Vướng mắc phát sinh từ thực tiễn áp dụng khoản 2 Điều 217 BLTTDS 2015
Quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tại Điều 217 BLTTDS 2015 có nhiều thay đổi so với quy định của BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Trong đó, khoản 2 Điều 217 BLTTDS 2015 là nội dung hoàn toàn mới, nhằm giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp vụ án có yêu cầu phản tố của bị đơn hay có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tạo thuận lợi nhất định cho Tòa án địa phương trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này còn nhiều vướng mắc, gây trở ngại cho hoạt động tố tụng tại Tòa án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong phạm vi bàn viết này, chúng tôi xác định một số vướng mắc đó và đề xuất các kiến nghị có liên quan.
I.Khái quát chung về quy định và hướng dẫn khoản 2 Điều 217
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu phát sinh các điều kiện quy định từ điểm a đến điểm h khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án thì điều kiện “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập lần thứ hai mà vẫn vắng mặt…” tại điểm c khoản 1 Điều 217 được áp dụng nhiều nhất. Quá trình áp dụng quy định này tại Tòa án diễn ra thuận lợi đối với vụ án không có yêu cầu phản tố của bị đơn hay yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vụ án có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thì hướng xử lý tình huống “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt…” được quy định tại khoản 2 Điều 217 như sau:
“2. Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:
a) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
b) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;
c) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn”…
Giải thích rõ hơn về quy định trên, tại mục 7 phần VI Giải đáp số 01/2017/GĐ – TANDTC ngày 7 tháng 4 năm 2017 của TANDTC hướng dẫn như sau:
“… Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trong quyết định đó phải thể hiện rõ việc thay đổi địa vị tố tụng: bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn. Trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ riêng mà phải nhận xét trong phần Nhận định của Tòa án trong bản án và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu trong phần Quyết định của bản án.”
Ngoài ra, các điều 200, 201, 202 quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết yêu cầu phản tố. Trong đó, về tinh thần chung nhất, Điều 202 quy định “Thủ tục yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”; hiện chưa có Nghị quyết hướng dẫn riêng về nội dung này, nhưng chúng ta có thể tham khảo các hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 05/2012/NQ – HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC năm 2012.
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án, xử lý hậu quả của việc đình chỉ vụ án là yêu cầu gắn liền và bắt buộc với việc ban hành quyết định đình chỉ vụ án, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Điều 218 BLTTDS 2015 quy định cơ bản rõ ràng về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án theo khoản 1 Điều 217, nhưng lại không có quy định về hậu quả của việc “đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn” và “yêu cầu phản tố của bị đơn” tại khoản 2 Điều 217 BLTTDS. Do đó, phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn, tạo lúng túng cho cơ quan tiến hành tố tụng.
II.Một số vướng mắc phát sinh và kiến nghị, đề xuất
1.Một số vướng mắc phát sinh
Thứ nhất: Điểm b khoản 2 Điều 217 BLTTDS 2015 quy định “Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn”. Thực tiễn khi ban hành quyết định tố tụng này phát sinh những vấn đề lúng túng sau:
– Quyết định này là loại quyết định gì, có bị kháng cáo, kháng nghị như Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không? Bởi điểm b khoản 2 Điều 217 chỉ xác định là “đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện” chứ không phải “đình chỉ giải quyết vụ án”. Quyền khởi kiện lại của nguyên đơn được quy định như thế nào, Tòa án có ghi rõ khi ban hành quyết định theo điểm b khoản 2 Điều 217 hay không?
– Tiền tạm ứng án phí của nguyên đơn được xử lý như thế nào, có trả lại cho nguyên đơn theo quy định tại khoản 3 Điều 218 hay không?
– Tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá tài sản mà nguyên đơn đã nộp thì xử lý như thế nào? Tòa án có buộc nguyên đơn phải chịu chi phí thẩm định, định giá khi đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 4 Điều 157 và khoản 4 Điều 165 hay không?
– Khi thay đổi tư cách tham gia tố tụng của đương sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính thế nào? Bị đơn (được đổi từ nguyên đơn do rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện) có quyền yêu cầu phản tố lại hay không?
Các vướng mắc trên dẫn đến nhiều cách làm khác nhau trên thực tiễn, tạo nên sự không thống nhất khi xử lý tình huống tố tụng, có trường hợp làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự.
Cách làm thứ nhất: Tòa án xác định ban hành quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện như đình chỉ giải quyết vụ án đối với quan hệ tranh chấp do nguyên đơn khởi kiện. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết này được thực hiện theo Điều 218 BLTTDS 2015 (trả lại tiền tạm ứng án phí; nguyên đơn phải chịu chi phí thẩm định, định giá; nguyên đơn có quyền khởi kiện lại) và sau khi thay đổi tư cách tham gia tố tụng thì giải quyết các vấn đề phát sinh tiếp theo theo quy định chung của BLTTDS, thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày ban hành quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của đương sự. Cách làm này cơ bản giải quyết được nhiều vướng mắc phát sinh được đặt ra ở trên, nhưng gặp phải những trở ngại sau:
Một là: Không có căn cứ pháp luật cụ thể để giải quyết hậu quả của việc đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện, việc áp dụng Điều 218 để xử lý mới chỉ là tình huống áp dụng tương tự pháp luật.
Hai là: Chi phí định giá tài sản khi đương sự nộp nhiều khi Tòa án sử dụng cả vào việc định giá các tài sản liên quan đến yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, việc buộc nguyên đơn phải chịu toàn bộ chi phí này trong khi vụ án chưa giải quyết xong là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nguyên đơn, bởi nguyên tắc khi giải quyết vụ án, yêu cầu khởi kiện của đương sự nào không được chấp nhận thì đương sự đó phải chịu chi phí tố tụng.
Ví dụ: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng dân sự. Bị đơn có yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá các tài sản liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng do nguyên đơn nộp. Nếu vụ án được giải quyết bình thường thì Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bên nào thì bên còn lại phải chịu chi phí thẩm định, định giá. Tuy nhiên, khi nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ yêu cầu phản tố thì lại là một việc khác. Nếu xử lý theo Điều 218, khoản 4 Điều 157, khoản 4 Điều 165 BLTTDS thì buộc nguyên đơn phải chịu chi phí này. Trong khi đó vụ án chưa được giải quyết xong, vẫn có khả năng Tòa án không chấp nhận yêu cầu của bị đơn. Theo đó, trong trường hợp này nguyên đơn bị thiệt hại đối với chi phí tạm ứng đã nộp hoặc là trong bản án, quyết đinh giải quyết vụ án sau này phải hủy đi một phần quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà Tòa án đã thực hiện trong cùng vụ án đó.
Cách làm thứ hai: Tòa án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhưng không giải quyết hậu quả của việc đình chỉ đó theo Điều 218; toàn bộ các vấn đề liên quan đến quyền lợi của nguyên đơn được tiếp tục giải quyết trong bản án, quyết định giải quyết toàn bộ vụ án; trong trường hợp này, không có thay đổi về thời hạn chuẩn bị xét xử, không giải quyết yêu cầu phản tố của nguyên đơn khi được đổi tư cách thành bị đơn. Do đó, đương sự, Viện kiểm sát không có quyền kháng cáo, kháng nghị quyết định này.
Cách làm này tương đối “an toàn” cho quyết định của Tòa án nhưng không giải quyết triệt để quyền lợi của đương sự. Trong đó có quyền kháng cáo, đề nghị cơ quan thẩm quyền kháng nghị của đương sự; quyền được trả lại tiền tạm ứng án phí của nguyên đơn (nhất là những vụ án có số tiền tạm ứng án phí lớn); quyền phản tố đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (mới), quyền khởi kiện lại vụ án của nguyên đơn (cũ)… Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, vì không có thay đổi về thời hạn chuẩn bị xét xử nên gây khó khăn cho Tòa án và dễ dẫn đến vụ án quá hạn luật định.
Thứ hai: Khi Tòa án thay đổi tư cách tham gia tố tụng của đương sự, bị đơn trở thành nguyên đơn (trong trường hợp bị đơn giữ yêu cầu phản tố), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn (trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu độc lập) thì thẩm quyền giải quyết vụ án được xác định như thế nào khi địa chỉ cư trú, địa chỉ nơi có trụ trở của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không thuộc lãnh thổ mà Tòa án địa phương đó đang thụ lý vụ án.
Trong thực tiễn xử lý tình huống này tại Tòa án, đa số các Tòa án địa phương đều chọn phương án chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nơi có địa chỉ, trụ sở của bị đơn (mới) để giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, Tòa án đang thụ lý vụ án không cần phải chuyển vụ án bởi việc thay đổi tư cách tham gia tố tụng của đương sự diễn ra sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cần vận dụng quy định tại khoản 3 Điều 39 BLTTDS 2015 “Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự”.
2.Một số kiến nghị, đề xuất
Một là, TANDTC cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp áp dụng khoản 2 Điều 217 BLTTDS 2015 để giải quyết triệt để các vướng mắc trên, đồng thời ban hành bổ sung bộ mẫu các quyết định xử lý tình huống tố tụng liên quan đến quy định này, bởi hiện nay các biểu mẫu ban hành theo Nghị quyết số 01/2017/NQ – HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 chưa có loại mẫu này.
Hai là, về hướng xử lý tình huống tố tụng khi TANDTC ban hành văn bản hướng dẫn, chúng tôi xin đề xuất như sau:
– Ngoài các nội dung phải có theo hướng dẫn tại mục 7 phần IV của Giải đáp số 01/2017/GĐ – TANDTC, quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của đương sự phải thể hiện rõ các nội dung sau: Quyền khởi kiện lại của đương sự; quyền kháng cáo, kháng nghị quyết định theo thủ tục phúc thẩm; xử lý tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp (theo hướng trả lại cho nguyên đơn); quyền yêu cầu phản tố của đương sự được thực hiện theo thủ tục chung và thời hạn giải quyết vụ án (theo quan hệ pháp luật mới được xác định từ yêu cầu phản tố của bị đơn cũ (nguyên đơn mới)) được tính lại từ đầu trong trường hợp Tòa án chưa mở phiên tòa để xét xử vụ án (nhằm đảm bảo thời gian cho bị đơn (mới) thực hiện các quyền của bị đơn theo Bộ luật tố tụng dân sự). Riêng đối với tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá tài sản thì không xử lý trong quyết định này mà ghi rõ “sẽ được giải quyết khi vụ án được giải quyết xong”.
– Chúng tôi cho rằng khoản 3 Điều 39 BLTTDS 2015 chỉ quy định trong trường hợp tư cách tham gia tố tụng của đương sự không thay đổi, nhưng do chuyển chổ ở, chuyển nơi làm việc nên địa chỉ mới của bị đơn bị thay đổi thì Tòa án đang thụ lý tiếp tục giải quyết vụ án; còn trường hợp tư cách tham gia tố tụng bị thay đổi ngược lại theo điểm b khoản 2 Điều 217 thì phải áp dụng theo thủ tục chung. Theo đó, hướng dẫn của TANDTC có thể theo hướng: Sau khi ban hành quyết định này và tùy vào địa chỉ của bị đơn mới Tòa án sẽ xác định thẩm quyền giải quyết vụ án theo lãnh thổ trên cơ sở các quy định chung của BLTTDS (có thể chuyển vụ án cho Tòa án nơi có trụ sở, địa chỉ của bị đơn mới giải quyết nếu địa chỉ của nguyên đơn cũ không thuộc lãnh thổ của Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ án này).
Trên đây là một số vấn đề về thực tiễn áp dụng khoản 2 Điều 217 BLTTDS 2015 trong công tác xét xử tại Tòa án địa phương, rất mong nhận được sự quan tâm của đồng nghiệp và độc giả.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận