Ba Đình) đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt, đánh một người nợ tiền. Khi xác minh, điều tra viên đội hình sự Công an quận Tây Hồ thấy Tài có dấu hiệu của nhiều hành vi phạm tội khác nên đề xuất tạm giữ để điều tra.
Tài bị tạm giữ 4 ngày nhưng người thân của anh ta tìm gặp ông Phùng Văn Bảy nhờ giúp đỡ. Ông Bảy đặt vấn đề và được ông Phùng Anh Lê (cháu họ) đồng ý thả Tài với điều kiện nộp 110 triệu đồng. Tối 22/9/2016, ông Bảy tới phòng làm việc của ông Lê, giao tiền.
Nhận tiền xong, ông Lê yêu cầu cấp dưới thả Tài. Khoảng 0h ngày 23/9/2016, Tài được về nhà sau chưa đầy một ngày bị tạm giữ.
Những ngày sau, cán bộ đội hình sự nhiều lần đề xuất, xin ý kiến ông Lê tiếp tục xác minh. Tuy nhiên, ông Lê không đồng ý cho làm, nhiều cán bộ cũng bị gạt ra khỏi sự việc.
Ngày 22/1/2021, Công an Hà Nội lật lại hồ sơ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Tài cùng đồng bọn về tội Cướp tài sản. Sai phạm của ông Lê cùng thuộc cấp được làm sáng tỏ.
HĐXX tuyên án với các bị cáo
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận