Vướng mắc trong trường hợp bị đơn yêu cầu chia tài sản chung trong vụ án ly hôn
Thông thường trong vụ án tranh chấp về hôn nhân & gia đình, Tòa án phải giải quyết đồng thời cả 3 mối quan hệ, đó là quan hệ về hôn nhân, quan hệ về nuôi con chung và quan hệ về chia tài sản. Tuy nhiên theo đơn khởi kiện, yêu cầu của đương sự có thể Tòa án chỉ giải quyết một hoặc hai trong 3 mối quan hệ trên.
Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề vướng mắc theo quy định pháp luật tố tụng dân sự trong trường hợp nguyên đơn trong vụ án ly hôn không yêu cầu chia tài sản chung nhưng bị đơn trong vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình (HNGĐ) lại yêu cầu chia tài sản chung.
Bị đơn yêu cầu chia tài sản chung
Trong tranh chấp về HNGĐ, nhiều vụ án nguyên đơn (vợ hoặc chồng) khởi kiện chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, phân chia quyền nuôi con, nghĩa vụ, mức cấp dưỡng khi ly hôn mà không yêu cầu phân chia tài sản chung, nhưng trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết thì bên bị đơn có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng. Tranh chấp về chia tài sản chung bao gồm nhiều dạng: tài sản mà vợ chồng thống nhất là tài sản chung nhưng không thống nhất được cách chia; tài sản mà họ không thống nhất được với nhau là tài sản chung như: tranh chấp do một bên cho rằng là tài sản chung, bên kia cho rằng tài sản riêng hoặc có tranh chấp cho rằng là tài sản của người thứ ba, hoặc không có tài sản đó…
Nếu trong vụ án tranh chấp về dân sự thì Tòa án sẽ thụ lý theo thủ tục “Yêu cầu phản tố” của bị đơn còn trong vụ án tranh chấp về HNGĐ pháp luật về tố tụng không quy định về thủ tục này dẫn đến tùy theo từng Thẩm phán, từng Tòa án có mỗi cách giải quyết khác nhau không thống nhất và có nhiều quan điểm khác nhau:
-Quan điểm 1: Trong vụ án tranh chấp ly hôn bên nguyên đơn không yêu cầu giải quyết quan hệ tài sản chung nhưng bị đơn có yêu cầu thì đây là yêu cầu độc lập nên thụ lý giải quyết như thủ tục “Yêu cầu độc lập” của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự.
– Quan điểm 2: Trong vụ án tranh chấp ly hôn bên nguyên đơn không yêu cầu giải quyết quan hệ tài sản chung nhưng bị đơn có yêu cầu thì đây là yêu cầu khởi kiện bổ sung nên thụ lý giải quyết như thủ tục “Yêu cầu khởi kiện bổ sung” của đương sự trong vụ án dân sự.
– Quan điểm 3: Nếu nguyên đơn yêu cầu ly hôn, không yêu cầu giải quyết về tài sản nhưng bị đơn có yêu cầu thì được coi là “Yêu cầu phản tố” đối với bên kia.
Một số vướng mắc
Về thủ tục thụ lý: Do pháp luật tố tụng không có quy định nên tên gọi trong các văn bản tố tụng không thống nhất, có Tòa án ra Thông báo thụ lý về việc yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng; có Tòa án Thông báo về việc chia tài sản chung của bị đơn,… Ngoài ra, về đóng tạm ứng án phí, theo quy định tại điều 146 BLTTDS quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí thì chỉ có nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn mới phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm cho nên nếu yêu cầu của bị đơn không phải là yêu cầu phản tố thì có phải nộp tiền tạm ứng án phí hay không?
Về xác định thời hạn giải quyết vụ án: Có Thẩm phán, Tòa án xác định thời hạn giải quyết vụ án như trường hợp thụ lý yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự. Có nơi xác định thời hạn giải quyết vụ án như trường hợp thụ lý yêu cầu bổ sung của nguyên đơn.
Thời điểm chấp nhận yêu cầu của bị đơn: Do không có quy định trong trường hợp này là yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập nên không thể áp dụng Điều 200, 201 BLTTDS buộc bị đơn phải đưa ra yêu cầu trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tại phiên tòa bị đơn lại yêu cầu chia tài sản chung, HĐXX có chấp nhận hay không chấp nhận? Nếu không chấp nhận yêu cầu của bị đơn thì căn cứ quy định nào? Nếu chấp nhận thì thủ tục như thế nào? Trong trường hợp này cũng có nhiều quan điểm.
Có quan điểm cho rằng, không chấp nhận yêu cầu mới phát sinh tại phiên tòa về việc tranh chấp tài sản chung vợ chồng, bởi vì trong quá trình thụ lý giải quyết, Tòa án đã tiến hành hòa giải, công khai chứng cứ cho bị đơn biết các nội dung yêu cầu của nguyên đơn. Theo đó, nếu bị đơn có tranh chấp tài sản thì phải có đơn yêu cầu và đơn yêu cầu này phải thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mới được Tòa án thụ lý giải quyết ( Bị đơn có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí tranh chấp tài sản, cung cấp các tài liệu chứng cứ chứng minh để Tòa án tiến hành xác minh, định giá…). Nếu chấp nhận thụ lý yêu cầu tranh chấp tài sản chung tại tòa dẫn đến việc hoãn phiên tòa không có căn cứ pháp luật. Do đó, Tòa vẫn tiến hành xét xử ,chỉ giải quyết vấn đề ly hôn và con chung như nội dung đã thụ lý. Sau này bên đương sự nào có yêu cầu tranh chấp tài sản chung sau ly hôn thì Tòa án tiếp tục thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Quan điểm khác cho rằng, tuy trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, cả nguyên đơn và bị đơn chỉ yêu cầu giải quyết về quan hệ hôn nhân và con chung, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn lại có yêu cầu giải quyết về tài sản, Tòa án phải hoãn phiên tòa để giải quyết yêu cầu này, vì khi giải quyết án hôn nhân, Tòa án giải quyết ba mối quan hệ: đó là quan hệ hôn nhân, con chung và tài sản chung. Sau khi hoãn phiên tòa, bị đơn có nghĩa vụ kê khai tài sản, nộp tài liệu chứng cứ chứng minh tài sản chung, nộp tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án và tiến hành thu thập chứng cứ, định giá tài sản, công khai chứng cứ và hòa giải về tài sản theo đúng trình tự của BLTTDS quy định để giải quyết chung trong cùng vụ án. Nếu Tòa án tách quan hệ tài sản để giải quyết thành một vụ án khác vì lý do trong giai đoạn chuẩn bị xét xử các đương sự không có yêu cầu giải quyết là bỏ sót yêu cầu của đương sự và gây thêm phức tạp cho việc giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân, đồng thời Tòa án lại phải thụ lý, giải quyết thêm một vụ án về tranh chấp tài sản sau ly hôn.
Theo quan điểm của chúng tôi nên quy định về này là trường hợp riêng trong vụ án HNGĐ nhưng trình tự thụ lý giải quyết như trường hợp “Yêu cầu độc lập” của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự.
Pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định cụ thể về vấn đề này nên có nhận thức khác nhau trong quá trình giải quyết. Vì thế, chúng tôi rất cần hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC để pháp luật được áp dụng thống nhất.
Trên đây là ý kiến trao đổi của chúng tôi, rất mong nhận được sự tham gia góp ý của bạn đọc và các chuyên gia pháp lý để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận