Vướng mắc trong áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thời gian qua, chúng tôi nhận thấy còn tồn tại một số vướng mắc, cần được tháo gỡ.
Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những loại tranh chấp dân sự phổ biến hiện nay. Trong đó, tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm; do tính mạng bị xâm phạm, do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm đã có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật nên việc giải quyết tranh chấp của các cấp Tòa án khá toàn diện, triệt để, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đướng sự. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần còn có vướng mắc trên thực tế. Ngoài ra, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC mới có hướng dẫn áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Còn nhiều tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp mới phát sinh cần có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn cụ thể như về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra khi người thi công có lỗi; về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra; về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
1.Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật
BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều quy định về một căn cứ phát sinh nghĩa vụ là “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật”. Ngoài ra, tại Mục II.A.2 của Thông tư số 173-TANDTC ngày 23/3/1972 của TANDTC hướng dẫn xét xử về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ban hành ngày và Mục I.1.1.2 của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đều có quy định rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải dựa trên hành vi trái pháp luật. Nhận thấy, tại các văn bản pháp luật nêu trên đều không có định nghĩa về “hành vi trái pháp luật” mà chỉ liệt kê các hành vi cụ thể như xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của chủ thể khác mà gây thiệt hại. Việc quy định mang tính liệt kê nêu trên được các nhà làm luật diễn giải là với mục đích hướng tới hậu quả của hành vi trái pháp luật. Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP quy định tính trái pháp luật cần được xem xét trong bản chất của chính hành vi đó. Sự xâm phạm nêu trên (đến lợi ích hợp pháp của chủ thể khác) là một yếu tố riêng rẽ với yếu tố “trái pháp luật”, và chỉ nên xem xét sự xâm phạm đó khi bàn về thiệt hại. Điều này thể hiện ở việc các yếu tố xâm phạm trong Nghị quyết chỉ được nhắc đến ở những quy định về thiệt hại mà không phải ở các quy định về “hành vi trái pháp luật”.
Qua thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua tồn tại những cách hiểu khác nhau về tính trái pháp luật có thể dẫn đến sự không thống nhất trong xét xử khi đánh giá các chứng cứ liên quan đến hành vi trái pháp luật. Về mặt luật thực định và tính thống nhất của BLDS, chúng tôi cho rằng giữa hai cách hiểu trên thì nên áp dụng cách diễn giải thứ nhất, tính trái pháp luật trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hướng tới hậu quả sẽ phù hợp với chức năng của chế định từ góc nhìn lý thuyết bù đắp thiệt hại trong trường hợp chủ thể bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp.
2. Thiệt hại thực tế
Một nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Tuy nhiên, Bộ luật dân sự hiện nay không có hướng dẫn cụ thể thế nào là thiệt hại thực tế và cơ sở để xác định thiệt hại thực tế dựa trên nguồn nào, tuy nhiên tùy từng vụ án thì Tòa án thường có những đánh giá chứng cứ khác nhau.
Xét Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2019/DS-ST ngày 06/5/2019 của TAND thị xã T, tỉnh B về vụ án “Yêu cầu bồi thường thiệt hại” giữa nguyên đơn là ông Thái Văn T với bị đơn là ông Nguyễn Công Tr, có nội dung: Trong quá trình sử dụng đất, năm 2013 ông T phát hiện ông Tr khai thác khoáng sản làm sụt lở đất của ông T (thửa số 52). Ông Tr có giấy phép khai thác khoáng sản số 15. Thửa đất số 28 ông Tr khai thác khoáng sản có một cạnh giáp với thửa đất của ông T. Phía nguyên đơn cho rằng: việc khai thác khoáng sản của bị đơn làm sụt lở đất của nguyên đơn. Còn phía bị đơn cho rằng: Tiếp giáp thửa 28 và thửa 52 có dòng nước chảy từ đường ĐH 423 đổ xuống qua hai thửa đất làm sụt lở một phần thửa 28 của ông Tr. Tiếp giáp thửa 28 và thửa 52 có dòng nước chảy từ đường ĐH 423 đổ xuống qua hai thửa đất làm sụt lở một phần thửa 28 của ông Tr.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định rằng hành vi khai thác đất của ông Tr là có thật, đại diện bị đơn thừa nhận việc khai thác đất cạnh phần đất của ông T và đồng ý gia cố, lắp cống, đổ đất để khắc phục cho nên có căn cứ xác định hành vi khai thác đất ở thửa đất số 28 là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở đất ở thửa số 58. Ông Tr là chủ công trình khai thác đất có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo qui định tại Điều 627 BLDS năm 2005. Tuy nhiên, theo biên bản xác minh ngày 01/11/2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, có cơ sở xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại về quyền sử dụng đất của ông T ngoài việc do ông Tr khai thác đất còn có đường nước chảy qua, địa hình dốc, trời mưa gây sụt lở đất. Như vậy, ngoài hành vi khai thác đất của ông Tr còn có yếu tố tự nhiên, thời tiết gây ra sụt lở. Thực tế, thiệt hại xảy ra do nguyên nhân chứ không phải do hành vi khai thác đất của ông Tr cho nên có cơ sở xác định ông Tr chỉ có ½ lỗi gây ra thiệt hại. Như vậy, Tòa án nhân dân thị xã T xác định nguồn gây thiệt hại là do yếu tố tự nhiên bên cạnh hành vi trái pháp luật là có cơ sở.
3. Thiệt hại về tinh thần
Trong khi thiệt hại vật chất là yếu tố khách quan có thể dễ dàng nhận biết và đo lường thì thiệt hại về tinh thần lại thiên về mặt chủ quan, trừu tượng, rất khó xác định và quy đổi thành giá trị kinh tế. Tại các điều 590, 591, 592, 606, 607 của BLDS năm 2015 đã đặt ra một số mức trần về thiệt hại tinh thần trong những trường hợp có sự xâm phạm các giá trị nhân thân: xâm phạm về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, thi thể, mồ mả. Tại Điều 592 BLDS năm 2015 chỉ đưa ra mức bồi thường tối đa cho trường hợp này là mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, mà không có hướng dẫn chi tiết về cơ sở để xác định mức bồi thường. Tuy nhiên, việc chỉ đưa ra mức trần sẽ dẫn đến sự lúng túng, không thống nhất khi xét xử của Tòa án trong việc xác định mức độ thiệt hại và mức bồi thường tương xứng. Bên cạnh đó, tại Mục I.1.1. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn Tòa án cần xem xét đến các tình tiết cụ thể chẳng hạn như mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm, mức độ giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm, thời gian chịu đựng tổn thất, mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm.
Xét Bản án sơ thẩm dân sự số 05/2017/DS-ST ngày 17/8/2017 của TAND huyện B, tỉnh L , nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường do sáng mùng một Tết cổ truyền bị đơn đến trước cửa nhà nguyên đơn chửi bới. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại tinh thần do bị xâm phạm danh dự, uy tín là 7.000.000 đồng. Tòa án cho rằng không có căn cứ bồi thường 7.000.000 đồng, mà tuyên xử ở mức 03 tháng lương cơ bản, tương ứng 3.900.000 đồng. Tuy nhiên, Tòa án cũng không đưa ra được lập luận thuyết phục trong việc lựa chọn mức bồi thường như trên, Tòa án cho rằng với mức bồi thường là 7.000.000 đồng không tương xứng với thiệt hại mà nguyên đơn chứng minh.
4.Thiệt hại về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm
Quy định về mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm giữa Bộ BLDS năm 2015 và Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 có sự khác nhau dẫn đến vướng mắc trong công tác xét xử. Cụ thể là tại khoản 2 Điều 591 BLDS năm 2015 quy định “Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”; khoản 4 Điều 27 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định mức bồi thường cao hơn nhiều: “Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở. Trường hợp người bị thiệt hại chết thì không áp dụng bồi thường thiệt hại về tinh thần quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này.” Do có sự khác nhau giữa quy định của BLDSBộ luật dân sự và Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước nên trong một vụ án có cả cá nhân, tổ chức dân sự và cả nhà nước cùng có trách nhiệm liên đới thì việc xác định mức thiệt hại và phân bổ trách nhiệm bồi thường sẽ khó khăn. Mặt khác, đối với các vụ án mà có một bên là cơ quan Nhà nước thì phía cá nhân, tổ chức bị thiệt hại thường yêu cầu áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước để được hưởng mức bồi thường lớn tuy nhiên lại gây lúng túng cho Tòa án trong việc lựa chọn pháp luật áp dụng.
5. Tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh hàng hóa
Về thực tiễn áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà một bên là người tiêu dùng, mặc dù quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã khá toàn diện, tuy nhiên thực tiễn giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh hàng hóa thì bên thua kiện thường là người tiêu dùng – bên yếu thế trong quan hệ, chẳng hạn như việc chứng minh lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện, do đó họ thường chủ động đưa ra các chứng cứ và giải thích các thuật ngữ chuyên ngành theo hướng có lợi cho họ.
Xét Bản án số 19/2019/DS-PT ngày 13/5/2019 của TAND tỉnh H về “tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng” giữa ông Bùi Trọng Kh và Công ty TNHH S có nội dung: Ngày 02/10/2014, ông Kh mua 01 chiếc tivi tại cửa hàng đại lý của Công ty S. Gia đình ông sử dụng tivi được gần 01 năm thì tivi hỏng. Sau một lần bảo hành, đến lần thứ hai nhân viên có đến nhà ông xem xét và chụp ảnh lại tivi có sự chứng kiến của ông. Ngày 23/9/2015, trung tâm gọi điện thoại từ chối bảo hành và đưa lý do người tiêu dùng đã để nước vào tivi và trời nồm ẩm gia đình không biết bảo quản. Nguyên đơn là ông Kh yêu cầu Công ty bồi thường các chi phí bao gồm tiền mua tivi; chi phí làm hồ sơ, giấy tờ khởi kiện; chi phí thuê luật sư; thiệt hại về tổn thất tinh thần do mất cơ hội tiếp thu thông tin do tivi bị hỏng; thiệt hại về tổn thất tinh thần do lo lắng, mệt mỏi.
Phía bị đơn cho rằng: Tại lần bảo hành thứ hai, công ty S đã từ chối bảo hành tivi cho ông Kh với lý do hiện trạng tivi tại thời điểm kiểm tra bên trong có hiện tượng hoen gỉ và mốc cáp không phải do lỗi của công ty S. Tại mục 2 Điều 7 chính sách bảo hành và sửa chữa sản phẩm thì tivi sẽ không được bảo hành nếu sử dụng sai hướng dẫn – bị chất lỏng đổ vào.
Tại Kết luận giám định số 45/C09-P6 ngày 04/4/2019 của Viện khoa học hình sự – Bộ công an kết luận: Tại thời điểm giám định, xác định được nguyên nhân TV gửi giám định bị hỏng, sọc màn hình không sử dụng bình thường được là do tab của màn hình (mạch điều khiển) bị hỏng. Không xác định được nguyên nhân hỏng do bị tác động hay do tự nhiên. Tại phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương cho rằng cần cần chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn vì Kết luận giám định của Bộ Công an không có căn cứ chứng minh ông Kh có tác động hay bất cẩn trong quá trình sử dụng dẫn đến hỏng tab màn hình làm tivi bị hỏng và chiếc ti vi của ông Kh vẫn trong thời gian bảo hành. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều bác yêu cầu của nguyên đơn. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 42 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về chứng cứ, chứng minh; Công ty S đã cung cấp chứng cứ chứng minh toàn bộ lô hàng đã xuất xưởng và bán ra thị trường không có trường hợp nào hỏng ti vi như trường hợp của ông Kh mà khách hàng khiếu nại hoặc yêu cầu sửa chữa bảo hành; Việc nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do mất cơ hội tiếp thu thông tin do tivi bị hỏng, Tòa án cấp phúc thẩm lập luận rằng không có cơ sở vì trong nhà ông Kh còn có các tivi khác và còn có đài phát thanh xã phát thanh hằng ngày.
1.Tờ trình Dự thảo Bộ luật Dân sự 2015
http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=588&TabIndex=2&TaiLieuID=1616
Theo đó: Cách diễn giải này cũng phù hợp với xu hướng của luật thực định bỏ cấu thành lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhằm loại bỏ gánh nặng chứng minh cho người bị thiệt hại.
2. BLDS 2015 Điều 585.1
3. Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2019), Sách tình huống Pháp luật hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Bình luận bản án), NXB Hồng Đức, 394–95.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận